Vừa qua, tại TP. Đà Nẵng, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” nhằm phổ biến rộng rãi thông tin xoay quanh hiệp định CPTPP, qua đó nhận định các cơ hội, thách thức đối với Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng khi CPTPP đã có hiệu lực.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, ông Vũ Trường Sơn - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, cùng với đại diện các Ban Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN), và gần 90 đại biểu là đại diện Lãnh đạo, cán bộ Công đoàn chuyên trách tại các đơn vị trực thuộc CĐCTVN.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) trình bày về quá trình đàm phán, ký kết và những yêu cầu, thách thức cũng như những cơ hội, lợi ích mà CPTPP mang lại đối với doanh nghiệp và hoạt động Công đoàn.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh, hiện đã có 7/11 thành viên phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP, trong đó có Việt Nam. Bốn nước thành viên còn lại đang có lộ trình phê duyệt.
Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia đang ngỏ ý muốn trở thành thành viên trong CPTPP như Anh, Hàn Quốc, Colombia, Philippines…
“CPTPP đạt được là kết quả của sự nỗ lực từ 11 thành viên CPTPP và việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP khiến hiệp định rơi vào trạng thái mất cân bằng. Các thành viên còn lại đã phải rất nỗ lực để xây dựng điểm cân bằng mới và CPTPP là kết quả của sự nỗ lực chung đó”, ông Ngô Chung Khanh đánh giá.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng nhấn mạnh, CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết cao nhất. Trong đó, Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế có lộ trình, dài nhất là trong 13 năm.
Lần đầu tiên Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế xuất khẩu, mở cửa thị trường mua sắm công, đặc biệt là chấp nhận vấn đề đa công đoàn…. Ông cho rằng lợi ích lớn nhất của CPTPP chính là các cải cách thể chế mạnh mẽ.
Để tận dụng có hiệu quả các cơ hội, lợi ích từ CPTPP mang lại, cũng như chủ động trên “sân nhà” trước làn sóng xuất khẩu sang Việt Nam của các thành viên CPTPP còn lại, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố có báo cáo kế hoạch triển khai CPTPP. Đến thời điểm hiện tại, đã có 16 bộ ngành và 40 tỉnh thành phố đã có kế hoạch cụ thể để triển khai Hiệp định.
Đối với doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 250 C/O được cấp, trong đó có 219 C/O đi Canada, 14 C/O đi Mexico và 8 C/O đi Peru. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã dần lưu ý và biết tận dụng lợi thế của CPTPP.
“Cần phải có sự chủ động để CPTPP được thực thi có hiệu quả. Trong đó, chính quyền các địa phương phải chủ động thực hiện các giải pháp và kế hoạch triển khai CPTPP; các doanh nghiệp phải chủ động tìm tòi, cập nhật thông tin, thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ông Khanh khuyến nghị.
Thông tin về vấn đề lao động, công đoàn trong CPTPP và thách thức đối với công đoàn Việt Nam, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cho biết: lao động và công đoàn là một trong những vấn đề phức tạp và khó khăn nhất trong quá trình đàm phán CPTPP. Những tiêu chuẩn được đề cập trong CPTPP chính là những tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu tại tuyên bố 1998 của ILO, tiêu biểu như tự do hiệp hội, cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng các cấp Công đoàn phải chủ động thay đổi, đổi mới để thích ứng với CPTPP. Sau khi CPTPP có hiệu lực, công đoàn Việt Nam nói chung và công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.
“CPTPP có hiệu lực, tổ chức công đoàn Việt Nam đứng trước yêu cầu tất yếu phải chủ động thay đổi. Đây vừa là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội. Nếu công đoàn chủ động, tích cực đổi mới và hoạt động có hiệu quả, chăm lo thiết thực cho đời sống của đoàn viên công đoàn thì chắc chắn người lao động sẽ ủng hộ và công đoàn Việt Nam sẽ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động. Nếu không thay đổi, thì đây sẽ thực sự là một thách thức rất lớn đối với công đoàn Việt Nam”, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Quảng, để thích ứng với CPTPP việc quan trọng nhất đó chính là chủ động thay đổi và đổi mới tổ chức công đoàn. Trong đó, cần tập trung vào các nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, góp phần củng cố tăng cường sự gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam khẳng định trong thời gian qua, công đoàn các đơn vị trực thuộc CĐCTVN đã xây dựng được tổ chức công đoàn và hoạt động có hiệu quả, là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, tạo được niềm tin của đoàn viên công đoàn.
Đứng trước ngưỡng cửa CPTPP đã mở, Công đoàn Công Thương sẽ tích cực hơn nữa trong xây dựng niềm tin để người lao động yên tâm và ủng hộ hoạt động của tổ chức Công đoàn Công Thương nói riêng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói chung.