Cao nhất 3,5 tỷ đồng
Theo đó, năm 2019, tiền lương bình quân chung ước đạt 7,8 triệu đồng/tháng, tăng 6,8% so với năm 2018. Khoảng 89,3% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (hơn 6,7 triệu đồng/người), tăng hơn 7%.
Mức thưởng cao nhất cho 1 cá nhân dịp Tết Dương lịch 2020 là 3,5 tỷ đồng tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại TPHCM, cao gấp 3,7 lần mức thưởng cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán là 950 triệu đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại Hải Dương.
Liên quan đến Tết Nguyên đán, theo Bộ Giao thông vận tải, hầu hết các địa phương dự báo Tết này, lượng khách không biến động nhiều so với Tết năm ngoái, lưu lượng hành khách dự báo tăng so với ngày thường khoảng 25-45%.
Dự báo hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng 12% so với Tết năm ngoái và 22% so với ngày thường, ước đạt 12 triệu khách, trung bình 387 nghìn khách/ngày.
Tổng số chuyến bay đi đến các cảng hàng không Tết 2020 dự kiến gần 73.000 chuyến, trung bình 2.350 chuyến/ngày.
Riêng đối với sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến năm nay nhu cầu khách đi lại tăng khoảng 11% so với Tết năm ngoái và 16% so với thường lệ ước đạt 4 triệu khách, trung bình 130.000 khách/ngày.
Tổng số chuyến bay đi đến sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết 2020 là gần 30.000 chuyến, trung bình 956 chuyến/ngày.
Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nay năng lực khai thác 44 chuyến/giờ ban ngày và 32 chuyến/giờ ban đêm, Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận slot trung bình 943 chuyến/ngày cho các hãng hàng không.
Do đặc tính của thị trường, lượng khách đi lại 1 chiều nên những hành khách từ phía Nam ra Bắc ăn Tết hiện nay đã gần kín chỗ, tuy nhiên hành khách từ phía Bắc vào Nam vẫn còn nhiều vé.
Dự trữ hàng Tết dồi dào
Theo Bộ Công Thương, sức mua trên thị trường sẽ tăng khá (dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thông thường trong năm).
Báo cáo của các địa phương cho thấy, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm.
Lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.
Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia cầm, trứng, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Về công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp chăn nuôi và phân phối đã cam kết sẽ giảm giá bán lợn thịt ra thị trường.
Hệ thống siêu thị Big C và GO đã thông báo sẽ bán thịt lợn với giá vốn (không lợi nhuận) từ ngày 28/12/2019 đến hết Tết Nguyên đán 2020.
Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã có dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp Tết với lượng tăng 30-40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương...
Từ ngày 28/12/2019 đến nay, giá thịt lợn ngoài thị trường đã bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại và tùy địa phương.