Tổng hợp giá dầu thực vật ngày 23/12/2013

Trong ngày 23/12, giá dầu cọ đã tăng ngày thứ ba liên tiếp lên mức cao nhất kể từ 12/12/2013 do đồng Ringgit Malaysia xuống giá tuần thứ 9 liên tiếp.

Giá dầu cọ đã tăng ngày thứ ba liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần do đồng Ringgit Malaysia giảm giá, khiến giá các mặt hàng được định giá bằng đồng Ringgit, trong đó có dầu cọ sẽ rẻ hơn. Qua đó, giúp gia tăng khả năng xuất khẩu dầu cọ của Malaysia sẽ tăng lên. Malaysia hiện là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới.

Giá dầu cọ giao tháng 3/2014 trên Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives đã tăng 1,3% lên mức 2.617 Ringgit (795 USD)/tấn – xác lập mức giá cao nhất kể từ ngày 12/12/2013. Trong tuần từ ngày 16 – 20/12, giá dầu cọ giao tương lai đã tăng 0,9%. Đây cũng là mức tăng giá theo tuần cao nhất kể từ ngày 22/11/2013.

Giá dầu cọ tăng lên nhờ việc đồng Ringgit Malaysia giảm giá tuần thứ 9 liên tiếp – mạch giảm giá dài nhất của đồng tiền này trong vòng 8 năm trở lại đây. Nguyên nhân, thị trường lo ngại dòng vốn chảy vào thị trường Malaysia sẽ chậm lại trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế.

Trong ngày 20/12, hãng giám định thương mại Intertek đã cho biết, lượng dầu cọ xuất khẩu của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 12/2013 chỉ đạt 883.575 tấn, thấp hơn 12% so với cùng kỳ tháng 11/2013.

Bà Arhune Tan, chuyên gia phân tích tại Alliance Investment Bank Bhd (Malaysia) đã nhận định việc đồng Ringgit yếu sẽ khiến giá dầu cọ trở nên hấp dẫn hơn. Tổng sản lượng dầu cọ của Malaysia có thể đạt từ 1,75 triệu đến 1,8 triệu tấn trong tháng 12/2013, giảm so với mức 1,86 triệu tấn trong tháng 10/2013.

Theo ông Faiz Achmad, giám đốc lương thực tại Bộ Công nghiệp Indonesia, Indonesia sẽ tiếp tục giữ nguyên mức thuế xuất khẩu dầu cọ tại mức 12% trong tháng 1/2014, Indonesia cũng nâng mức giá cơ sở để tính thuế đối với dầu cọ thô lên mức 856,46 USD/tấn. Indonesia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Trong một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank công bố vào ngày 15/11, sản lượng dầu cọ của Indonesia được dự báo sẽ giảm thấp và giá dấu cọ có khả năng tăng thêm 8%. Hãng tư vấn hàng hóa BNP Paribas SA dự báo giá dầu cọ có thể tăng lên mức 2.800 Ringgit (867 USD)/tấn trong quý I/2014.

Giá dầu đậu nành giao tháng 3/2014 trên sàn CBOT (12 - 20/12)

Giá dầu đậu nành giao tháng 3/2014 tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã biến động nhẹ tại mức 39,77 cents/pound (0,454 kg); giá đậu nành trên sàn CBOT cũng biến động nhẹ tại mức 13,3175 USD/giạ (27,2 kg).

Trong ngày 29/11, ông Thomas Mielke, giám đốc điều hành hãng nghiên cứu Oil World, đã cho biết, giá đậu tương có thể giảm xuống còn 11,50 USD/giạ (1 giạ đậu tương = 27,2 kg) vào tháng 6/2014; giảm khoảng 13% so với mức giá hiện tại. Việc giá đậu tương sụt giảm sẽ giúp dầu đậu nành trở nên hấp dẫn hơn so với dầu cọ.

Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên sàn DCE (12 - 20/12)

Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên – Trung Quốc (DCE) đã giảm 0,4% xuống còn 6.022 NDT (992 USD)/tấn. Giá dầu đậu nành trên sàn DCE biến động nhẹ tại mức 6.964 NDT/tấn.

Đặng Quang - Vi Thu (Tổng hợp)