Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Hướng mục tiêu sớm trở thành doanh nghiệp số

Theo mục tiêu đề ra, đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Đây là con đường tất yếu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành Điện để thực hiện sứ mệnh “đi trước một bước”. Ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
NPC
ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc

PV: Thưa ông, để chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp số theo mục tiêu mà EVN đã đề ra cho các đơn vị trực thuộc, EVNNPC sẽ chọn riêng cho mình kế hoạch như thế nào?  

Ông Nguyễn Đức Thiện: Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo đề án chung của EVN, EVNNPC đã xây dựng và đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của riêng mình dựa trên 6 chương trình gồm 3 “số hóa” và 3 “thực hiện”.

3 “số hóa” bao gồm: Thứ nhất, số hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách, lý lịch thiết bị, công trình xây dựng, hồ sơ khách hàng, dữ liệu thanh toán, quản trị nhân sự, công tác kế hoạch…; Thứ hai, số hóa toàn bộ tài sản lưới điện thông qua xây dựng hệ thống quản lý lưới điện trên bản đồ (GIS) và các công cụ khai thác, hỗ trợ; Thứ ba, số hóa toàn bộ các quy trình/chu trình nội bộ theo các mảng công việc: Kỹ thuật – An toàn; Kinh doanh – Dịch vụ khách hàng; Tài chính kế toán; kế hoạch, quản trị văn phòng, tổ chức nhân sự, đầu tư xây dựng, quản lý đầu thầu, thanh kiểm tra.

Còn 3 “thực hiện” bao gồm: Thực hiện xây dựng kho dữ liệu tập trung của EVNNPC và các báo cáo quản trị, khai thác; Thực hiện nâng cấp hạ tầng VT&CNTT, đảm bảo ATTT và xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng theo tiêu chuẩn quốc tế; Thực hiện các dự án tự động hóa lưới điện thông qua xây dựng và đưa vào vận hành các Trung tâm điều khiển xa, Trung tâp thu thập dữ liệu lưới điện, các TBA 110 kV không người trực, tự động hóa lưới điện trung áp, hiện đại hóa hệ thống đo đếm. Sau khi có dữ liệu và phần mềm trong giao dịch nội bộ với khách hàng đối tác trên không gian mạng mọi lúc mọi nơi.

Với kế hoạch, lộ trình như vậy, trong năm 2022, Tổng công ty sẽ cơ bản hoàn tất công tác số hóa dữ liệu, số hóa các quy trình nội bộ, từng bước chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu tập trung và các ứng dụng trên nền bản đồ.

Tôi tin tưởng rằng, năm 2023, EVNNPC sẽ quản trị, điều hành, tương tác với CBCNV, khách hàng phần lớn trên môi trường số và sẽ trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 như mục tiêu đã đặt ra.

NPC
Tổng giám đốc EVNNPC đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 3

PV: Được biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lựa chọn chủ đề là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” cho năm 2021, xin ông cho biết kết quả triển khai của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đến thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Đức Thiện: Thực hiện chủ đề của năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của mình và khẩn trương tổ chức thực hiện. Cho tới nay, Tổng công ty đã đạt được một số kết quả nhất định, tiêu biểu như:

Trong công tác số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, chúng tôi đã số hóa gần như toàn bộ dữ liệu về khách hàng, CBCNV, dữ liệu lưới điện 110kV, trung áp, dữ liệu liên quan tới các công trình đầu tư xây dựng… Thời điểm hiện tại đang tiến hành số hóa các quy trình nội bộ trong mọi lĩnh vực kinh doanh – dịch vụ khách hàng, tài chính kế toán, kỹ thuật, đầu tư xây dựng, quản trị nhân sự, kế hoạch… Đến nay đã hoàn thành công tác số hóa các quy trình trong lĩnh vực kinh doanh – dịch vụ khách hàng, tài chính kế toán, kỹ thuật. Ngày 16/11 Tổng công ty đã tổ chức lễ công bố, đưa vào vận hành hệ thống số hóa này.

Về hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện thông qua các chương trình, Tổng công ty đã hoàn tất chuyển đổi các TBA sang chế độ không người trực và Trung tâm điều khiển xa; kết nối thiết bị recloser, LBS về TTĐK và triển khai ứng dụng tự động hóa mạch vòng trung áp tại các tỉnh; xây dựng các TBA kỹ thuật số.

Việc nâng cấp trang web, ứng dụng CSKH nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các dịch vụ trực tuyến, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã thực hiện và rất hiệu quả. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực mạng truyền dẫn của Tổng công ty cũng như năng lực của Trung tâm dữ liệu cả về năng lực lưu trữ lẫn năng lực xử lý. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc theo dõi, giám sát hệ thống hạ tầng VT&CNTT. Trang bị hệ thống tường lửa thế hệ mới tại Trung tâm dữ liệu và các đơn vị thành viên cũng như các giải pháp bảo mật tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống.

EVNNPC cũng đã hoàn thành các chương trình đào tạo chuyển đổi số theo kế hoạch, bao gồm đào tạo nhận thức cho CBCNV các cấp, đào tạo chuyên sâu cho chuyên gia, đào tạo nghiệp vụ cho các nhóm CNCNV…

Đáng chú ý là việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình “Văn hóa doanh nghiệp số”.

Với kết quả như vậy, có thể khẳng định, EVNNPC đã hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề ra.

PV: Với sự vào cuộc mạnh mẽ như vậy, xin ông cho biết về hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc?

Ông Nguyễn Đức Thiện: Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang nỗ lực hết sức mình để sớm trở thành Tổng công ty phân phối và kinh doanh điện năng hàng đầu ở Việt Nam, tiến tới ngang tầm các công ty điện lực ở các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á, dựa trên nền tảng văn hóa mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến hiện đại và hệ thống dịch vụ xuất sắc, góp phần cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao cho theo đúng định hướng Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để đạt được mục tiêu đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc xác định chuyển đổi số là một trong các nhóm giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Tôi tin rằng, chuyển đổi số thành công sẽ mang lại 3 hiệu quả lớn sau:

Thứ nhất, việc vận hành trên nền tảng số sẽ nâng cao năng lực vận hành hệ thống điện, cải thiện độ tin cậy cung cấp điện, kiểm soát tốt tổn thất điện năng, giảm số sự cố, rút ngắn thời gian xử lý sự cố.

Thứ hai, việc tương tác với khách hàng trên không gian số sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao độ hài lòng khách hàng qua việc rút ngắn thời gian cung cấp các dịch vụ điện, giải đáp kịp thời các thắc mắc của khách hàng một cách tự động, chính xác, mọi lúc, mọi nơi.

Thứ ba, việc số hóa được hoàn toàn các dữ liệu, quy trình sẽ giúp lãnh đạo Tổng công ty có thể điều hành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu. Việc có đầy đủ số liệu sẽ hỗ trợ công tác quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ dự báo và quản trị rủi ro, tăng năng suất lao động và cải thiện lợi nhuận, mọi công việc diễn ra đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn.

NPC
Tổng giám đốc EVNNPC tới thăm và làm việc với Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc

PV: Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số thành công. Tổng công ty đã có giải pháp gì cho vấn đề này thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thiện: Với mục tiêu trở thành Tổng công ty kinh doanh điện hàng đầu trong EVN với hệ thống quản trị tiên tiến, hiệu quả dựa trên nền tảng văn hóa chuẩn mực và nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số có văn hóa mạnh, chắc chắn EVNNPC đã có những bước chuẩn bị về nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi đã xây dựng đề án Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực EVNNPC giai đoạn 2021-2025 đến 2030 tầm nhìn 2045 với các nhiệm vụ xây dựng hệ thống quản trị phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa.

Cụ thể gồm: chuẩn hoá theo khung năng lực từng nhóm vị trí chức danh; Chuyên nghiệp hoá thông qua việc xây dựng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc trở thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao của ngành Điện và cả nước; Số hoá để phù hợp với các nghiệp vụ số hoá, chuyển đổi số. EVNNPC xác định, phát triển nguồn nhân lực trên nền tảng văn hoá số dựa trên các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.

Hiện tại, đã có một số chương trình cụ thể đi vào thực hiện như tăng cường đào tạo nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, triển khai thực hiện đề án thu hút nhân lực CNTT chất lượng cao, chương trình đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, đào tạo bồi huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu trong quá trình chuyển đổi số của Tổng công ty…

Đặc biệt, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ để có khả năng tham gia các chương trình đào tạo và làm việc độc lập với đối tác nước ngoài thông qua xây dựng các bài giảng trên hệ thống Elearning.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Lê Hoa (Thực hiện)