Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” được phê duyệt sau khi mô hình xúc tiến xuất khẩu này đã triển khai thành công trong giai đoạn I từ năm 2015 tới 2022.
Mục tiêu chính của Đề án này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Hội nghị triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương; các Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài; các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam, các Tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới như Walmart, Amazon (Mỹ), Carefour (Pháp), Aeon (Nhật Bản), Central Retail, Mega Market (Thái Lan)...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, để triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ: tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nhằm lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của Đề án; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.
Các Tập đoàn Phân phối có mặt tại Hội nghị đều bày tỏ luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, các Bộ ngành, địa phương của Việt Nam để xây dựng nguồn cung phong phú, lâu dài, bền vững và có sức chống chịu cao trước mọi biến động của thị trường.
Tại Hội thảo, các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cũng đã trình bày kế hoạch hoạt động của đơn vị mình và đưa ra những kiến nghị cụ thể về phương thức triển khai trong thời gian tới để Đề án đạt được hiệu quả cao nhất.
Với sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bên tham gia, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các Sở Công Thương và doanh nghiệp, Đề án được kỳ vọng sẽ xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối của khu vực và thế giới.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: