Ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Đầu năm 2019, Tổng Cục Quản lý thị trường sẽ ra mắt cổng thông tin điện tử riêng và dự kiến mỗi Cục Quản lý thị trường địa phương sẽ có trang điện tử riêng kết nối với trang điện tử của Tổng cục để cập nhật thông thông tin hàng ngày.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm ổn định kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin và thông tin truyền thông.
Theo ông Trần Hữu Linh, mặc dù mới thành lập được tròn 2 tháng nhưng Tổng cục Quản lý thị trường vẫn ưu tiên hàng đầu việc kiện toàn tổ chức cán bộ.
Vì vậy, mới đây Thường trực Ban Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương đã đồng ý xây dựng mô hình Đảng bộ của Tổng cục Quản lý thị trường.
Đáng lưu ý, Tổng cục đã cùng với các tỉnh ủy địa phương xây dựng quy chế phối hợp, kiện toàn công tác Đảng để hướng tới bổ nhiệm các vị trí của Tổng cục và địa phương một cách chính thức.
Song song với kiện toàn lực lượng, Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường địa phương cũng luôn quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bằng việc đào tạo, tấp huấn, hướng dẫn về các nghị định thông tư liên quan của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương.
Hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên, liên tục, đáp ứng sự thay đổi của tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng phát triển. Đặc biệt, Tổng cục sẽ đưa ra những kế hoạch cụ thể ngắn hạn, dài hạn trong thời gian tới về đào tạo.
Ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, ông Trần Hữu Linh cũng cho rằng lực lượng quản lý thị trường phải có công cụ làm việc chuyên nghiệp hơn.
Bởi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là tại các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Vì vậy, nếu chỉ sử dụng các phương tiện làm việc truyền thống thì việc xử lý phát hiện sẽ khó đạt hiệu quả cao.
Ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra việc ngay như báo cáo tài liệu bằng văn bản giấy nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, chỉ đạo điều hành chưa được như mong muốn.
Do đó, lực lượng quản lý thị trường cần phải thay đổi trong hình thức thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nên sự đột phá, nhanh chóng, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành thực thi.
Riêng về vấn đề xây dựng hoàn thiện hạ tầng pháp lý, ông Trần Hữu Linh cũng chia sẻ, việc xây dựng hạ tầng pháp lý, các chế tài quy phạm pháp luật cho lực lượng quản lý thị trường là rất lớn, phức tạp chồng chéo.
Chính vì thế, Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan đã và đang tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa lại các nghị định, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thực thi.
Chẳng hạn như Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được lùi việc trình Chính phủ vào Quý II/2019 để lực lượng quản lý thị trường và Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cùng nhìn lại, sửa đổi các quy định trong văn bản.
Ngoài ra, Nghị định 67/2017/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh dầu và khí… cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, năm 2019 được xác định sẽ là năm rất "nặng” đối với lực lượng quản lý thị trường.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định đây là việc làm mang tính nền tảng cho việc thực thi pháp luật của lực lượng quản lý thị trường, đòi hỏi các văn bản phải rõ ràng và không chồng chéo.
Đặc biệt, nhằm tạo ra được mạng lưới thông tin từ trung ương đến địa phương để có sự phối hợp, tuyên truyền về hoạt động của lực lượng, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh yêu cầu các địa phương cần phải quan tâm đến truyền thông.
Bởi nếu xảy ra các vụ việc cấp bách, truyền thông cần được chia sẻ kịp thời, đúng pháp luật để người tiêu dùng nắm bắt chính xác thông tin và tạo niềm tin vững chắc.