Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) vừa cho biết sản lượng thép thô trong tháng 4/2024 đạt 738.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng trước.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) tăng tới 16%, đạt 805.000 tấn; trong đó, riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 471.000 tấn, tăng 24% so với tháng trước đó.
Đây cũng là sản lượng bán hàng cao nhất của Tập đoàn Hoà Phát kể từ tháng 3/2022. Đại diện Tập đoàn Hoà Phát cho biết sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng đáng kể so với tháng sau Tết nhờ nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tăng dần.
Trong khi đó, lượng hàng tồn kho ở các đại lý, nhà phân phối đã xuống thấp trong tháng 4, thúc đẩy các đơn vị phân phối thép nhập thêm hàng phục vụ thị trường. Điều này đã giúp tiêu thụ thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát ở cả 3 miền đều tăng, mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở miền Bắc với 73%, miền Trung 37%.
Đối với thép HRC, sản lượng tiêu thụ đạt 252.000 tấn, giảm 4% so với tháng 3 vừa qua. Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát đã cung cấp nhiều sản phẩm hạ nguồn HRC, bao gồm 70.000 tấn ống thép, 48.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường trong tháng 4/2024.
Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép HRC, phôi thép của Tập đoàn Hoà Phát đạt 2,65 triệu tấn
Trong đó, tập đoàn này đã xuất khẩu 952.000 tấn thép các loại; qua đó, hỗ trợ tích cực vào kết quả kinh doanh chung trong bối cảnh thị trường trong nước chưa thực sự khởi sắc, đồng thời đa dạng hóa kênh bán hàng.
Với công suất hiện tại 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Tập đoàn Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát giữ thị phần số 1 về thép xây dựng, ống thép và nằm trong Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam.
Hiện tập đoàn này đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Dự kiến khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hoà Phát dự kiến sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hoà Phát cạnh tranh hơn về giá cả.
Trong 2 chu kỳ thép vừa qua, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoà Phát ở mức 18% - 22%. Dựa trên dữ liệu lịch sử, BSC Equity Research hiện ước tính biên lợi nhuận của Tập đoàn Hoà Phát khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động ổn định sẽ đạt 18%.
Theo ước tính của một số tổ chức tài chính khác, dự án Dung Quất 2 khi đi vào hoạt động tối đa công suất sẽ giúp doanh thu hàng năm của Tập đoàn Hoà Phát tăng thêm 4 - 5 tỷ USD so với mức 6,5 tỷ USD hiện tại. Dự án này cũng sẽ là bước ngoặt, giúp Tập đoàn Hoà Phát chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác nên sẽ giảm rủi ro dựa vào thị trường bất động sản.