5 mục tiêu của năm 2020
Trong những kết quả đó, Thủ tướng nhắc tới sự kiện gạo ST 25 của Việt Nam được vinh danh là "gạo ngon nhất thế giới". Thủ tướng khẳng định quan điểm phải ủng hộ xuất khẩu chính ngạch để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thủ tướng cũng cho biết, có nhiều tin vui về mở cửa thị trường cho nông sản Việt mà gần đây nhất, trong chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng, nước bạn đã chấp nhận sản phẩm thanh long của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như cơ cấu lại ngành nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm. Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Về mục tiêu nông nghiệp năm 2020 và các năm sau, Thủ tướng nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải đóng vai trò tốt hơn để giải quyết vấn đề khó khăn cho đời sống, cho sản xuất, xuất nhập khẩu; dự báo tình hình từ thời tiết cho tới cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề dịch bệnh, xu hướng bảo hộ, hàng rào kỹ thuật… đang gia tăng.
Thủ tướng đưa ra mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2020:
a). Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, tức là cao hơn năm nay.
b). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.
c). Tỷ lệ che phủ rừng Quốc hội đã giao là 42%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%.
d). Ít nhất có 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
e). Thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp để cả nước chúng ta có 17.000 HTX nông nghiệp.
Sớm lấy lại "thẻ xanh" thủy sản
Mục tiêu đến 2025, Thủ tướng đề nghị phải đạt mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3 - 3,5 %, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới.
Phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay, 35.000 HTX nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.
“Ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao một số nhiệm vụ cho Bộ.
Cụ thể là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Sớm lấy lại thẻ xanh của EC về thủy sản, không để bị rút thẻ đỏ.
Thủ tướng yêu cầu cán bộ ngành nông nghiệp phải giỏi chuyên môn, tận tụy với bà con, cùng “xắn quần móng lợn”, lội ruộng, lội rừng rừng phòng, chống thiên tai. Tập trung làm kế hoạch trung hạn ngành NN&PTNT 5 năm tới sát đúng, hiệu quả.