Tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường EU

Việt Nam và Thái Lan cùng đạt đến trình độ chế biến sâu, nên 2 nước sẽ cạnh tranh nhau ở thị trường cao cấp, nhưng với EVFTA, lợi thế của Việt Nam hơn hẳn Thái Lan nhờ thuế suất ưu đãi. Hiện Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm thứ hai trên thế giới và lớn nhất châu Á cho EU.
Tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường EU
Tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường EU

 

Đứng thứ hai tại thị trường EU

Ngày 1/8/2022 đánh dấu tròn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp thủy sản đã tăng sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo hiệp định, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU nhờ tận dụng được lợi thế thuế quan từ EVFTA. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, hiệp định thương mại tự do EVFTA càng là yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu sang EU thêm khởi sắc. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 688 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU, chiếm 54% với 303 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định, Việt Nam tiếp tục phát huy tối đa thế mạnh là tôm chế biến sâu. Hiện Việt Nam đang thứ hai về xuất khẩu tôm sang thị trường EU sau Ecuador,  và từng bước nâng cao sản lượng để cạnh tranh với các đối thủ.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới thị trường EU tăng mạnh ở mức trên 50% nhờ  dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt, khiến hoạt động nuôi trồng và chế biến xuất khẩu ổn định, thuận lợi hơn. Hơn nữa, các sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trước nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của EU tăng trở lại sau dịch Covid-19; nhất là  Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ và Pháp.

So sánh các nguồn cung tôm tại châu Á cho thị trường EU, trước năm 2019, Ấn Độ luôn dẫn đầu, tiếp đó là Việt Nam và Bangladesh, Indonesia. Từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam trở thành nguồn cung tôm tại châu Á lớn nhất cho EU, tiếp đó là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Nguyên nhân Ấn Độ đã mất vị trí số 1 về cung cấp tôm cho EU vào tay Việt Nam là do nước này chưa thể thuyết phục hoàn toàn được khách hàng châu Âu về vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, Việt Nam có sự chuẩn bị tốt về nguồn cung tôm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình là mô hình tôm - rừng kết hợp là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất, được người tiêu dùng EU đánh giá cao, hưởng ứng tích cực.

Sẵn sàng cho EVFTA

Cà Mau hiện có hơn 19.000ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…). Sản phẩm tôm - rừng được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn khoảng 5 - 10% so với sản phẩm truyền thống. Đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ nông dân chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000-500.000 ha mỗi năm và con giống có chất lượng cao.

Tương tự, ở Bạc Liêu, có hàng chục doanh nghiệp đầu tư vào “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”. Những đơn vị này được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia… Bạc Liêu còn có hơn 20 công ty và gần 700 hộ đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích hơn 3.900ha. Qua hơn 3 năm áp dụng, nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả sản xuất và dự báo sẽ được mở rộng phát triển trong thời gian tới.

Có thể nói rằng, việc chuẩn bị chu đáo nguồn cung tôm nguyên liệu đủ tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm được thúc đẩy nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…

Nhìn trên tổng thể các nguồn cung, Ecuador, một nước thuộc châu Mỹ đang nổi lên là một đối thủ cạnh tranh mạnh với các nguồn cung tôm của Việt Nam. Ecuador có lợi thế giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng. Theo Diễn đàn Tôm toàn cầu, công nghệ nuôi tiên tiến hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng sản lượng tôm Ecuador từ 1,01 triệu tấn năm 2021 lên 1,35 triệu tấn năm 2022 và hơn 2 triệu tấn vào năm 2025. Đây liệu có là áp lực cạnh tranh với Việt Nam?

Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta khẳng định, những dự báo về việc Ecuador tăng gấp rưỡi tôm sau 3 năm (2023-2025) chỉ là một giả sử cho tình huống tối ưu tuyệt đối. Thực tế xác suất này là không khả thi. Hơn nữa, mỗi nước có thế mạnh riêng. Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu tôm 8%, tập trung khúc thị trường cao, như tại thị trường EVFTA. Ecuador bán ở thị trường phân khúc thấp hơn. Mỗi quốc gia có những phân khúc thị phần riêng của mình, mặc dù có sự chồng lấn nhau nhưng không nhiều. Do Việt Nam và Thái Lan cùng đạt đến trình độ chế biến sâu, nên 2 nước sẽ cạnh tranh nhau ở thị trường cao cấp, nhưng với EVFTA, lợi thế của Việt Nam hơn hẳn Thái Lan nhờ thuế suất ưu đãi.

Việt Nam XK chủ yếu sang EU những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, luộc sushi đông lạnh, tôm sú tươi PD đông lạnh, tôm thẻ sushi luộc đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu PTO, tươi đông lạnh, tôm sú PD đông lạnh, tôm sắt luộc đông lạnh IQF, tôm thẻ PTO luộc cấp đông, tôm chân trắng PD,IQF tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm vị xiên que…

Vân Đồn