Tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 2.890,2 nghìn tỷ đồng

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao

Theo Bộ Công Thương, do thời tiết đang vào mùa nắng nóng, nhu cầu đối với một số nhóm hàng thực phẩm giảm, nhu cầu các mặt hàng đồ gia dụng làm mát tăng, mức sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng.

Bên cạnh đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm giá có xu hướng ổn định, riêng mặt hàng thịt lợn do lo ngại nguồn cung sụt giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số tỉnh, nguồn cung thịt lợn từ chăn nuôi nông hộ giảm nên giá tăng nhẹ.

Nhóm hàng nguyên liệu và năng lượng chịu ảnh hưởng của giá thế giới trước các biến động của các vấn đề chính trị và thương mại giữa các nước lớn nên có biến động tăng giảm đan xen. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 2.890,2 nghìn tỷ đồng
Riêng mặt hàng thịt lợn do lo ngại nguồn cung sụt giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số tỉnh, nguồn cung thịt lợn từ chăn nuôi nông hộ giảm nên giá tăng nhẹ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng giảm nhẹ (0,1%) so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 9,5% nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, (cùng kỳ năm 2023 tăng 12,3%), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 45,1%.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.998,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 15,5%.

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 9,5%; Cần Thơ tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 8,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,8%; Hà Nội tăng 6,7%.

Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát.

Đồng bộ giải pháp ổn định, phát triển thị trường trong nước

Mặc dù vậy đạt được kết quả như vậy nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Để ổn định, phát triển thị trường trong nước cũng như hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ triển khai các nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 2.890,2 nghìn tỷ đồng
Ngành Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ ba, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.

Thứ tư, phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Thứ năm, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Thứ sáu, phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).

Huyền My