Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 781/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo đó, sửa đổi tên nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội tại Mục 1, Phần VI, Phụ lục I thành nhóm: "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch".
Bên cạnh đó, bổ sung Mục 6, Phụ lục II nội dung: "6. Yêu cầu về một số tiêu chí cần đạt tối thiểu trong đánh giá, phân hạng sản phẩm". Áp dụng đối với các nhóm sản phẩm (trừ nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch).
Cụ thể, có 3 nhóm tiêu chỉ gồm: 1- Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; 2- Khả năng tiếp thị; 3- Chất lượng sản phẩm. Các nhóm tiêu chí này phân hạng từ 1 sao đến 5 sao.
Trong đó, với nhóm tiêu chí chất lượng sản phẩm, tiêu chí cần đạt tối thiểu theo từng phân hạng sản phẩm OCOP như sau:
a). Hạng 2 sao: Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nhóm 4 và 5, có bản mô tả về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
b). Hạng 3 sao: 1- Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm có công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định; 2- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có kế hoạch kiểm soát nội bộ gắn với truy suất nguồn gốc theo quy định của pháp luật; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật.
c). Hạng 4 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 3 sao; 2- Tính độc đáo: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Chất lượng sản phẩm độc đáo, mang tính đặc trưng; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Chất lượng sản phẩm tinh xảo; 4- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam.
d). Hạng 5 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 4 sao; 2- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Có chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường đích.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm;
Hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.