Khai thác cơ hội từ Hiệp định EVFTA: Chuyển biến từ nhận thức thành hành động

Liên tục tổ chức các buổi phổ biến thông tin, tập huấn về các cam kết, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ… đã giúp các doanh nghiệp chuyển biến từ nhận thức thành hành động, chuẩn bị đầy đủ về tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng khai thác cơ hội từ EVFTA.
EVFTA
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế tại thị trường EVFTA

 

Xuất khẩu tăng, FDI tăng

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng qua ước đạt 312,82 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ có cú hích Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường này đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%.  Điều đó cho thấy, các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia FTA, như EVFTA. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hai con số so với năm 2021.

Nhìn từ số liệu xuất khẩu, nông sản là nhóm mặt hàng tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong Hiệp định này, đây cũng là nhóm hàng được ưu tiên tập trung đàm phán để phía EU mở cửa thị trường. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tương đối toàn diện ở nhiều nhóm hàng nông sản, trong đó có những mặt hàng đã có bước tăng trưởng vượt bậc, ví dụ như: cà phê tăng trên 62 %, hạt tiêu tăng trưởng 81% trong năm đầu tiên thực hiện EVFTA, gạo có những bước tăng trưởng tương đối khá, trên 40%.

Đặc biệt, 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA cho thấy, đây là 1 trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất. Trong năm đầu tiên, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA tăng lên mức 20,7% (trước đó 14,8%), trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như: Thuỷ sản 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%, hàng dệt may 15,17%.. Sáu tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32%, cao hơn khoảng 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP.

Cùng với xuất khẩu, dòng vốn FDI từ các đối tác trong EVFTA chảy vào Việt Nam cũng không ngừng tăng lên. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2022, hiện có 25 quốc gia thuộc EU tham gia đầu tư vào Việt Nam, với tổng số dự án là 2.378 dự án với tổng giá trị vốn đăng ký là 27,59 tỷ USD. Dòng vốn FDI từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%).

Chuẩn bị kỹ càng cho Hiệp định EVFTA

Với EVFTA, chúng ta đã có công cụ nền tảng quan trọng cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường EU rộng lớn. Công cụ nền tảng là điều kiện ưu đãi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, là những hàng rào kỹ thuật đã được 2 bên thống nhất về cách hiểu và điều kiện thực thi, được minh bạch hóa.

Công cụ nền tảng còn là những giải pháp mà các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp nâng năng lực sản xuất. Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA, các đơn vị chức năng đã phân doanh nghiệp theo nhóm để hướng dẫn, hỗ trợ cho “trúng” và “đúng” hơn.

Một hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đã khai trương trước khi EVFTA có hiệu lực 2 tháng, được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ EVFTA.

EVFTA
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ, quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA

 

Tiếp đến là hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng các vấn đề liên quan đến tận dụng cơ hội, tham gia vào chuỗi giá trị Việt Nam - EU. Các buổi này được phân theo nhóm doanh nghiệp với sự phân tích sâu hơn theo ngành hàng.

Với đối tượng doanh nghiệp nói chung, có các buổi tập huấn về các cam kết trong EVFTA; soạn thảo bộ tài liệu hỏi đáp về EVFTA. Với nhóm doanh nghiệp dệt may, da giày có hội thảo hướng dẫn quy trình chứng nhận CE (đáp ứng yêu cầu an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường). Với nhóm doanh nghiệp nông thủy sản có Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU giải đáp các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường EU…

Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động phổ biến, tập huấn những cam kết của EVFTA vẫn không bị gián đoạn, được tổ chức theo hình thức trực tuyến (online). Mỗi buổi tập huấn đã nhận được đăng ký của hàng nghìn học viên đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước với thành phần đa dạng từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học và các cá nhân.

Với cách tiếp cận mới mẻ, đơn giản và dễ hiểu cùng với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia, cán bộ trực tiếp đàm phán, các buổi tập huấn online đã giúp các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và người dân nắm vững và vận dụng hiệu quả EVFTA. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp từ nhận nhận thức đã chuyển biến thành hành động, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tỷ lệ xuất xứ, về nguyên phụ liệu, về tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng khai thác cơ hội từ  EVFTA.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động hỗ trợ,  như tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để làm sao để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, xuất khẩu.

Đồng thời, nâng cao cái hiệu quả thông tin, tuyên truyền, thông qua việc thông tin cho các doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về cam kết của Hiệp định, quy định trong Hiệp định. Đặc biệt, quy định về quy tắc xuất xứ sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp một cách chuyên sâu hơn đối với từng ngành hàng, lĩnh vực, thị trường cụ thể để cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

[Quảng cáo]

Đà Bắc