TÓM TẮT:
Giám định thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế được sử dụng như là công cụ, biện pháp rào cản kỹ thuật (điều ước quốc tế ghi nhận); và còn được các bên sử dụng để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của mình trong hoạt động thương mại truyền thống. Thời gian qua, hoạt động giám định thương mại cũng được một số ngành, lĩnh vực phi thương mại ghi nhận, thừa nhận trong văn bản quy phạm pháp luật như là một phương thức độc lập, khách quan cung cấp chứng thư giám định về nội dung, đối tượng cụ thể, làm căn cứ xem xét, giao kết hợp đồng giữa các bên hay chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ của từng bên.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, hoạt động giám định thương mại do các thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại đăng ký với Sở Công Thương Hà Nội và hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật về giám định thương mại được ban hành từ những năm 2005-2006.
Từ khóa: Giám định thương mại, pháp luật, Hà Nội.
1. Thực trạng hoạt động giám định thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội
a) Số lượng thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại
Lũy kế đến thời điểm hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 22 thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại đăng ký dấu nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
b) Lĩnh vực giám định thương mại đăng ký
Thứ nhất là giám định hàng hóa (đánh giá số lượng, chất lượng, bao bì, giá trị hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch): Hàng hóa nông sản, hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu công nghiệp, vật liệu xây dựng…
Thứ hai là giám định dịch vụ: Chưa có thương nhân nào đăng ký thực hiện.
Thứ ba là giám định tổn thất, hao mòn: Chủ yếu do thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đăng ký thực hiện.
c) Quy mô doanh nghiệp
Hầu hết thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ (trung bình có ít hơn 10 giám định viên) ngoại trừ CTCP Tập đoàn Vinacontrol - tiền thân là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, có bề dày lịch sử, có thị phần và quy mô hoạt động lớn trên thị trường toàn quốc. Vì lẽ đó, thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại không chỉ hoạt động trong phạm vi lĩnh vực giám định thương mại mà thường đăng ký thêm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoạt động trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp (theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa) - một lĩnh vực có sự tương đồng nhất định về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân sự.
d) Giá cả và chất lượng dịch vụ giám định thương mại
Thương nhân tự quyết định giá cả dịch vụ và mục tiêu chất lượng dịch vụ theo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhìn chung, những thương nhân quy mô nhỏ có giá dịch vụ cạnh tranh hơn so với thương nhân quy mô lớn hơn nhưng chất lượng dịch vụ, sự chuyên nghiệp trong nghiệp vụ thì không bằng.
đ) Giám định viên
100% có trình độ đại học trở lên, chủ yếu được đào tạo từ các cơ sở giáo dục đại học ngành Kinh tế - Kỹ thuật, như: Bách khoa, Xây dựng, Giao thông vận tải, Mỏ, Tài nguyên, Tài chính, Kinh tế, Công nghệ, Nông nghiệp… Thông thường, giám định viên đều là người lao động có quá trình gắn bó với hoạt động nghiệp vụ giám định, nếu không làm ở đơn vị giám định này thì sẽ chuyển sang đơn vị giám định khác để hành nghề. CTCP Tập đoàn Vinacontrol được đánh giá là nơi đào tạo ban đầu cho các giám định viên mới vào nghề, sau khi thành thục về nghiệp vụ, họ có khuynh hướng chuyển sang đơn vị khác hoặc tự thành lập công ty giám định để hoạt động.
e) Công tác quản lý hoạt động giám định thương mại
- Căn cứ pháp lý: Luật Thương mại số 36/2005/QH11, Nghị định số 20/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 120/2011/NĐ-CP, Nghị định số 125/2014/NĐ-CP), Thông tư số 01/2015/TT-BCT và Quyết định số 4915/QĐ-UBND ngày 7/9/2016, Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực công thương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Về công tác quản lý, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương tập trung một số nhiệm vụ chính sau:
+ Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ.
+ Xây dựng và tổ chức kế hoạch kiểm tra hằng năm.
+ Giám sát việc bổ nhiệm giám định viên của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại; tổ chức quản lý danh sách đăng ký hoạt động của giám định viên tại từng tổ chức giám định, tránh tình trạng đơn vị này khai báo sử dụng giám định viên của đơn vị khác nhằm hoàn thiện hồ sơ đăng ký hoạt động.
+ Giám sát hoạt động giám định thương mại của thương nhân so với lĩnh vực, phạm vi đăng ký giám định.
+ Thiết lập quan hệ phối hợp giữa Sở Công Thương và Cục Hải quan, Văn phòng công nhận chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), một số cơ quan hữu quan khác trong việc xác định chứng thư giám định giả mạo, khống hoặc sử dụng dấu nghiệp vụ chưa đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Về công tác phát triển dịch vụ giám định thương mại:
+ Từ năm 2014, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, tập huấn hằng năm cho các thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, năm 2016 đã xây dựng chuyên đề tập huấn nghiệp vụ trong 03 tháng liên tiếp (tháng 5, 6, 7/2016), nhằm nâng cao nghiệp vụ cho giám định viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế và một số điều ước quốc tế mới có hiệu lực; kết thúc khóa đào tạo, các giám định viên được cấp chứng chỉ.
+ Ngoài ra, để biểu dương, vinh danh một số thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại có uy tín, hoạt động chuyên nghiệp, hằng năm, Sở Công Thương cũng đã xây dựng phóng sự chuyên đề phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội để giới thiệu về hoạt động của một số thương nhân này.
2. Đánh giá về hoạt động giám định thương mại
a) Mặt được
- Hệ thống quy phạm pháp luật khung, điều chỉnh cơ bản hoạt động giám định thương mại đã được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.
- Góp phần minh bạch các giao dịch kinh tế, hợp đồng thương mại; phòng ngừa rủi ro, giảm tổn thất cho các bên.
- Chứng thư giám định thương mại được sử dụng như một kênh thông tin khách quan, độc lập cho các bên giao dịch; đồng thời là căn cứ để cơ quan chức năng tham khảo trước khi ra quyết định quản lý hành chính nhà nước.
- Đóng góp trong sự phát triển chung của kinh tế dịch vụ, kinh tế tri thức trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Là biện pháp hàng rào kỹ thuật (hợp pháp) để hạn chế tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc… từ quốc gia khác lưu thông vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
b) Một số hạn chế cụ thể
- Hoạt động giám định thương mại chưa được quy định là hoạt động hành nghề, chưa tôn vinh cũng như phát huy giá trị, địa vị pháp lý của người làm giám định viên thương mại.
- Quy định về quy cách dấu nghiệp vụ còn bất cập do không chỉ có thương nhân theo quy định của pháp luật thương mại đăng ký mà còn có cả tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ (Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ) đăng ký; do vậy, quy cách dấu nghiệp vụ yêu cầu ghi: Thay mặt Công ty là không phù hợp thực tiễn phát sinh.
- Quy định về sử dụng dấu nghiệp vụ còn chưa chặt chẽ, đơn cử: Có trường hợp chi nhánh của thương nhân đăng ký dấu nghiệp vụ khác so với trụ sở, có trường hợp chi nhánh của thương nhân vẫn sử dụng dấu nghiệp vụ của thương nhân có trụ sở ở địa bàn khác nhưng không thông báo cho Sở Công Thương nơi chi nhánh hoạt động.
- Chưa có quy định về quản lý việc cấp chứng thư giám định thương mại của thương nhân, do đó, theo phản ánh còn tồn tại một số trường hợp cấp chứng thư khống, cấp chứng thư nhằm hợp thức theo thỏa thuận.
- Chưa có chính sách phát triển loại hình dịch vụ kinh doanh này.
c) Nguyên nhân của hạn chế
- Nguyên nhân khách quan: Do thiếu quy định và quy định hiện thời điều chỉnh hoạt động giám định thương mại cũng không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động giám định thương mại chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp cơ quan quản lý nhà nước.
- Nguyên nhân chủ quan: Do thương nhân tận dụng quyền tự chủ kinh doanh của mình nên mặc dù hoạt động kinh doanh có điều kiện nhưng thái độ, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, không nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo.
3. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chế định pháp luật về giám định thương mại
Trên cơ sở đánh giá những mặt được và để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần thấy phải hoàn thiện chế định pháp luật về giám định thương mại theo những nội dung sau:
a) Hoàn thiện quy định về tổ chức đăng ký dấu nghiệp vụ: Mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm thương nhân theo quy định của Luật Thương mại, doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi nhánh (nếu có).
b) Hoàn thiện quy định về đăng ký, sử dụng dấu nghiệp vụ: Cần quy định việc đăng ký dấu nghiệp vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi trụ sở hoạt động và chi nhánh hoạt động; quy định cụ thể trường hợp sử dụng chung và sử dụng khác nhau dấu nghiệp vụ.
c) Hoàn thiện quy định về quy cách dấu nghiệp vụ: Sửa “Thay mặt công ty giám định” thành “Thay mặt tổ chức giám định thương mại” để mở rộng hơn, phù hợp hơn đối với chủ thể thực hiện nghiệp vụ giám định thương mại.
d) Hoàn thiện quy định về hành nghề giám định viên: Quy định về hành nghề giám định viên; đăng ký, thi tuyển, sát hạch, cấp chứng chỉ nghề giám định viên; sát hạch nghiệp vụ hằng năm. Chỉ người có chứng chỉ nghề giám định viên mới được công nhận, bổ nhiệm làm giám định viên của tổ chức giám định thương mại. Trường hợp chuyển công tác, với chứng chỉ nghề còn thời hạn, được tiếp tục công nhận, bổ nhiệm làm giám định viên nơi chuyển công tác đến.
đ) Hoàn thiện quy định về quản lý chứng thư giám định thương mại: Ban hành cơ chế kiểm soát sự phù hợp giữa nội dung kết luận giám định với lĩnh vực giám định đăng ký, nghiệp vụ giám định viên; phòng, tránh việc cấp chứng thư khống, giả mạo.
e) Hoàn thiện quy định về nghĩa vụ của tổ chức giám định thương mại: Quy định về nghĩa vụ báo cáo, thống kê tình hình hoạt động; nghĩa vụ định kỳ tập huấn, nâng cao nghiệp vụ giám định viên.
g) Hoàn thiện quy định về Hệ thống quản lý tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định thương mại trực tuyến.
h) Hoàn thiện chính sách phát triển dịch vụ giám định thương mại, khuyến khích tổ chức giám định thương mại áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17020:2012.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Thương mại năm 2005.
2. Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 và Nghị định số 125/2014/NĐ-CP ngày 29/12/2014.
- Thông tư số 01/2015/TT-BCT ngày 12/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.
THE CURRENT SITUATION OF COMMERCIAL APPRAISAL SERVICES IN HANOI AND THE NEED OF AMENDING LAWS ON COMMERCIAL APPRAISAL SERVICES
Master. LUONG TUAN NGHIA
Division of Trade Management, Hanoi Department of Industry and Trade
ABSTRACT:
In the international trade field, commercial appraisal is recognized in international treaties as a technical barrier measure. This measure is also used as a tool to ensure the rights and the liabilities of parities in traditional trading activities. In recent years, a few non-commerical sectors via some legal normative documents have recognized commercial appraisal services as an independent and objective method to provide assessment certificates. These assessment certificates could be used by parties to make contracts or to proof in contracts. In Hanoi city, commercial appraisal services providers have to register with the Hanoi Department of Industry and Trade and their business activities have to comply with laws and regulations on commercial appraisal services which were issued in 2005 and 2006.
Keywords: Commercial appraisal, law, Hanoi.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây