Người châu Âu nghĩ gì về Hiệp định EVFTA?

72% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam được hỏi cho biết, có hiểu biết cụ thể về cam kết cũng như tác động của EVFTA; gần một nửa tin rằng Hiệp định có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp của họ; hơn 2/3 doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng vào khả năng quan hệ kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới nhờ EVFTA.

Tác động rõ ràng

Hiệp định EVFTA thường được gọi là “Hiệp định thương mại sâu sắc” vì không chỉ đòi hỏi những cải tổ về mậu dịch hàng hóa, mà còn cải tổ ở các lĩnh vực khác gọi là “cải tổ phi biên giới”. Đó là các lĩnh vực đầu tư, dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, giảm thủ tục hải quan, bảo vệ môi trường, mua sắm hàng hóa công, giải quyết các tranh chấp, nghĩa là đi xa hơn các thỏa thuận của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Chính vì vậy, Hội đồng châu Âu đã nhận định, EVFTA là hiệp định thương mại nhiều tham vọng nhất mà Liên minh châu Âu từng đạt được với một quốc gia đang phát triển. Đánh giá tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế 2 bên, ông Claudio Dordi - Trưởng nhóm tư vấn chuyên gia nước ngoài, Dự án EU-MUTRAP khẳng định, “Những phát triển tích cực trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương trong khoảng 2 thập kỷ qua đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là một trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Đây là cơ sở vững chắc để khẳng định tiềm năng phát triển hơn nữa thương mại, đầu tư và hợp tác giữa hai bên nhờ EVFTA”.

Chủ tịch INTA Bernd Lange khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU tại khu vực.
Chủ tịch INTA Bernd Lange khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU tại khu vực.

 

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) khẳng định, Hiệp định EVFTA là nền tảng rất vững chắc cho việc hướng tới bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-EU. Những con số thống kê trong 2 năm thực hiện Hiệp định này cho thấy những tác động tích cực về kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hậu COVID-19. Chủ tịch Bernd Lange cũng cho rằng, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số rất quan trọng, vì đây là lĩnh vực có đóng góp cho sự phát triển bền vững. Việt Nam và EU có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này cả trên bình diện song phương và trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế khác như WTO.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation đánh giá, áp lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh mà Hiệp định EVFTA đặt ra trở thành một “công cụ” hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện môi trường kinh doanh được; những tác động tích cực của EVFTA là rất rõ ràng. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 57 tỷ USD.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao tác động của Hiệp định EVFTA. Theo Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tang trở lại ở mức cao nhất kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào tháng 4 năm ngoái. Cụ thể, 72% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam được hỏi cho biết, có hiểu biết cụ thể về cam kết cũng như  tác động của Hiệp định EVFTA; gần một nửa tin rằng Hiệp định có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp của họ; hơn 2/3 doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng vào khả năng quan hệ kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới nhờ Hiệp định EVFTA.

Tiếp cận linh hoạt

Tác động tích cực của EVFTA đối với nền kinh tế 2 bên rất rõ ràng, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi những sự kiện địa chính trị; giá dầu leo thang, lạm phát tăng mạnh… việc thực thi EVFTA cũng cần được tiếp cận linh hoạt hơn.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation

 

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation cho rằng, Hiệp định EVFTA là một trong những trợ lực giúp Việt Nam phục hồi kinh tế, nhưng nên chú ý đến những thách thức vẫn còn tồn tại. Việt Nam và EU không nên bỏ qua một số vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương và việc thực thi Hiệp định lịch sử này. Cụ thể như:

-Các phản ứng quyết liệt trên toàn thế giới đối với đại dịch Covid-19 đã làm giảm sức mua ở hai thị trường Việt Nam và EU. Vấn đề này có thể làm gián đoạn và chuyển dịch chuỗi sản xuất (tình trạng thiếu lao động, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất...).

-Hạn chế đi lại vì dịch bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tận dụng các cơ chế sẵn có, và phát triển thêm các hình thức liên hệ trực tuyến.

- EU cần hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam để sử dụng hiệu quả EVFTA (thông qua phổ biến, tuyên truyền, tham vấn, xúc tiến thương mại...). Vấn đề này cũng bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS).

-Việt Nam cần xử lý nhanh hơn nữa việc gỡ thẻ vàng IUU đối với đánh bắt hải sản.

Nhìn nhận về triển vọng khai thác EVFTA, TS. John Fitzgerald, Trường đại học Trinity (Anh) khẳng định, lạm phát có thể tăng tiếp do chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ở bình diện chung, kinh tế toàn cầu phục hồi, trong đó có nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh từ EU sẽ là cơ hội vàng cho các nhà cung ứng từ Việt Nam. Ông cũng cho rằng, nền kinh tế có thể trở lại nhịp độ bình thường vào năm 2024, EVFTA thiết lập kênh thương mại  hai chiều bền vững. Về dài hạn, các quốc gia như EU và Mỹ nghiêm túc trong thực hiện các giải pháp về biến đổi khí hậu thì sẽ có thêm đầu tư vào dự án năng lượng và giúp tăng đầu tư vào quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, từ đó hai bên đều có được lợi ích.

Hào Nam