Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Ngày 16/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là tin vui lớn đã trở thành hiện thực sau câu nói truyền lửa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn X

Nền tảng căn bản

Trong cuộc khảo sát với chủ đề “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp” do Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM), Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện, Việt Nam đứng thứ 7 trong 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy tinh thần rất cao song tỷ lệ khởi nghiệp ở Việt Nam lại ở mức chưa tương xứng. Theo thống kê trong năm 2014, tỷ lệ khởi nghiệp của Việt Nam chỉ dừng ở con số 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013.

Đây là điều khá ngạc nhiên, bởi từ lâu Chính phủ đã coi sự khởi nghiệp của doanh nghiệp là một trong trong những yếu tố cấu thành nên hưng thịnh quốc gia. Việc có 7 quỹ và dự án có vốn của Nhà nước dành cho các cộng đồng khởi nghiệp thể hiện sự quan tâm của Chính phủ không thua kém so với các nước trong khu vực. Hơn thế nữa, Chính phủ lại vừa giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Tỷ lệ khởi nghiệp chưa cao khiến cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành hiện nay đặc biệt quan tâm đến xây dựng các thể chế nền tảng, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà trong hoạt động đầu tiên của Chính phủ là gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 2 lần nhắc đến yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải tạo điều kiện cho môi trường khởi nghiệp thuận lợi; các hiệp hội cũng nhiều lần đưa vấn đề khởi nghiệp vào trong các kiến nghị của mình.

Vậy cái gì đang cản trở tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp? Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần đổi mới của hai luật Đầu tư và Doanh nghiệp này là thành quả quan trọng của công cuộc cải cách thể chế mà Quốc hội, Chính phủ có được. Thế nhưng theo Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, thì thủ tục về điều kiện kinh doanh vẫn là vướng mắc lớn nhất trong việc thi hành 2 luật.

Vì vậy, trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; theo nguyên tắc không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm thiểu hình thức xin cấp phép, xác nhận hoặc chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển sang áp dụng hình thức ban hành điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm.

Song song đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu thanh tra, kiểm tra, giám sát phải hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, không trùng lắp trong việc thanh tra.

Đó chính là những viên gạch xây dựng nên nền tảng môi trường cho sự khởi nghiệp thuận lợi.

Hai khía cạnh của khởi nghiệp

Câu chuyện tạo điều kiện để khởi nghiệp, dấy lên tinh thần khởi nghiệp là của chính quyền; nhưng chuyển hóa nó thành sự nghiệp là chuyện của doanh nghiệp.

Và câu chuyện khởi nghiệp ở đây không gói gọn trong những doanh nghiệp bắt đầu đăng ký kinh doanh, mà phải lan tỏa đến tất cả những doanh nghiệp đang hoạt động, là khía cạnh thứ nhất của khởi nghiệp.

Nếu như 5 năm trước, người Việt Nam nhìn vào Samsung thấy toàn đồ điện tử gia dụng, tivi, tủ lạnh, máy giặt. Nhưng giờ đây, nói đến Samsung, người Việt hình dung trước hết đó là Galaxy, là Note. Như vậy, một tập đoàn hoạt động mấy chục năm cũng có thể khởi nghiệp.

Theo nghĩa đó, khởi nghiệp là câu chuyện từng phút từng giây trong bất cứ đoạn đời nào của doanh nghiệp. Khởi nghiệp với doanh nghiệp đang hoạt động chính là quá trình đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng đổi mới tiến bộ công nghệ để chất lượng ngày càng nâng lên và thương hiệu ngày càng khẳng định.

Đưa một công nghệ mới, một sản phẩm mới ra thị trường, chính là khởi nghiệp. Để làm được điều đó, người ta ngày càng nhận ra tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp. Có một ý tưởng mới (sản phẩm mới), có vốn, có công nghệ, có bạn hàng… cũng chẳng đi tới đâu nếu không xây dựng được cách thức quản trị phù hợp giúp dự án trở nên khả thi.

Ở khía cạnh thứ hai của khởi nghiệp, với doanh nghiệp bắt đầu sự nghiệp, có liên quan đến một thứ mà chắc không nhiều người hình dung đến, chính là… đạo đức xã hội.

Để một vài người, cho đến vài chục ngàn người dấy lên tinh thần khởi nghiệp, quốc gia nào cũng làm được. Song để hướng tới một quốc gia khởi nghiệp như khát vọng của Chính phủ hiện nay, phải bắt đầu bằng nền tảng đạo đức xã hội. Trong đó, toàn xã hội phải xây dựng được ý thức mỗi người có một nhiệm vụ, cần có trách nhiệm tự thân khởi nghiệp và phải hỗ trợ khởi nghiệp.

Trong lần đến thăm Trường Đại học Hải Phòng, ngày 8/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã căn dặn các sinh viên: “Cần sống có lý tưởng, sống có hoài bão; Việt Nam muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp thì chính các em phải khởi nghiệp đầu tiên”.

Nền tảng đạo đức xã hội ở đây thường được nhắc đến tới 2 đối tượng. Trước hết là cán bộ công quyền phải cảm nhận được vai trò của mình trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất đề cao sự tận tâm, tận lực của đội ngũ công quyền: “Không loại trừ chủ trương lớn, đúng đắn nhưng nảy sinh cửa quyền khi thực hiện. Cho nên cần tăng cường vai trò của tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Những vụ việc gần đây cho thấy có cải cách tốt, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất”.

Đối tượng thứ hai là doanh nghiệp đi trước phải hỗ trợ doanh nghiệp mới bắt đầu. Ở Israel, trong các trường học dạy kinh doanh, các sinh viên được giáo dục rằng, đã là doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy khởi nghiệp.

Ở nước ta, đã hình thành những mô hình hỗ trợ khởi nghiệp. Như ở Hà Nội, có mô hình liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, ngân hàng giúp đỡ sinh viên (nhà doanh nghiệp tương lai). Hay TP. Hồ Chí Minh có mô hình Quỹ cộng đồng không tiền mặt. Quỹ này không mời doanh nghiệp đóng góp tiền, thay vào đó là những cam kết của doanh nghiệp sẵn sàng giúp doanh nghiệp khởi nghiệp.

Những mô hình nói trên chưa nhiều, nhưng với sự khuyến khích từ Chính phủ và địa phương thông qua xây dựng nền tảng môi trường cho sự khởi nghiệp thuận lợi, chúng sẽ nhanh chóng lan tỏa thành phong trào mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở nước ta.