TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu mức độ biến động kết quả sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các ngành khác nhau bao gồm: dầu khí, vận tải, lương thực thực phẩm xoay quanh thời điểm xảy ra căng thẳng giữa Nga - Ukraine trong giai đoạn từ quý 1/2022 đến quý 2/2022. Bằng phương pháp so sánh thống kê, kết quả đã chỉ ra có sự thay đổi về doanh thu, lợi nhuận và các chỉ số đo lường mức độ hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, trong ngành Dầu khí, nếu các doanh nghiệp như Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau có doanh thu và các chỉ số tài chính cao hơn mức trung bình ngành, thì các doanh nghiệp khác đều ghi nhận các chỉ số giảm so với quý trước. Các doanh nghiệp vận tải có sự tăng trưởng về xuất nhập khẩu, cũng như hưởng lợi từ việc giá cước vận tải tăng cao và sự tăng giá của các loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới. Trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, xung đột Nga - Ukraine được coi là một cơ hội lớn đối với ngành lương thực, thực phẩm tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khó nắm bắt cơ hội. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam có sự hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, vì vậy khi kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát cao sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.
Từ khóa: biến động thị trường, căng thẳng chính trị, doanh nghiệp Việt Nam, xung đột Nga - Ukraine.
1. Đặt vấn đề
Hoạt động kinh tế không thể tách rời với các sự kiện chính trị (Wisniewski, 2016). Các sự kiện chính trị và những hành động của Chính phủ đều có khả năng ảnh hưởng đến những biến động thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp. Những ảnh hưởng của chính trị đến hoạt động kinh tế là chủ đề được thảo luận thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Trong vài thập kỷ qua, ngày càng có nhiều học giả nghiên cứu và đánh giá mối quan hệ này. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay, tác động của các sự kiện chính trị đến nền kinh tế không còn giới hạn trong các sự kiện trong nước nữa mà bắt đầu mở rộng tới các sự kiện chính trị quốc tế. Trong những năm qua, hàng loạt sự kiện chính trị trong nước và quốc tế đã xảy ra và đều trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tới tình hình xã hội, kinh tế, văn hóa và sự sống còn của các doanh nghiệp.
Năm 2022, thế giới chứng kiến mối quan hệ giữa Nga và Ukraine diễn ra căng thẳng hơn bao giờ hết với hàng loạt hành động tấn công và đáp trả tới từ hai bên liên quan, gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nền kinh tế, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khi xung đột xảy ra, giá cổ phiếu phân bón trên sàn chứng khoán Việt Nam tăng rất nhanh, do sự thiếu hụt nguồn cung ứng các thành phần sản xuất phân bón, cùng với đó là gia tăng về giá của hàng loạt sản phẩm nông nghiệp và giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Cụ thể, giá các loại nguyên liệu như lúa mỳ, ngô, khoai,… tăng lên 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20% (tháng 02/2022), ảnh hưởng xấu đến ngành Chăn nuôi và Trồng trọt của Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu nông sản cùng các sản phẩm liên quan giữa Việt Nam với Nga, Ukraine và một số quốc gia Đông Âu phải tạm dừng bởi lo ngại rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu phương tiện vận chuyển và chi phí lớn.
Xung đột Nga - Ukraine leo thang làm trì trệ chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất. Giá các mặt hàng như lúa mỳ, phân bón, than, thép và các kim loại cơ bản đồng loạt tăng. Nga và Ukraine đều là hai quốc gia cung cấp lượng lớn niken, neon, krypton, nhôm và palladium, việc đình trệ nguồn cung hàng hóa này ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất, làm tăng giá nhập khẩu các thiết bị điện tử. Đáng chú ý hơn cả là sự khan hiếm đẩy giá các loại nguyên nhiên liệu: xăng, dầu, khí đốt lên rất cao, làm tăng chi phí sản xuất, tạo áp lực lạm phát với toàn bộ nền kinh tế.
Không chỉ riêng sự căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine, theo thống kê, xoay quanh các sự kiện chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp trong nước đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Cụ thể, sự kiện Anh tách khỏi Liên minh châu Âu khiến tỷ giá VND/USD tăng từ 1 USD - 21.887 VND lên 1 USD - 23.196 VND, cùng với đó là việc quan hệ mậu dịch Việt Nam và EU cũng bị ảnh hưởng. Trong diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,8%, lớn hơn mức tăng chung 6,3% của các thị trường mới nổi ở Đông Á và Thái Bình Dương. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chiếm 6,8% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, sản xuất năng lượng với quy mô tăng từ 700 triệu USD lên hơn 2,4 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2018.
Từ những số liệu thống kê này, việc đánh giá những ảnh hưởng của sự kiện chính trị quốc tế tới hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam là vấn đề quan trọng và cấp thiết đối với không chỉ doanh nghiệp, mà còn đối với nhà đầu tư, hoạch định chính sách. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu về biến động của nền kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp xoay quanh sự căng thẳng trong quan hệ chính trị của Nga và Ukraine như một minh chứng cụ thể cho tác động của các sự kiện chính trị quốc tế tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
2. Ảnh hưởng của căng thẳng Nga - Ukraine đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam
2.1. Kết quả so sánh về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian diễn ra căng thẳng Nga - Ukraine
Để đánh giá ảnh hưởng của sự kiện chính trị quốc tế, điển hình là căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga - Ukraine đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, nghiên cứu lựa chọn 3 ngành nghề được đánh giá là có khả năng bị tác động khá lớn, do các nguyên nhân đến từ nguồn cung nguyên vật liệu, giao dịch vận tải, bao gồm: dầu khí, vận tải logistics và lương thực, thực phẩm. Trong mỗi ngành, nhóm tác giả đã lựa chọn những doanh nghiệp điển hình để phân tích những tác động của chiến tranh Nga - Ukraine đến kết quả hoạt động kinh doanh bao gồm: doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế và các chỉ số về lợi nhuận như tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (Return on Sales - ROS), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity - ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (Return on Assets - ROA) trong thời gian từ quý 1/2022 đến quý 2/2022. Số liệu được thu thập từ hệ thống FinnPro Platform. Kết quả thống kê so sánh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các ngành dầu khí, vận tải logistics và lương thực thực phẩm được trình bày lần lượt ở các Bảng 1, 2, 3.
Trong ngành Dầu khí, có thể thấy dầu thô đã tăng giá hơn 30% kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, khiến phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ. Ngưỡng giá trên 100 USD một thùng được duy trì nửa tháng qua, theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), xung đột Nga - Ukraine giúp ngành Dầu khí Việt Nam hưởng lợi về giá, nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng. Kèm theo đó là các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước... cũng tăng. Mặc dù vậy, qua Bảng 1 có thể thấy được Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) có doanh thu và các chỉ số tài chính đều có những chuyển biến tích cực, chỉ số ROE nằm trong khoảng hoặc cao hơn mức trung bình ngành (9,14%). Trong khi đó, chỉ số của các doanh nghiệp còn lại đều giảm so với quý trước, thậm chí lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) quý 2/2022 chạm mức âm (-73.816 triệu đồng). Vậy nên dù hưởng lợi về giá, giá dầu tăng trên thị trường thế giới vẫn gây nhiều thiệt hại cho hầu hết các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam, kéo giá nhiên liệu tăng lên, tăng chi phí sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp và chi phí tiêu dùng của người dân (chi phí xăng dầu chiếm 3,5% tổng chi phí sản xuất trong kinh tế Việt Nam).
Đối với ngành Vận tải logistics, tình hình xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã cắt đứt nhiều tuyến đường vận chuyển quan trọng, buộc các công ty vận tải phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ, bên cạnh đó giá cước hàng không tăng vọt cũng gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp ngành Vận tải tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ lên doanh thu và các chỉ số tài chính khác. Dù các chỉ số có tăng so với quý trước nhưng được coi là không đáng kể so với trung bình ngành. Cụ thể, kết quả từ Bảng 2 cho thấy chỉ số ROE của CTCP Cảng Hải Phòng dù có tăng từ 2,68% lên đến 3,40%, nhưng chỉ số vẫn quá nhỏ so với chỉ số trung bình ngành Logistic (12,84%). Việc giá dầu leo thang do chiến sự tại Ukraine được cho là có ảnh hưởng lớn, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp ngành vận tải biển. Dù vậy, tăng trưởng về xuất nhập khẩu đang là động lực, tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp cảng, vận tải biển hưởng lợi từ việc giá cước vận tải tăng cao, cùng sự tăng giá hàng loạt các loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới. Bằng chứng là trong những doanh nghiệp trên, CTCP Vận tải Biển Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP đều có có sự tăng trưởng lớn về doanh thu và lợi nhuận (lợi nhuận sau thuế của CTCP Vận tải Biển Việt Nam tăng từ 55.748 triệu đồng lên đến 259.910 triệu đồng) và có những chỉ số tài chính khả quan với chỉ số ROE của CTCP Vận tải Biển Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc (21,77%). Xét về lâu dài, các tuyến đường vận chuyển quan trọng không được mở lại, khối lượng hàng hóa tích tụ và khối lượng công việc lớn sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với doanh nghiệp vận tải biển, buộc ngành Logistic Việt Nam phải chuẩn bị những chiến lược lâu dài hiệu quả hơn để đối phó với thực trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.
Trong ngành Lương thực, thực phẩm, Nga và Ukraine đều nằm trong số các quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn trên thế giới. Vì vậy, chiến tranh sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao, cụ thể trong tháng 9/2022, giá nhập khẩu lúa mỳ bình quân ở mức 424 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 37,2% so với tháng 9/2021. Ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá gạo cũng sẽ tăng theo giá lương thực thế giới, cùng với đó nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên để trở thành 1 sản phẩm thay thế cho lúa mỳ hay ngô. Cụ thể qua Bảng 3, có thể thấy CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang, có thế mạnh về các sản phẩm làm từ gạo, là doanh nghiệp ngành thực phẩm có doanh thu và các chỉ số tài chính khá tốt. Mặc dù vậy nhưng xét về lâu dài, những bất cập về xuất nhập khẩu có thể sẽ khiến ngành Lương thực, thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng xấu. Có thể thấy, ngoài Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang, những doanh nghiệp cùng ngành khác đều cho những số liệu không khả quan. Công ty CP Bibica mặc dù có doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 đạt mức -2.857 triệu đồng, những chỉ số tài chính khác cũng chỉ đạt mức âm. Xét riêng chỉ số ROE, không có doanh nghiệp nào đạt được chỉ số gần với chỉ số của ngành (12,03%), thậm chí chỉ số ROE của một số doanh nghiệp không vượt quá ngưỡng 1% như CTCP Bánh kẹo Hải Hà (0,03%), CTCP Đồ hộp Hạ Long (0,16%), CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (0,31%). Từ đó, có thể thấy, mặc dù xung đột Nga - Ukraine được coi là một cơ hội lớn đối với ngành Lương thực, thực phẩm tại Việt Nam nhưng thực tế cho thấy rất các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khó có thể nắm bắt được cơ hội này.
Bảng 1. So sánh hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp ngành Dầu khí quý 1 và 2 năm 2022
STT |
Doanh nghiệp |
Doanh thu thuần (triệu đồng) |
Lợi nhuận sau thuế (triệu đồng) |
ROS (%) |
ROE (%) |
ROA (%) |
|||||
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
||
1 |
Tổng Công ty Khí Việt Nam |
26.689.145 |
27.653.355 |
3.495.353 |
5.141.205 |
13,10 |
18,59 |
6,36 |
8,75 |
4,18 |
4,18 |
2 |
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam |
7.061.388 |
7.462.393 |
803.482 |
582.086 |
11,38 |
7,80 |
2,29 |
1,31 |
1,34 |
1,34 |
3 |
Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam |
3.769.373 |
3.811.176 |
250.294 |
15.449 |
6,64 |
0,41 |
1,71 |
0,10 |
0,87 |
0,05 |
4 |
Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí |
1.145.884 |
1.505.422 |
75.066 |
-73.816 |
-6,55 |
4,90 |
-0,41 |
-0,43 |
-0,27 |
-0,29 |
5 |
Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau |
4.074.799 |
4.083.801 |
1.517.568 |
1.039.099 |
37,24 |
25,44 |
18.43 |
10,95 |
12,62 |
7,73 |
6 |
Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn |
34.783.091 |
52.391.132 |
2.312.232 |
9.909.756 |
6,65 |
18,91 |
6,00 |
22,40 |
3,39 |
13,22 |
7 |
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam |
67.019.920 |
84.367.409 |
442.432 |
-140.752 |
0,66 |
-0,17 |
0,85 |
-0,72 |
0,33 |
-0,24 |
8 |
Tổng Công ty dầu Việt Nam |
23.288.161 |
30.412.310 |
282.904 |
509.702 |
1,21 |
1,68 |
1,93 |
3,45 |
0,69 |
1,16 |
Nguồn: Nhóm tác giả tự thống kê từ dữ liệu FinnPro Platform
Bảng 2. So sánh hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp trong ngành Vận tải logistics quý 1 và 2 năm 2022
STT |
Doanh nghiệp |
Doanh thu thuần (triệu đồng) |
Lợi nhuận sau thuế (triệu đồng) |
ROS (%) |
ROE (%) |
ROA (%) |
|||||
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
||
1 |
Công ty cổ phần Gemadept |
879.858 |
977.930 |
319.155 |
334.170 |
36,27 |
34,17 |
3,80 |
3,81 |
2,52 |
2,58 |
2 |
Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí |
2.021.670 |
2.265.370 |
194.151 |
265.508 |
9,60 |
11,72 |
2,16 |
2,93 |
1,21 |
1,60 |
3 |
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An |
652.451 |
929.221 |
929.221 |
324.422 |
40,26 |
34,91 |
10,02 |
10,73 |
5,63 |
5,84 |
4 |
CTCP Container Việt Nam |
469.279 |
511.588 |
109.523 |
109.523 |
23,34 |
22,14 |
2,95 |
2,98 |
2,73 |
2,73 |
5 |
CTCP Vận tải Biển Việt Nam |
402.188 |
690.201 |
55.748 |
259.910 |
13,86 |
37,66 |
5,38 |
21,77 |
2,02 |
9,18 |
6 |
CTCP Thương mại và Vận tải Petrolimex Hà Nội |
231.229 |
302.047 |
4.985 |
5.099 |
2,16 |
1,69 |
3,75 |
3,93 |
2,56 |
2,60 |
7 |
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP |
3.264.017 |
3.964.345 |
688.859 |
1.434.343 |
21,10 |
36,18 |
4,71 |
8,90 |
2,09 |
4,20 |
8 |
CTCP Cảng Hải Phòng |
548.493 |
611.068 |
167.962 |
222.067 |
30,62 |
36,34 |
2,68 |
3,40 |
2,22 |
2,83 |
Nguồn: Nhóm tác giả tự thống kê từ dữ liệu FinnPro Platform
Bảng 3. So sánh hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp trong ngành Lương thực, thực phẩm trong quý 1 và 2 năm 2022
STT |
Doanh nghiệp |
Doanh thu thuần (triệu đồng) |
Lợi nhuận sau thuế (triệu đồng) |
ROS (%) |
ROE (%) |
ROA (%) |
|||||
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
Quý 1/ 2022 |
Quý 2/ 2022 |
||
1 |
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam |
13.877.826 |
14.930.275 |
2.283.315 |
2.102.267 |
16,45 |
14,08 |
6,40 |
5,80 |
4,26 |
3,90 |
2 |
CTCP Bibica |
301.774 |
239.883 |
131.432 |
-2.857 |
43,55 |
-1,19 |
-11,32 |
-0,22 |
7,66 |
-0,16 |
3 |
CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang |
124.327 |
118.707 |
19.876 |
16.489 |
15,99 |
13,89 |
12,32 |
9,18 |
8,17 |
6,49 |
4 |
CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco |
189.405 |
192.061 |
13.590 |
11.800 |
7,18 |
6,14 |
7,98 |
7,22 |
5,07 |
4,43 |
5 |
CTCP Bánh kẹo Hải Hà |
240.788 |
302.166 |
15.534 |
176 |
6,45 |
0,06 |
3,05 |
0,03 |
1,17 |
0,01 |
6 |
CTCP Đồ hộp Hạ Long |
173.241 |
208.478 |
6.604 |
237 |
3,81 |
0,11 |
4,37 |
0,16 |
1,55 |
0,06 |
7 |
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam |
2.805.814 |
2.966.373 |
8.609 |
14.276 |
0,31 |
0,48 |
0,18 |
0,31 |
0,08 |
0,13 |
8 |
CTCP Thực phẩm Hữu Nghị |
408.111 |
335.678 |
11.605 |
15.899 |
2,84 |
4,74 |
2,14 |
2,87 |
0,59 |
0,82 |
Nguồn: Nhóm tác giả tự thống kê từ dữ liệu FinnPro Platform
2.2. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo Văn Giáp (2022), quan hệ Nga - Ukraine sẽ mang đến những tác động gián tiếp cho doanh nghiệp qua giá dầu. Báo cáo của Agriseco Insight ngày 25/02/2022 đã dự báo rằng sự kiện trên sẽ đem lại nhiều lại ích cho nhóm ngành Dầu khí nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Song thực tế cho thấy giá xăng dầu tăng trên toàn thế giới dù phần nào có đem lại lợi ích cho ngành Dầu khí, nhưng những bất cập về giá nguyên liệu, chi phí sản xuất và phân phối vẫn là một bài toán khó gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp ngành Dầu khí tại Việt Nam.
Ngành Vận tải logistics của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như: rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, bất ổn chính trị thế giới, giảm nhu cầu mua sắm và tiêu dùng, lạm phát gia tăng từ các nước phát triển. Vietnam Report cho biết khảo sát về lượng đơn hàng các doanh nghiệp logistics nhận được có đến 52,6% cho biết lượng đơn hàng giảm, có một số doanh nghiệp mức giảm lên tới 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đúng với kết quả nghiên cứu cho thấy ngành Vận tải logistic cũng chịu sự ảnh hưởng tiêu cực do nhiều tuyến đường vận chuyển quan trọng bị cắt đứt, gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, theo Lê Thúy (2022), nhu cầu lương thực, thực phẩm toàn cầu đang rất lớn trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, đi kèm các lệnh cấm vận giữa một số nền kinh tế lớn khiến chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Đây cũng được xem là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gẫy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để xuất khẩu nông, lâm thủy sản vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn. Nhưng nghiên cứu cho thấy chỉ doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển, những doanh nghiệp còn lại có chỉ số tài chính không khả quan và mức lợi nhuận sau thuế không cao. Các doanh nghiệp xét đến tình hình thực tế, về vấn đề chất lượng sản phẩm, những khó khăn của xuất nhập khẩu và giá nhiên liệu đang ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Lương thực, để đưa ra những chiến lược toàn diện hơn.
3. Kết luận
Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao, khi kinh tế thế giới suy giảm và lạm phát cao, đặc biệt kinh tế của các đối tác quan trọng với Việt Nam suy giảm sâu sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp khá mạnh đến đà phục hồi và phát triển kinh tế nước ta. Chính vì vậy, xung đột Nga - Ukraine đã khiến cho tình trạng lạm phát ở cả Mỹ, châu Âu và Việt Nam leo thang, giá hàng hóa thiết yếu liên tục tăng. Đặc biệt gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cả trong ngắn và dài hạn, đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ về cả mặt tích cực và tiêu cực đến ngành Dầu khí, Logistic, Lương thực - thực phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Nguyễn Bích Lâm (2022), khủng hoảng Nga-Ukraine vẫn mang đến những cơ hội trong mỗi ngành. Kết quả từ nghiên cứu này cũng giúp các doanh nghiệp và Chính phủ xây dựng những biện pháp phù hợp về lâu dài để ứng phó hiệu quả với các sự kiện chính trị trên thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Agriseco (2022). Báo cáo vĩ mô: Xung đột Ukraine - Nga và thị trường chứng khoán Việt Nam, <https://finance.vietstock.vn/bao-cao-phan-tich/9636/bao-cao-vi-mo-xung-dot-ukraine-nga-va-thi-truong-chung-khoan-viet-nam.htm>
2. Cổ phiếu ngành lương thực thực phẩm và các mã tiềm năng hiện nay (2023), <https://yuanta.com.vn/tin-tuc/co-phieu-nganh-luong-thuc-thuc-pham-va-cac-ma-tiem-nang-hien-nay>
3. Danh sách các mã cổ phiếu nhóm ngành Logistics hàng đầu Việt Nam (2023), <https://daututudau.net/danh-sach-cac-ma-co-phieu-nhom-nganh-logistics-hang-dau-viet-nam>
4. Lê Đạt. (2022). TOP 5 cổ phiếu Logistics cực HOT sau đại dịch Covid-19, <https://infina.vn/blog/top-5-co-phieu-logistics-cuc-hot-sau-dai-dich-covid-19/>
5. Lê Thúy. (2022). Nông sản Việt và cơ hội từ "cơn khát" lương thực, thực phẩm toàn cầu, Tạp chí Tài chính, <https://tapchitaichinh.vn/nong-san-viet-va-co-hoi-tu-con-khat-luong-thuc-thuc-pham-toan-cau.html>
6. Nghiên cứu mới nhất của Vietnam Report về thị trường logistics Việt Nam (2023), <https://als.com.vn/nghien-cuu-moi-nhat-cua-vietnam-report-ve-thi-truong-logistics-viet-nam>
7. Nguyễn Bích Lâm. (2022). Khủng hoảng Nga-Ukraine: Hệ lụy, cơ hội và hướng đi cho kinh tế Việt Nam, <https://baochinhphu.vn/khung-hoang-nga-ukraine-he-luy-co-hoi-va-huong-di-cho-kinh-te-viet-nam-102220403172506087.htm>
8. Văn Giáp. (2022) Căng thẳng Nga-Ukraine tác động thế nào đến doanh nghiệp vận tải biển? | Doanh nghiệp | Vietnam+ (VietnamPlus) <https://www.vietnamplus.vn/cang-thang-ngaukraine-tac-dong-the-nao-den-doanh-nghiep-van-tai-bien/776999.vnp>
9. Vị trí quan trọng của Nga và Ukraine trong thị trường lúa mì toàn cầu (2022), <https://baotintuc.vn/infographics/vi-tri-quan-trong-cua-nga-va-ukraine-trong-thi-truong-lua-mi-toan-cau-20220610060457309.htm>
10. Wisniewski, T. P. (2016). Is there a link between politics and stock returns? A literature survey, International Review of Financial Analysis, 47, 15-23. DOI: https://doi.org/10.1016/j.irfa.2016.06.015.
Impacts of international political issues on Vietnamese enterprises
Nguyen Thi Hoa Hong1
Pham Tuan Kien2
Hoang Khanh Linh2
Mai Thi Trang Linh2
1Lecturer, Faculty of Business Administration, Foreign Trade University
2Student, Faculty of Business Administration, Foreign Trade University
Abstract:
This study examines the fluctuation of production, sales and business acctivities of Vietnamese enterprises in different industries including oil and gas, transportation and food processing when the Russia-Ukraine conflict occurred in the period from Q1 to Q2 2022. By uisng the statistical comparison method, the study’s results show that there are changes in the revenue, profit and other indicators measuring the busines performance of studied enterprises. For example, in the oil & gas industry, while Vietnam Gas Corporation, Binh Son Refining and Petrochemical Joint Stock Company, and Ca Mau Petroleum Fertilizer Joint Stock Company experienced better financial indicators, other businesses witnessed worse business performance compared to the previous quarter. Transport enterprises received benefits from the increase in freight rates, prices of commodities and they also recorded increases in imports and exports. The Russia-Ukraine conflict was consideed a great opportunity for food manufacturers in Vietnam but they faced many difficulties to grasp this opportunity. In general, as Vietnam’s economy has deeply integrated into the global economy, the slower global economic growth and the higher inflation will affect Vietnamese enterprises.
Keywords: market fluctuations, political tensions, Vietnamese enterprises, Russia-Ukraine conflict.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]