Thủ tướng Therasa May nói rằng trách nhiệm giờ thuộc về Quốc hội trong việc thực hiện kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, khi bắt đầu cuộc tranh luận kéo dài năm ngày về vấn đề này trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu lịch sử vào ngày 11/12.
Bà May cho rằng thỏa thuận về Brexit đạt được với với EU vào tuần trước là lựa chọn duy nhất được đưa ra cho Quốc hội và các nghị sỹ có thể chọn thỏa thuận này, không thỏa thuận hoặc không Brexit.
Bà nói thỏa thuận này xứng đáng nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ và các đảng, kêu gọi sự thống nhất của Quốc hội để có thể vượt qua giai đoạn thử thách hiện nay.
Bà thừa nhận thỏa thuận giữa nước Anh với EU không phải là thỏa thuận hoàn hảo nhưng cho đó là sự nhượng bộ đáng ghi nhận sau hơn hai năm đàm phán khó khăn.
Thủ tướng May cũng phản đối những kêu gọi gia tăng về việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, cho rằng điều đó sẽ khiến tình trạng chia rẽ tồi tệ hơn sau cuộc trưng cầu vào năm 2016.
Trong bài phát biểu nhiều lần bị gián đoạn vì sự phản đối của các nghị sỹ, bà May cam kết trao cho Quốc hội vai trò lớn hơn và chính thức hơn trong các cuộc thương lượng sắp tới với EU về thương mại. Tuy nhiên, bà không nói đến việc Quốc hội có quyền bỏ phiếu thỏa thuận này hay không.
Trong một bước đi bất ngờ tại Quốc hội Anh, Hạ viện ngày 4/12 đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của sáu đảng đối lập về việc công bố toàn văn nội dung tư vấn pháp lý về thỏa thuận Brexit với tỷ lệ 311-293, để các nghị sĩ có thể lựa chọn một cách có cơ sở hơn trước khi Hạ viện dự kiến bỏ phiếu thông qua nội dung thỏa thuận.
Cũng trong phiên cuộc thảo luận kéo dài tới bốn giờ tại Hạ viện, các nghị sĩ cũng đã nhất trí thông qua việc trao thêm quyền lực cho Quốc hội nếu như thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May bị bác bỏ vào ngày 11/12 tới. Đây là những động thái được xem là nhằm làm giảm khả năng nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận.
Thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo 27 nước EU thông qua vào tháng trước nêu lên các điều khoản cho việc nước Anh ra khỏi EU vào ngày 29/3 tới và các quan hệ trong tương lai giữa Vương quốc Anh với EU. Nếu thỏa thuận này bị bác bỏ, nước Anh sẽ đối mặt với một kịch bản Brexit không thỏa thuận gây hỗn loạn.
Việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) mà không có thỏa thuận sẽ kết thúc hơn 40 năm thương mại tự do và làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa và dịch vụ giữa "xứ sở sương mù" và EU.
Theo Ngân hàng trung ương Anh, kịch bản này sẽ khiến nước Anh rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng, với giá đồng bảng giảm 25% khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng vọt.