Thực trạng và giải pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ KIM THOA (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam từ lâu đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. BHXH có ý nghĩa quan trọng và liên quan trực tiếp đến ổn định đời sống của hàng triệu người lao động và gia đình họ trong các trường hợp ốm đau, thai sản, chế độ hưu. Tuy nhiên, việc nợ BHXH đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho tổ chức BHXH. Theo đó, việc thu hồi nợ BHXH cần có giải pháp hữu hiệu và khả thi, nhằm tăng cường nguồn vốn để thực hiện các chính sách về BHXH.

Từ khóa: Bảo hiểm xã hội, thu hồi nợ, doanh nghiệp, Nhà nước.

I. Đặt vấn đề

Việc nợ BHXH gần như xảy ra trên toàn bộ các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ. Việc các doanh nghiệp trốn nộp, chậm nộp diễn ra gần như suốt trong quá trình kinh doanh. Chính việc nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã gây một hậu quả trực tiếp tới người lao động. Người lao động không hề biết các doanh nghiệp, nơi họ làm việc đang trực tiếp sử dụng tiền họ đóng BHXH để làm vốn kinh doanh. Đến khi gặp tai nạn nghề nghiệp, hoặc mất việc, người lao động cần tới sự giúp đỡ của BHXH thì hầu như không nhận được sự trợ cấp nào, vì doanh nghiệp nơi họ làm việc đang nợ BHXH.

Do đó, việc khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn.

II. Thực trạng nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp hiện nay

Tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tính đến nay, nợ BHXH bắt buộc là 8.987 tỉ đồng, trong đó có 3.351 tỉ đồng là số nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng. Nợ BHXH không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, mà gồm nợ của các DN nhà nước, tập trung ở ngành Giao thông, Xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại DN. Đáng lo ngại hơn là có tình trạng nhiều DN hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi, nhưng cố tình nợ đọng tiền đóng BHXH của người lao động, thậm chí có tình trạng DN đã thu tiền đóng BHXH của người lao động (trừ tiền lương), nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác.

Thống kê của BHXH Việt Nam tới ngày 31/12/2016 cho thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc trong toàn quốc là hơn 12,4 triệu người; bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là 10,5 triệu người, BHXH tự nguyện là 192.340 người và bảo hiểm y tế (BHYT) là 72,9 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 79,2% dân số). Trong khi tính đến năm 2016, tổng số đơn vị nợ BHXH đã lên tới 102.900 đơn vị, tương ứng với số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi là 2,660 triệu người. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp và đời sống của người lao động.

Theo tính toán, đến năm 2023, số thu của Quỹ sẽ bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, thì ngoài số thu trong năm, phải trích sử dụng thêm kết dư quỹ của các năm trước. Và dự kiến đến năm 2037, quỹ sẽ mất khả năng thanh toán. Do đó, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi thì số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả. Hơn nữa, nếu không có biện pháp cứng rắn để thu nợ thì hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội và vi phạm các lợi ích cơ bản về an sinh xã hội của người lao động. Hiện nay, nước ta chưa có văn bản hướng dẫn việc giải quyết quyền lợi về bảo hiểm của người lao động trong các trường hợp chưa đóng, chậm đóng, ngừng hoạt động hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn không trả được nợ bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

III. Đề xuất một vài giải pháp

Một là, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về cơ chế thu BHXH.

Đây là nhân tố đầu tiên tác động đến cơ chế thu BHXH. Hệ thống các văn bản luật từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành về chính sách, chế độ BHXH cần phải có hướng dẫn rõ ràng, quy định chặt chẽ, cụ thể và được ban hành kịp thời.

Chẳng hạn, vấn đề lo lắng và nan giải nhất đối với tất cả các cơ quan bảo hiểm là nợ đọng bảo hiểm với số lượng lớn và kéo dài. Tuy nhiên, Luật BHXH hiện hành quy định, khi doanh nghiệp có số tiền nợ lớn, thời gian trên 12 tháng mới bị khởi kiện, điều này đã khiến các “con nợ” có nhiều thủ đoạn “lách luật” rất tinh vi để không bị đưa ra tòa.

Trong khi đó, chế tài xử phạt với những doanh nghiệp “đen” được quy định tối đa chỉ 30 triệu đồng, là quá nhẹ so với sự vi phạm. Để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị khởi kiện như theo dõi, tập hợp chứng từ, lập biên bản, đôn thúc, khởi kiện… thời gian phải mất ít nhất 6 tháng. Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp có động thái “tích cực” như nộp một phần khoản nợ thì cơ quan BHXH vẫn không thể khởi kiện được. Đó là chưa nói đến trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản, chủ doanh nghiệp không còn trên địa bàn để khởi kiện.

Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn thực hiện phải quy định rõ sự phối hợp giữa các ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện chính sách BHXH có hiệu quả cao.

Chế tài phải quy định rõ ràng, cụ thể, quy định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân phải cùng phối hợp với cơ quan bảo hiểm trong việc kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của các tổ chức đơn vị và cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về BHXH.

Hai là, xây dựng cơ chế thu BHXH bắt buộc phù hợp với từng đối tượng tham gia BHXH.

Điều vướng mắc lớn nhất trong cơ chế thu BHXH bắt buộc hiện nay là đối tượng tham gia rất lớn, quy trình thu còn nhiều điểm chưa phù hợp; các biện pháp thực hiện thu BHXH đạt hiệu quả chưa cao, còn có những lỗ hổng để đơn vị sử dụng lao động tìm cách trốn tránh trách nhiệm nộp BHXH cho người lao động. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế thu BHXH bắt buộc là đưa ra các biện pháp cụ thể theo từng loại hình quản lý đang đặt ra cho toàn hệ thống BHXH. Cơ chế thu phải được điều chỉnh phù hợp từ các khâu đăng ký, thực hiện, cũng như việc quản lý tiền thu, đối chiếu kiểm tra số tiền thu BHXH của từng đơn vị và từng người lao động trong từng khu vực khác nhau, nhằm giảm tới mức thấp nhất những sai sót trong công tác quản lý thu BHXH bắt buộc. Cụ thể:

* Đối tượng thuộc khu vực hành chính sự nghiệp. Đối với khu vực này, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được hưởng tiền lương từ nguồn ngân sách nhà nước, do đó việc trích nộp BHXH bắt buộc cơ bản được kịp thời theo tháng ngay sau khi người lao động được thanh toán lương; quy trình quản lý thu đối với khu vực này được đảm bảo chặt chẽ.

* Đối tượng thuộc khu vực doanh nghiệp. Kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xác định mức tiền lương làm căn cứ thu BHXH bắt buộc của người lao động là mức tiền lương thực nhận mà đơn vị trả cho người lao động. Đồng thời xây dựng cơ chế thu BHXH dựa trên mức tiền lương thực nhận này. Có như vậy, khi doanh nghiệp thực hiện đóng BHXH bắt buộc trên tổng quỹ tiền lương thực tế, tức là không có điều kiện gian lận BHXH bắt buộc nữa, thì cũng không còn cơ chế trốn tránh việc ký kết hợp đồng lao động, để ghi hạ mức lương trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương ghi trong hợp đồng sẽ là mức tiền lương thực tế. Khi đó, hợp đồng lao động mới thực sự trở thành căn cứ pháp lý để trả công cho người lao động và là căn cứ chính xác thực hiện việc đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

* Đối tượng thuộc khu vực hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tổ hợp tác. Do đặc điểm của khu vực này có số lao động ít, thường dưới 10 lao động, không có tài khoản, không có con dấu, có những người vừa là chủ đơn vị, vừa là lao động..., vì vậy, phải xây dựng cơ chế thu BHXH bắt buộc phù hợp với đặc điểm của khu vực này, như: quy định mức lương làm căn cứ trích nộp theo đăng ký của người lao động với cơ quan BHXH; quy định việc nộp tiền BHXH bằng tiền mặt trực tiếp cho cơ quan BHXH để ngay trong ngày cơ quan BHXH chuyển tiền vào tài khoản chuyên thu của BHXH...

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác BHXH.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại BHXH thành phố làm việc vẫn mang tính thụ động, một số cán bộ vẫn chưa năng động, sáng tạo trong xử lý nghiệp vụ. Cán bộ thu chỉ biết thực hiện tính toán số tiền nộp BHXH bắt buộc dựa trên bảng lương tăng, giảm lao động của đơn vị chuyển đến hàng tháng, không chủ động kiểm soát được đơn vị có trốn tránh tiền BHXH hay không. Việc trốn tránh tiền nộp BHXH bắt buộc là kết quả kiểm tra liên ngành mới phát hiện được, BHXH chỉ có chức năng kiểm tra đơn vị về số lao động, quỹ lương, chế độ chính sách... trong khi các doanh nghiệp hàng tháng lại có biến động rất nhiều về số lao động, đặc biệt là những doanh nghiệp ngoài quốc doanh, những doanh nghiệp này chủ yếu là tuyển lao động có trình độ hết lớp 12, thậm chí có doanh nghiệp còn tuyển lao động từ đủ 18 tuổi và chỉ cần học hết lớp 9.

Để cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thu BHXH nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của mình thì BHXH thành phố và các sở, ban, ngành cần phải làm những công việc sau:

Trước tiên, BHXH nâng cao trình độ nghiệp vụ và tác phong làm việc tích cực, hiệu suất cao của các cán bộ chuyên môn. Khả năng làm việc và hiệu quả lao động của đội ngũ cán bộ trong ngành và của những người cộng tác với cơ quan BHXH có ảnh hưởng quyết định đến việc quản lý các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, cần phải chú ý công tác đào tạo lại cho phù hợp. Trong đào tạo cần xác định hình thức và nội dung đào tạo sát thực, nên tập trung vào nghiệp vụ BHXH, kỹ năng, năng lực quản lý.

Cần bổ sung, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý, cán bộ từ thành phố đến huyện, thị. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chuyên làm công tác thu nói riêng vừa hồng vừa chuyên, có phẩm chất chính trị tốt (có tâm, có tầm, có tình, có tín); vững về lập trường tư tưởng, yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; nắm chắc chính sách chế độ của Đảng và Nhà nước (nói đúng, viết đúng, lãnh đạo đúng); có ý thức trách nhiệm trong công việc, có năng lực chỉ đạo điều hành, có ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động, khả năng giao tiếp, am hiểu về công nghệ thông tin. Bố trí những cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ, phong cách và thái độ phục vụ tốt vào các bộ phận tiếp nhận, giải quyết các công việc, đặc biệt là trực tiếp làm việc với đối tượng hưởng chế độ BHXH bắt buộc. Mọi khúc mắc của đối tượng phải được giải thích rõ ràng, thấu tình, đạt lý, tránh tình trạng tùy tiện, đại khái qua loa.

Tăng cường đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời khuyến khích phong trào tự học bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, về công tác xã hội, trong đó hướng trọng tâm vào các kiến thức chuyên ngành BHXH, quản lý ngành theo cơ chế mới và các kỹ năng hành chính, nghiệp vụ khác.

Tiếp tục xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp để thường xuyên thay thế, đưa ra khỏi ngành số cán bộ, công chức không đủ năng lực, trình độ bất cập với yêu cầu nhiệm vụ, những người vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thoái hóa, biến chất, kém ý thức tổ chức kỷ luật để tạo điều kiện đổi mới, trẻ hóa, tuyển chọn được những người có đức, có tài...

Cùng với việc nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên BHXH là tăng cường trang thiết bị hiện đại trong các hoạt động trong đó áp dụng công nghệ tin học vào quản lý BHXH. Giúp đẩy công tác quản lý lên một bước, không chỉ đảm bảo trên phương diện thống kê, lưu trữ mà nó còn phục vụ cho việc tác nghiệp xử lý công việc và thông tin nhanh chóng, chính xác, giảm bớt những thao tác không cần thiết, tạo thời gian cho cán bộ chuyên tâm nghiên cứu nghiệp vụ.

Việc quản lý, lưu trữ, xử lý nghiệp vụ trong công tác quản lý đối tượng tham gia BHXH là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, là cơ sở để giải quyết mọi chính sách, chế độ cho người lao động khi người lao động có đủ điều kiện và yêu cầu được hưởng chế độ BHXH theo Luật định.

Bốn là, cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết chế độ BHXH bắt buộc.

* Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại

+ Phải xây dựng hệ thống tổ chức tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp huyện, quận lên thành phố, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ qua thanh tra nhà nước, thanh tra ngành Lao động Thương binh - Xã hội, thanh tra công đoàn, viện kiểm sát, tòa án... để cùng làm tốt công tác này.

+ Phải giải đáp kịp thời, thỏa đáng cho người lao động, giải quyết ngay khi người lao động đang làm việc và cả khi đã thôi việc, đặc biệt làm cho người lao động hiểu đây là một quyền lợi hợp pháp, được pháp luật bảo hộ và tư vấn cho họ cách thức để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

+ Thông tin kết quả công tác giải quyết thắc mắc khiếu nại, tố cáo trên báo, đài để tạo sự hỗ trợ tinh thần, tư tưởng cho người lao động, chỉ rõ nguy cơ tiềm ẩn lâu dài của sự vi phạm và nghĩa vụ không thể trốn tránh của doanh nghiệp.

+ Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải nhận thức được mục tiêu cụ thể là giải quyết khiếu nại, tố cáo của cá nhân người lao động, những mục tiêu bao trùm, thông qua đó cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng của Nhà nước biết và giải quyết được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của chế độ chính sách BHXH ở từng đơn vị thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và cơ sở ngoài công lập cũng như trên phạm vi toàn xã hội.

* Tạo điều kiện trong thanh toán, giải quyết chính sách cho đối tượng

Quy trình giải quyết chế độ BHXH cho người lao động khi nghỉ hưu, tuất, có thể rút gọn lại, chỉ cần ở khâu cuối cùng là các giấy tờ liên quan đến việc nghỉ hưu, tuất như đơn của người lao động, giấy chứng tử, Quyết định cho nghỉ hưu (một lần hoặc dài hạn) của đơn vị sử dụng lao động, Quyết định hưởng lương của cơ quan BHXH (theo phân cấp) và sổ BHXH là đủ. Không cần phải các bản xác nhận quá trình tham gia BHXH, tờ khai hoàn cảnh gia đình như hiện nay. Đồng thời khâu gửi hồ sơ lên BHXH Việt Nam để kiểm tra, thẩm định lại hồ sơ, lý lịch của người lao động cũng không cần thiết. Cơ quan BHXH Việt Nam lúc này chỉ kiểm tra việc giải quyết chế độ cho người lao động của BHXH có đúng hay không.

Năm là, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thu BHXH bắt buộc.

+ Trang bị máy vi tính cho tất cả BHXH các quận, huyện, để đủ sức tổ chức quản lý theo nguyên tắc: Thu BHXH đến đâu phải đưa dữ liệu nộp của người lao động vào máy tính đến đó.

+ Từng bước đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ máy tính theo phương thức vừa học, vừa làm.

+ Tổ chức phần mềm quản lý theo hướng hoàn thiện dần, trước mắt chủ yếu phục vụ công tác nhập dữ liệu và những yêu cầu khai thác sử dụng đơn giản; trọng tâm là xây dựng được kho dữ liệu về quá trình tham gia BHXH của người lao động.

+ Xây dựng và liên kết hệ thống máy tính trên phạm vi diện rộng đối với toàn ngành BHXH Việt Nam. Trước tiên, thực hiện nối mạng đối với các cơ quan BHXH từ các cấp quận, huyện đến thành phố dưới sự quản lý của máy chủ ở BHXH thành phố.

+ Tiếp tục nâng cấp hoàn thiện trang web của BHXH thành phố, trên trang web này cần bổ sung thêm mục trả lời trực tuyến, để từ đó giúp người sử dụng lao động và người lao động ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có thể cập nhật thông tin về tình hình hoạt động cũng như sự thay đổi trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc.

+ BHXH thành phố cần đề xuất BHXH Việt Nam hỗ trợ kinh phí và có hướng chỉ đạo cụ thể trong lĩnh vực này, đảm bảo vừa giúp địa phương đưa công nghệ thông tin vào quản lý được ngay, vừa tránh những lãng phí do đầu tư không phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của toàn ngành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (1999), Quyết định số 2902/1999/QĐ-BHXH.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (1999), Quyết định số 2903/1999/QĐ-BHXH.

3. Bộ Tài chính (1998), Thông tư số 85/1998/TT-BTC.

4. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2007), Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH.

5. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2008), Thông tư 19/2008/TT-LĐTBXH.

6. Chính phủ (1995), Nghị định số 12-CP.

SITUATION AND SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS OF COLLECTING SOCIAL INSURANCE DEBTS FROM ENTERPRISES IN VIETNAM

MA. NGUYEN THI KIM THOA

Faculty of Banking and Finance, University of Economic and Technical Indutries

ABSTRACT:

Social insurance has become one of the most important parts in the social policies system of Vietnam. The social insurance provides effective protection for millions of workers as well as their relevants against risks. However, the collection of debt associated with the social insurance are facing enormours challenges which has exreted detrimental impacts on the implementation of the social insurance policy. Thereby, it is important to have pragmatic soulutions to relieve this alarming situation.

Keywords: Social insurance, debt collection, enterprises, government. 


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây