TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay. Trong quá trình phát triển, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc định giá doanh nghiệp hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp chưa được định giá đúng, tài sản nhà nước bị thất thoát nhiều, quá trình cổ phần hóa tiến hành chậm, nên hiệu quả của cổ phần hóa chưa cao.
Từ khóa: xác định giá trị doanh nghiệp, lâm nghiệp, giá trị đất, giá trị rừng, cổ phần hóa công ty lâm nghiệp Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp những năm qua cũng như hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp vẫn chưa tiến hành được. Các doanh nghiệp trong lâm nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa thì việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng chưa chính xác, chưa hợp lý và gây nhiều khó khăn cho quá trình cổ phần hóa, đặc biệt là xác định giá trị đất và giá trị rừng. Hiện nay, các công ty chưa tính toán để xác định giá trị quyền sử dụng đất đai vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, các công ty lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm cùng với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các doanh nghiệp lâm nghiệp để không phải cộng giá trị đất vào tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty lâm nghiệp hiện nay đều đưa giá trị rừng chưa đến tuổi khai thác vào giá trị hàng tồn kho, như vậy không phù hợp, vì rừng chưa đến tuổi khai thác có những đặc thù khác so với các sản phẩm dở dang, thành phẩm thông thường khác.
2. Thực trạng xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp hiện nay
Trước năm 2002, theo quy định để xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước chỉ áp dụng phương pháp tài sản. Theo phương pháp này, giá trị doanh nghiệp là sau khi đã được đánh giá, kiểm kê, xử lý cộng với giá trị lợi thế (nếu có). Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng 1 phương pháp định giá này sẽ dẫn đến một số bất cập. Nếu chỉ áp dụng một phương pháp định giá như trên sẽ dẫn đến hậu quả là giá trị doanh nghiệp xác định không chính xác và Ngân sách Nhà nước bị thiệt hại.
Nghị định số 64/NĐ-CP năm 2002 đã kết hợp thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp bằng 2 phương pháp cơ bản sau:
- Phương pháp tài sản ròng: định giá doanh nghiệp dựa vào việc xác định các tiêu chí về giá trị các tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp.
- Phương pháp chiết khấu dòng tiền: căn cứ vào tiêu chí khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai để xác định giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phương pháp chiết khấu dòng tiền áp dụng còn hạn chế, chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ thương mại, dịch vụ tư vấn, thiết kế xây dựng, dịch vụ tài chính, kế toán, tin học và chuyển giao công nghệ, có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 5 năm liền kề trước thời điểm chuyển đổi sở hữu cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ở thời điểm gần với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
2.1. Những thành công
Tổng giá trị doanh nghiệp của các công ty lâm nghiệp tính theo phương pháp tài sản bao gồm các tiêu chí xác định như sau:
Tổng giá trị của doanh nghiệp = giá trị TSCĐ và ĐTDH + giá trị TSLĐ và ĐTNH + giá trị lợi thế kinh doanh + giá trị quyền sử dụng đất
Về giá trị tài sản ngắn hạn bao gồm tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn. Số liệu chi tiết về giá trị tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn tại các doanh nghiệp thường được tổng hợp từ bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp cuối niên độ kế toán gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Các khoản vốn bằng tiền và tương đương tiền gồm tiền mặt, tiền gửi và các giấy tờ có giá như tín phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp. Đối với tiền mặt và tiền gửi ngân hàng thì căn cứ vào số dư nợ của tài khoản tiền gửi ngân hàng là phù hợp. Tuy nhiên, đối với số dư các khoản ngoại tệ được đánh giá căn cứ vào tỷ giá cuối niên độ sẽ không chính xác, không phản ánh đúng giá trị của các tài sản là ngoại tệ, nếu như thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không vào cuối niên độ.
Đối với các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm các khoản phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, các khoản bồi thường về vật chất do các cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp gây ra. Thực tế, các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đến việc phân loại các khoản nợ phải thu để xác định các khoản phải thu ngắn hạn cần phải thu hồi trước khi xác định giá trị doanh nghiệp và các khoản phải thu không có khả năng thu hồi để xem xét loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp cho phù hợp với quy định. Trong khi đó, có những khoản nợ phải thu khó đòi đã được xin khoanh nợ vẫn không được doanh nghiệp đưa vào để xác định giá trị doanh nghiệp, như vậy đây chính là một khoản thất thoát và thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Đối với tiêu chí hàng tồn kho bao gồm chi phí nguyên liệu vật liệu, công cụ dụng cụ và chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang. Hàng tồn kho là giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Hầu hết các công ty lâm nghiệp đều đưa giá trị rừng chưa đến tuổi khai thác vào tiêu chí hàng tồn kho, như vậy không còn phù hợp, vì rừng chưa đến tuổi khai thác có những đặc thù riêng khác với các sản phẩm dở dang, thành phẩm, hàng hóa tồn kho sản xuất thông thường do thời gian đầu tư vào rừng trồng kéo dài, phải đầu tư chi phí nhiều năm, nên giá trị này cần phải tách riêng.
2.2. Những hạn chế
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu cho thấy, công tác xác định giá trị rừng của các công ty còn nhiều bất cập chưa chính xác, do các công ty chưa tiến hành tách tiêu chí giá tri rừng chưa đến tuổi khai thác và tiêu chí giá tri rừng đã đến tuổi khai thác ra để tính riêng. Đồng thời các công ty lâm nghiệp chọn nghiên cứu cũng chưa tính chuyển một cách chính xác tiêu chí giá trị rừng các năm về hiện tại, chỉ tính theo chi phí phát sinh thực tế.
Đối với tiêu chí giá trị rừng, các khu rừng ở độ tuổi khác nhau thì có giá trị khác nhau, cách xác định giá trị rừng của các công ty lâm nghiệp hiện nay là tính gộp mà không tách các khu rừng có độ tuổi khác nhau giữa các khu rừng mới trồng và các khu rừng đã đến tuổi khai thác. Mặt khác, 1 chu kỳ sản xuất - kinh doanh của ngành Lâm nghiệp thường kéo dài 6 đến 7 năm, tiền lại có giá trị về mặt thời gian, do vậy khi tính toán phải quy về cùng 1 thời điểm cho tất cả. Khi xác định tiêu chí giá trị rừng là 1 giá trị đặc thù của ngành Lâm nghiệp, chỉ xác định theo phương pháp tài sản là không phù hợp.
Đối với tiêu chí giá trị tài sản cố định hữu hình là các tài sản hiện vật, các doanh nghiệp chưa có sự phân loại các tài sản này thành các tài sản cố định chưa khấu hao hết và những tài sản cố định đã khấu hao hết, nhưng vẫn sử dụng. Việc xác định lại tiêu chí giá trị tài sản cố định theo giá thị trường ở hầu hết các doanh nghiệp cũng không thể thực hiện được, vì các tài sản cố định sử dụng ở các công ty lâm nghiệp đa số là những tài sản cố định cũ được đầu tư nhiều năm, đến thời điểm đánh giá lại trên thị trường gần như không có các loại tài sản cố định như vậy.
Tất cả các công ty đều không xác định tiêu chí giá tri lợi thế kinh doanh và tiêu chí giá trị quyền sử dụng đất trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Hiện nay, khi định giá doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp chưa được bổ sung tiêu chí giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Mặc dù tiêu chí giá trị quyền sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp là rất lớn, tuy nhiên hiện nay các công ty chưa tính toán xác định tiêu chí giá trị quyền sử dụng đất đai vào giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đất là tư liệu lao động đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tại công ty. Vì vậy, đất là loại tài sản đặc biệt và cũng phải được đưa vào xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Như vậy, ta có thể thấy các công ty lâm nghiệp hiện nay xác định giá trị các tài sản của công ty theo phương pháp thống kê tài sản được ghi trên sổ kế toán. Các loại tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, đầu tư ngắn hạn, đầu tư dài hạn được xác định tương đối chính xác.
Tuy nhiên, khi áp dụng cùng một phương pháp xác định cho tất cả các tài sản để tính toán thì kết quả đạt được có thể không mang tính khách quan và tính xác thực chưa cao. Thêm vào đó, phương pháp thống kê tài sản cũng không cho thấy nguồn hình thành tài sản đó, nếu doanh nghiệp đi vay tiền để đầu tư tài sản, thì khi xác định giá trị doanh nghiệp phải trừ đi số nợ mới đưa ra con số xác thực.
2.3. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc áp dụng các tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp của các công ty lâm nghiệp. Đầu tiên có thể thấy rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp có nhiều mục đích khác nhau, tùy theo mục tiêu của từng doanh nghiệp mà các tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp sẽ khác nhau.
Hạn chế tiếp theo của các công ty lâm nghiệp là giá trị rừng chưa được tính toán đầy đủ trong việc định giá, tất cả các công ty đều tính tiêu chí giá trị rừng theo phương pháp tập hợp chi phí phát sinh. Điều này là hạn chế lớn khi chu kỳ kinh doanh rừng thường kéo dài, để tính toán chính xác các doanh nghiệp cần quy đổi dòng tiền về thời điểm hiện tại theo phương pháp chiết khấu. Nguyên nhân là do chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về phương pháp định giá tiêu chí giá trị giá rừng trồng cụ thể để làm tài liệu tham khảo cho doanh nghiệp.
Hạn chế tiếp theo được nêu lên là tất cả các doanh nghiệp đều chưa đưa giá trị quyền sử dụng đất vào xác định giá trị doanh nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này khi mà diện tích đất các công ty lâm nghiệp quản lý rất lớn và đa dạng về các loại đất khác nhau, có sự xen kẽ giữa đất doanh nghiệp và đất canh tác của người dân địa phương. Đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Nhà nước giao bảo vệ, quản lý thì sẽ không tính vào giá trị doanh nghiệp, thêm vào đó doanh nghiệp thường chọn phương án thuê đất trả tiền hàng năm nên cũng không đưa vào giá trị doanh nghiệp.
Giá trị lợi thế kinh doanh cũng chưa được các công ty lâm nghiệp đưa vào định giá tài sản, do thực tế việc xác định tiêu chí giá trị lợi thế kinh doanh rất phức tạp, theo lý thuyết có thể sử dụng phương pháp so sánh lợi nhuận siêu ngạch của công ty so với các công ty trong ngành để tính giá trị lợi thế kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó khăn, khi phải có số lượng dữ liệu đáng tin cậy và từ nhiều công ty khác nhau.
3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp
Đối với các công ty lâm nghiệp có đặc thù là lấy rừng và đất rừng làm những tư liệu sản xuất chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tại các công ty. Vì vậy, đất rừng và rừng là loại tài sản đặc biệt, cũng cần phải được tính toán riêng và đưa vào xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Do giá trị đất, giá trị rừng chiếm tỷ trọng lớn và có phương pháp xác định riêng, nên tách thành 1 mục riêng.
Ngoài ra, qua nghiên cứu cho thấy giá trị tài sản của doanh nghiệp còn có khoản các khoản nợ thực tế doanh nghiệp phải trả, những yếu tố này có vai trò rất quan trọng trong việc định giá doanh nghiệp, tuy nhiên của các công ty nghiên cứu đều không đưa khoản này vào.
Xuất phát từ những nghiên cứu trên đây, tác giả đề xuất việc xác định giá trị của doanh nghiệp lâm nghiệp được xác định bởi các tiêu chí sau:
Tổng giá trị của doanh nghiệp = giá trị TSCĐ và ĐTDH + giá trị TSLĐ và ĐTNH + giá trị lợi thế kinh doanh + giá trị quyền sử dụng đất
+ giá trị rừng - Nợ thực tế phải trả
Việc định giá rừng trồng được tính dựa trên diện tích rừng mà doanh nghiệp tiến hành đầu tư, diện tích rừng mà doanh nghiệp giao khoán cho các hộ gia đình không được đưa vào tính toán. Giá trị rừng trồng được tính theo Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT: Quy định phương pháp định giá rừng trồng và khung giá rừng. Theo đó, giá rừng trồng được cấu thành bởi chi phí hình thành rừng và lợi nhuận dự kiến theo các năm, con số này được quy đổi về thời điểm định giá bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền với tỷ lệ chiết khấu là tỷ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng bình quân, kỳ hạn 12 tháng trong 3 năm gần nhất.
Tiêu chí xác định giá trị quyền sử dụng đất là khâu hết sức phức tạp đối với các công ty lâm nghiệp, bởi vì nhiều nguyên nhân như diện tích đất lớn, gồm nhiều loại đất khác nhau, có sự xen kẽ giữa đất rừng trồng, rừng phòng hộ, có sự sinh sống xen kẽ của người dân trong khu vực đất đai công ty quản lý. Việc lựa chọn loại đất nào được định giá và đưa vào giá trị của doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng, vì nếu đưa tất cả giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp thì giá trị đất sẽ rất lớn, điều này phản ánh không đúng giá trị của doanh nghiệp.
Bài viết này chỉ đưa giá trị đất xây dựng trụ sở, đất đầu tư của công ty và đất phục vụ hoạt động thương mại vào định giá, đất rừng trồng thường được trả tiền thuê hàng năm nên không đưa vào định giá, nếu doanh nghiệp chọn phương án thuê đất trả tiền một lần thì sẽ được đưa vào định giá, tuy nhiên trên thực tế sẽ không có doanh nghiệp nào lựa chọn phương án này bởi số tiền quá lớn gây ra chi phí cơ hội cao, phương án trả tiền thuê hàng năm là phương án tối ưu.
Giá trị quyền sử dụng đất đưa vào đầu tư của doanh nghiệp sẽ được tính theo giá thị trường theo phương pháp so sánh, giá đất xây dựng trụ sở được tính bằng giá đất ở theo khung giá đất của địa phương, đất phục vụ cho hoạt động thương mại và dịch vụ được tính bằng 80% giá trị đất theo khung giá của địa phương (Theo hướng dẫn của Thông tư số 207/2014/TT-BTC: Quy định về xác định tiền thuê đất đối với Công ty Nông Lâm nghiệp).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Kiều Đức Anh (2010). Các giải pháp xác định giá trị doanh nghiệp phục vụ công tác cổ phần hóa và chuyển giao doanh nghiệp. Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
- Trần Việt Anh (2005). Phương pháp xác định giá trị cho Ngân hàng Thương mại Việt Nam. Tài liệu hội thảo Hoàn thiện các phương pháp định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
- Trần Hữu Dào (2010-2011). Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về cổ phần hóa công ty lâm nghiệp. Đề tài cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội.
- Lê Trọng Hùng (2008). Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chính sách cho thuê rừng, xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất rừng sản xuất ở Việt Nam. Đề tài cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Huy (2004). Cổ phần hóa giải pháp quan trọng trong cải cách doanh nghiệp nhà nước. Mục Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 10 năm 1 chặng đường. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
THE CURRENT VALUATION
OF FORESTRY STATE-OWNED ENTERPRISES
• LE THI CONG NGAN
Vietnam National University of Forestry
ABSTRACT:
This paper analyzes the current valuation of forestry state-owned enterprises. The enterprise valuation plays a key role in the equitization process of state-owned enterprises. However, the valuation processes of some enterprises were not done properly, leading to the lost of state assets. In addiion, the valuation processes are often taken place slowl, hence the efficiency of equitization is not high.
Keywords: enterprise valuation, forestry, land value, forest value, equitization of Vietnamese forestry companies.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]