Thúc đẩy phát triển bền vững, Bamboo Capital (BCG) lập công ty trồng, chăm sóc rừng

Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG) vừa quyết định góp vốn thành lập công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp.
Bamboo Capital BCG Eco
BCG Eco sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp.

Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG - sàn HoSE) vừa thông qua việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần BCG Eco và cử người đại diện quản lý phần vốn tại đây.

Theo đó, BCG Eco sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp. Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tương ứng tổng số cổ phần là 2 triệu cổ phần. Trong đó, Bamboo Capital sẽ góp 5 tỷ đồng, tương đương 500.000 cổ phần, chiếm 25% vốn điều lệ của BCG Eco. Nguồn vốn góp đến từ vốn tự có của Bamboo Capital.

Trụ sở của BCG Eco đặt cùng tại trụ sở của Bamboo Capital tại phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.

Đây được xem là động thái mới nhất của Bamboo Capital trong việc kinh doanh xoay quanh triết lý “bền vững”. Tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên và dịp gặp gỡ nhà đầu tư, ban lãnh đạo Bamboo Capital từng nhiều lần chia sẻ về quan điểm phát triển các lĩnh vực kinh doanh đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, hướng tới phát triển bền vững, mà vẫn tạo ra lợi nhuận và đem lại lợi ích cho cổ đông.

Cuối tháng 7 vừa qua, BCG Energy - công ty con chuyên phụ trách mảng năng lượng tái tạo của Bamboo Capital đã khởi công Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Với công suất giai đoạn 1 đốt được 2.000-2.600 tấn rác/ngày, Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa sẽ giúp TP.Hồ Chí Minh xử lý  khoảng 20-25% tổng khối lượng rác thải của toàn thành phố mỗi ngày. Đồng thời, nhà máy sẽ tạo ra lượng điện khoảng 365 triệu kWh/năm (công suốt 60 MW/ngày).

Ngoài ra, nhiệt lượng sinh ra trong quá trình đốt ra sẽ được thu nạp phục vụ sản xuất kinh doanh, và tro xỉ còn lại sau khi đốt rác là loại chất thải không độc hại có thể sản xuất thành vật liệu xây dựng.

Nhà máy điện rác
Phối cảnh Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa do Bamboo Capital làm chủ đầu tư.

Xem thêm: "Bamboo Capital (BCG): Dòng tiền sẽ được cải thiện mạnh, tiềm năng bứt phá lớn tại mảng năng lượng tái tạo" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 8 này, trước câu hỏi của cổ đông về lý do đầu tư đa ngành, ông Nguyễn Tùng Lâm - Tổng Giám đốc điều hành Bamboo Capital cho biết, các mảng đầu tư hiện nay của tập đoàn đều có tính tương hỗ cao, vừa giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể, vừa giúp tập đoàn sử dụng chung nguồn lực để tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh cũng như tiếp cận vốn.

“Với mô hình đa ngành như hiện tại, tập đoàn sẽ hạn chế các rủi ro mang tính chu kỳ ngành. Khi một mảng kinh doanh đi xuống thì sẽ có các lĩnh vực khác bù đắp. Bamboo Capital sẽ tiếp tục hoạt động đa ngành nhưng sẽ không đầu tư dàn trải”, ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế nửa đầu năm nay, Bamboo Capital ghi nhận 2.100 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 417 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn này tiếp tục giảm chỉ còn 0,6 lần tại thời điểm cuối quý 2/2024, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp đầu tư đa ngành trên thị trường.

Duy Quang