Tình yêu lớn của người kỹ sư tự động hóa

Gặp Nguyễn Đức Trung lần nào cũng xúc động. Vì ngay từ lần đầu tiên biết em cho đến nay, cũng phải đến 4, 5 năm rồi, vẫn thấy ở em vẹn nguyên một tinh thần, một nhiệt huyết với công việc của một Trưởng bộ phận tự động hóa, phòng Quản lý Sản xuất, cũng như vẹn nguyên một tình cảm gắn bó, thủy chung một lòng với sự phát triển của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM).

Tình yêu mỗi ngày thêm lớn

Thật ra, thời gian của Trung ở VTM chưa phải là nhiều so với những sự gắn bó cả mấy chục năm hoặc cả cuộc đời của rất rất nhiều người lao động trong các đơn vị khác thuộc ngành luyện kim. Nhưng đáng nói là đây trong vòng vài năm trở lại đây, Nhà máy gang thép Lào Cai của VTM là một trong 12 dự án thua lỗ trọng điểm của Bộ Công Thương, đời sống người lao động cũng bị ảnh hưởng nhiều, tâm tư cũng vì thế bị xáo trộn.

Trong khi đó, kỹ sư Trung sau khi tốt nghiệp tại một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, đã có mặt từ khi nhà máy đang gấp rút hoàn thiện lắp đặt toàn bộ dây chuyền và sau đó là đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện dây chuyền thiết bị chưa thực sự ổn định, rồi trải qua thời gian hiệu chỉnh, tối ưu hóa lại các công đoạn sản xuất để đến nay đã ổn định hơn rất nhiều… Các cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã thay thế hoàn toàn các chuyên gia Trung Quốc.

Nhẽ ra đây phải là giai đoạn mà khó khăn lùi lại phía sau, Công ty sẽ ăn nên làm ra, những nỗ lực thời gian qua sẽ được đáp lại. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn quá nhiều thách thức phải vượt qua…

Thế nhưng, dường như những điều này có tác động không nhiều lắm tới người kỹ sư yêu nghề Nguyến Đức Trung. Trong câu chuyện của mình, Trung vẫn một lòng một dạ tin rằng Công ty sẽ cầm cự được. VTM có một nền tảng công nghệ tương đối hiện đại, đặc biệt là hệ thống tự động hóa được xếp vào bậc cao trong toàn hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam- CTCP! Tất cả những điều đó sẽ là giá trị quý báu để tập thể những người lao động của VTM có quyền hy vọng vào ngày mai tốt đẹp!

Nguyễn Đức Trung sinh năm 1987, quê ở Hải Phòng, chuyên môn là kỹ sư tự động hóa. Với vóc dáng mảnh khảnh và cặp kính cận, nhìn em giống một thầy giáo hơn. Nhưng đằng sau vẻ bên ngoài hiền lành, rụt rè đó lại là một sức làm việc ghê gớm, sự thông minh, nghiêm túc, say mê sáng tạo mà thành quả của nó là rất nhiều sáng kiến, giải pháp sáng chế nhằm hợp lý hóa công việc chuyên môn của bộ phận tự động hóa.

Tính sơ sơ kỹ sư Trung đã có đến 3 sáng kiến giải pháp kỹ thuật được công nhận cấp Công ty, 2 Bằng Lao động sáng tạo, 2 Huy hiệu Lao động sáng tạo, danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ X năm 2019 và rất nhiều các bằng khen cho những thành tích thi đua khác.

nguyen duc trung vtm
Kỹ sư Trung trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm

Tầm nhìn xa

May mắn được làm đúng ngành đúng nghề, nhưng Nguyễn Đức Trung chưa bao giờ ỷ lại vào lợi thế đó mà ngừng phấn đấu. Ngược lại, tình yêu với chuyên ngành tự động hóa mà Trung đã học tại trường nay lại càng được nhân lên trong những tháng ngày miệt mài, gắn bó với Công ty.

Trong suốt 9 năm qua, từ khi vào VTM với vai trò là kỹ thuật viên xưởng luyện thép được sự tin tưởng của Ban lãnh đạo Nhà máy, qua từng thời kỳ Trung lần lượt được thử thách qua các vị trí như KTV xưởng Luyện gang, Tổ trưởng tổ tự động hóa xưởng Cơ điện, tổ trưởng tổ tự động hóa phòng Quản lý thiết bị và hiện nay với cương vị là trưởng bộ phận tự động hóa – Phòng Quản lý Sản xuất, Nguyễn Đức Trung ý thức được trách nhiệm mà Ban lãnh đạo Công ty tin tưởng giao phó, luôn chủ động tham mưu đề xuất với lãnh đạo Công ty các phương án cải tạo mới, ứng dụng vào dây chuyền để mang lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.

Trong công tác sáng kiến tiết kiệm thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty, cá nhân Trung đã chủ trì và thực hiện được 3 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật đang được áp dụng và triển khai tại Nhà máy với mục đích tối ưu hóa dây chuyền thiết bị và tiết giảm chi phí sản xuất đã được Hội đồng sáng kiến Công ty đánh giá cao.

Điển hình là năm 2018, 2019, Công ty đã hợp tác với đối tác Nhật Bản, kỹ sư Trung là người phụ trách trực tiếp làm việc với các chuyên gia Nhật Bản, Singapore thực hiện phương án cải tạo đưa vào sử dụng ổn định 02 biến tần trung thế thông minh, hàng năm giúp tiết kiệm điện năng trên 4 triệu kwh, góp phần giảm chi phí trên 6.9 tỷ đồng.

Với vai trò quản lý và sửa chữa thiết bị tự động hóa trong dây chuyền sản xuất của Nhà máy, bộ phận Tự động hóa có vai trò giữ cho toàn bộ các thiết bị tự động hóa tại các đơn vị sản xuất luôn được đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất liên tục ở mức cao, hiệu suất thiết bị đạt trên 99,8%, các sự cố ảnh hưởng đến sản xuất đều kịp thời được khắc phục và loại bỏ.

Xu thế thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay sẽ là điều kiện rất tốt cho những khát khao đổi mới thiết bị công nghệ được thỏa chí vẫy vùng. Nguyễn Đức Trung với sở nguyện của mình đã tìm thấy những cơ hội mới. Những tư duy, trăn trở tìm kiếm các thiết bị mới có hiệu suất, năng suất cao, đề xuất hợp tác với các đối tác cung cấp các giải pháp có mức độ tự động hóa cao để áp dụng vào dây chuyền thiết bị trong Nhà máy... đã và đang thu hút Trung vô cùng.

Người kỹ sư tự động hóa đó càng nhận thấy rằng, con đường phát triển của doanh nghiệp không thể thiếu những ứng dụng từ tự động hóa, đặc biệt là sự tham gia của nó vào quá trình quản lý dữ liệu một số công đoạn của dây chuyền sản xuất – một vấn đề rất cần thiết đối với VTM.

nguyen duc trung
1 trong 34 người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ X năm 2019

“Thầy giáo Trung”

Thật ra, ấn tượng của tôi khi nghĩ hình thức của Nguyễn Đức Trung phù hợp với làm thầy giáo hơn không phải không có lý. Vì đã từ rất lâu, kỹ sư Trung đã tâm huyết bỏ công truyền thụ những kiến thức về chuyên ngành tự động hóa – sở trường của Trung, đồng thời truyền cả những kinh nghiệm quý báu cho các kỹ thuật viên, nhân viên sửa chữa ở các xưởng nhằm giúp mọi người tiếp cận và làm chủ hệ thống máy móc tốt hơn.

Bản thân kỹ sư Nguyễn Đức Trung tự nhận thấy “một cá nhân tốt chưa đủ, một tập thể tốt phải có được nhiều cá nhân tốt”. Từ nhận thức này, cùng với kinh nghiệm, chuyên môn của cá nhân, Trung đã phối hợp với các đơn vị tổ chức trực tiếp là người hướng dẫn, đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm về kỹ thuật thiết bị tự động hóa cho đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân sửa chữa tại các phân xưởng.

Trong phong trào sáng kiến tiết kiệm, Trung đã hỗ trợ chuyên môn một số kỹ thuật viên trực tiếp thực hiện một số đề tài giải pháp sáng kiến kỹ thuật đã mang lại lợi ích tiết kiệm chi phí sản xuất cho Công ty, điển hình như hỗ trợ kỹ thuật nhóm tác giả với giải pháp kỹ thuật “Cải tạo hệ thống điện điều khiển xe nạp nước gang lò trộn”, Hỗ trợ và đồng thực hiện cùng nhóm tác giả với giải pháp kỹ thuật “Nâng cao hiệu quả sử dụng điện trong hệ thống lưới điện Mỏ sắt Quý Xa”... Biệt danh “thầy giáo Trung” từ đó đã ra đời trong niềm vui của các học viên và sự hào hứng của người truyền thụ đặc biệt.

Trò chuyện với tôi, trong tâm trí Trung lúc nào cũng mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa tại VTM, không chỉ với cương vị hiện tại là Trưởng bộ phận Tự động hóa mà đó là sự khao khát được đảm nhiệm một vị trí nào tốt hơn nữa trong sự nghiệp phấn đấu của Trung để tiếp tục toàn tâm toàn ý viết tiếp những hoài bão, những dự định còn đang ấp ủ trên bước đường phát triển sau này của VTM.

Trung cũng mạnh dạn “khoe” về công trình của mình có tên “Phần mềm tích hợp số hóa tự động giám sát, thống kê khối lượng nguyên nhiên liệu và tự động truy xuất file Excell lưu trữ dữ liệu theo thời gian sản xuất” đang được gửi đi tham gia chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Thực tế hiện nay, số liệu trong các công đoạn sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai được cập nhật, ghi chép thủ công thông qua nhân viên vận hành dưới các bảng biểu theo dõi, có nguy cơ gây nhầm lẫn, tăng nhân công thực hiện tính toán, ghi chép, chưa tiết kiệm được thời gian, tăng chi phí in ấn bảng biểu, giấy các loại…

Phần mềm lập trình này của kỹ sư Nguyễn Đức Trung đã được ứng dụng tích hợp vào phần mềm sản xuất trong công đoạn phối liệu sản xuất quặng thiêu kết. Phần mềm đã tự động theo dõi, giám sát, tính toán tổng khối lượng nguyên nhiên liệu thực tế đã sử dụng để hiển thị trực quan trên màn hình điều khiển trung tâm.

Sau đó, với mỗi một khoảng thời gian nhất định đã được cài đặt trước, phần mềm sẽ tự động truy xuất dữ liệu dưới dạng file Excell và được lưu trực tiếp trên máy tính theo thời gian sản xuất thực tế như: Ca, ngày, tháng, năm sản xuất. Qua đó số liệu thống kê được đảm bảo tính khách quan, có cơ sở để tham chiếu kiểm tra khi có biến cố bất thường, ngoài ra là sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí nhân công, chi phí in ấn, giấy tờ các loại....

Xong Trung rụt rè hỏi: “Chị thấy công trình này có phù hợp không ạ, vì em nghĩ có rất nhiều người giỏi hơn em... Nhưng em lại thấy rất hữu dụng vì phần mềm này có thể áp dụng được tất cả các loại cân dạng băng tải có sử dụng phần mềm lập trình tương tự, có nghĩa là áp dụng cho nhiều ngành nghề, chứ không riêng gì Công ty em chị ạ”.

Tôi đã không phải nghĩ gì mà trả lời Trung luôn: “Quả là có rất nhiều người giỏi hơn mình, nhưng họ không trưởng thành từ những vất vả, những kiên trì như em, nên sẽ không có những trải nghiệm quý báu như em. Trong ngành luyện thép thì lại càng như vậy. Nên những sáng kiến như của em không thể không trân quý!”

 

Minh Thủy