Nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, là vùng đất dày truyền thống văn hóa, nhưng lại nghèo tài nguyên khoáng sản: Không biển, không núi, không rừng… Hưng Yên chỉ có đất đai phì nhiêu với hơn một triệu dân lao động cần cù, sáng tạo. Sau 10 năm tái lập ngành Công nghiệp Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc. Công nghiệp Hưng Yên đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đề ra, đưa Hưng Yên vươn lên đứng thứ 13 trong 64 tỉnh, thành phố trong cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Đây là thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa đối với Hưng Yên.

Ngày 01 tháng 01 năm 1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập và từ đó đến nay, Công nghiệp Hưng Yên có bước phát triển nhảy vọt. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp luôn đạt mức cao (giai đoạn 1997 – 2000) tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 60,17%/năm, giai đoạn 2001 – 2005 bình quân đạt 26,7%/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 đạt 9.850 tỷ đồng (gấp 27,7 lần năm 1996) tăng 28,3%. Công nghiệp Hưng Yên đã có sự dịch chuyển mạnh về cơ cấu các thành phần kinh tế. Nếu năm 1996 khu vực kinh tế nhà nước chiếm 29,18% giá trị sản xuất toàn Ngành, khu vực ngoài nhà nước chiếm 63,78%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 7,03%, thì đến năm 2006 tương ứng là 9,64%, 53,16% và 37,20%. Cơ cấu nội bộ Ngành cũng chuyển dịch theo hướng tích cực theo hướng tăng nhóm ngành có giá trị gia tăng cao như: Chế tạo máy, điện tử, gia công kim loại tỷ trọng tăng từ 3,95% (năm 1996) lên 52,8%. Giá trị gia tăng của Ngành cũng đạt mức tăng trưởng cao, bình quân trên 22,1%/năm, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu năm 1006 cơ cấu kinh tế: nông nghiệp thủy sản – Công nghiệp, xây dựng – Dịch vụ là 59,95% - 14,71% - 25,33% thì đến năm 2006 là 27,7% - 40,2% - 32,1%.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, Hưng Yên chú trọng đầu tư xây dựng các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp làng nghề. Tính đến nay, toàn Tỉnh đã có 5 khu công nghiệp tập trung là các khu công nghiệp Phố Nối A, Phố Nối B, Như Quỳnh, Minh Đức và thị xã Hưng Yên, 10 khu công nghiệp làng nghề đang được triển khai xây dựng nhằm tạo mặt bằng và điều kiện sản xuất thuận lợi cho các hộ gia đình, các tổ hợp, HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương phát triển, mở rộng sản xuất làm hạt nhân phát triển các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Số cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng từ 11.281 cơ sở năm 1996 lên 18.000 cơ sở năm 2006 (trong đó số doanh nghiệp tăng từ 38 lên 105 doanh nghiệp và hơn 350 dự án sản xuất công nghiệp đã được chấp thuận đầu tư đang xây dựng), tạo việc làm và thu nhập cho trên 95.000 lao động, tăng gấp 2,44 lần năm 1996.

Công nghiệp Hưng Yên đã hình thành mạng lưới đa ngành, với những ngành chủ lực như điện tử, dệt may, cơ khí, luyện thép… Công nghệ sản xuất được hiện đại hóa, trình độ quản lý được nâng cao (đã có trên 70 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến như ISO 9000, HACCP, SA 8000…), đã tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Hàng năm, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh, và luôn tăng trưởng khá, đưa kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh tăng 14,202 triệu USD năm 1996 lên 336,8 triệu USD năm 2006. Công nghiệp cũng đóng góp trên 70% tổng số thu ngân sách trên địa bàn. Năm 2006 đạt 1.445 tỷ đồng, đưa Hưng Yên trở thành tỉnh có số thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng.

Bộ mặt công nghiệp của Hưng Yên đã có nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp tích cực tham gia công tác xã hội; Phong trào thi đua trong lao động sản xuất được duy trì và phát triển, các tổ chức đoàn thể quần chúng đã phát huy được vai trò của tổ chức mình trong hoạt động của đơn vị… Ghi nhận những đóng góp của ngành Công nghiệp Hưng Yên, trong thời kỳ qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng: 01 danh hiệu Anh hùng Lao động; 14 đơn vị và cá nhân được tặng Huân chương Lao động (Sở Công nghiệp tỉnh Hưng Yên được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2004); nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, của các Bộ Ngành Trung ương và UBND tỉnh tặng cho các tập thể và cá nhân. Sở Công nghiệp Hưng Yên được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc liên tục 6 năm liên tục từ 2001 – 2006.

Nguyên nhân của những thành tựu đạt được trong những năm qua là: Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương, có sự đoàn kết tập trung trí tuệ và đồng thuận cao của Đảng bộ và nhân dân trong việc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng cơ chế và bước đi thích hợp nhằm phát huy tốt mọi nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Biết phát huy những lợi thế tuy không nhiều về địa lý, nguồn nhân lực, tập trung cho công tác quy hoạch, và thực hiện quy hoạch nhằm tạo lợi thế mới cho sự phát triển; Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa trong các dịch vụ hành chính công, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; Sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Công nghiệp Hưng Yên cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là: công nghiệp phát triển chưa tương xứng với lợi thế về vị trí địa  lý của Tỉnh; chất lượng tăng trưởng công nghiệp chưa cao; dự án đầu tư công nghiệp đã đăng ký khá nhiều nhưng dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao còn ít, phần lớn có trình độ công nghệ trung bình khá; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu công nghiệp, làng nghề chậm được khắc phục; cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội cho phát triển công nghiệp còn hạn chế.

Phát huy những thành tích đạt được sau 10 năm tái lập Tỉnh, Công nghiệp Hưng Yên quyết tâm chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất cho kế hoạch 5 năm 2006 – 2010. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong nhiệm vụ đẩy nhanh công nghiệp hóa – hiện đại hóa để đến năm 2010, Hưng Yên trở thành tỉnh khá trong cả nước, tạo cơ sở vững chắc để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại trước năm 2020. Mục tiêu đặt ra cho Công nghiệp Hưng Yên giai đoạn này là giá trị sản xuất tăng trên 25%/năm, giá trị tăng thêm tăng 22,3%/năm. Phấn đấu đến năm 2010 công nghiệp – xây dựng chiếm 47% GDP toàn Tỉnh.

Quan điểm, định hướng phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 là: Gắn phát triển công nghiệp với việc hình thành các khu công nghiệp tập trung, các khu đô thị mới và phát triển hệ thống dịch vụ; coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy mọi thành phần kinh tế, chú trọng doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp thu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng xuất khẩu, thay thế nhập khẩu có hiệu quả; khuyến khích phát triển nhề truyền thống và nghề mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhằm tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thực hiện công nghiệp hóa – hj hóa nông nghiệp và nông thôn.

Để công nghiệp Hưng Yên tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao bền vững, trong thời gian tới, ngành Công nghiệp cần phối hợp với các ban, ngành trong Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp làng nghề, quy hoạch phát triển điện lực… bảo đảm sự đồng bộ và gắn kết với quy hoạch vùng và các quy hoạch sử dụng đất đai, giao thông, thủy lợi, quy hoạch phát triển nông thôn… Các ngành các cấp cần cụ thể hó quy hoạch được duyệt bằng kế hoạch, đầu tư vốn, khoa học công nghệ, thị trường… để phát triển sản xuất, thích ứng nhanh với quá trình hội nhập quốc tế, trong đó cần quan tâm đến các giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển công nghiệp.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn Tỉnh, ưu tiên các dự án của các tập đoàn đa quốc gia, các dự án lớn có công nghệ tiên tiến, các dự án chế biến nông sản của địa phương, các dự án sử dụng nhiều lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp… các dự án phát triển ngành dịch vụ thiết yếu cho sản xuất phục vụ dân sinh, trong đó, cần chú ý đến cơ chế chính sách về tài chính, tín dụng, ngân hàng và các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng.

- Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sức cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế; ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu, củng cố và mở rộng thị trường; đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường; tìm kiếm thông tin, thị trường, điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu… Để bảo đảm tính khả thi của các giải pháp trên đây, cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo của các cấp các ngành, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và dịch vụ phát triển công nghiệp.

- Tăng cường đầu tư để đào tạo đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao và công nhân lành nghề, đáp ứng thời hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, quan tâm tổ chức thực hiện quy hoạch làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đó cần chú trọng đến phát triển dịch vụ, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ hướng tới xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu có hiệu quả.

Phát huy truyền thống 48 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt với thế và lực mới được tạo ra sau 10 năm tái lập, Công nghiệp Hưng Yên đang vững bước đi lên với mức tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững; phấn đấu đưa Hưng Yên về đích sớm hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

  • Tags: