Tổng quan thị trường gạo quốc tế tháng 1/2014

Kết thúc tháng 1/2014, chỉ số giá gạo trắng Oryza đã tăng 2 USD/tấn so với tháng 12/2013 lên mức 464 USD/tấn, tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn 19 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Trong số các loại

Theo một báo cáo của Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), mức sản lượng và tiêu thụ gạo trên toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức gần bằng nhau, với mức tăng trung bình 0,8% và 1% trong vòng 5 năm tới (2018/19). IGC cũng cho biết lượng gạo dự trữ trên toàn cầu sẽ tiếp tục nằm ở mức dồi dào trong khoảng thời gian 5 năm nữa; tỷ lệ gạo dự trữ / sử dụng được dự báo sẽ giảm nhẹ từ mức 23% trong niên vụ 2013/14 xuống mức 21% trong niên vụ 2018/19. Lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên với tốc độ trung bình đạt 2,5% / năm trong giai đoạn từ niên vụ 2013/14 đến niên vụ 2018/19 do nhu cầu sử dụng gạo tại Châu Á tăng lên. 

Chỉ số giá gạo trắng Oryza (1/6/2011 - 1/2/2014) (Nguồn: Oryza.com)

Thái Lan

Kết thúc tháng 1/2014, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt 440 USD/tấn, tăng 4% so với mức 425 USD/tấn trong tháng 12/2013 nhưng vẫn thấp hơn 21% so với mức 555 USD/tấn vào hồi tháng 1/2013.

Ủy ban chính sách lúa gạo quốc gia Thái Lan đã quyết định chấm dứt chương trình trợ giá thu mua lúa gạo cho nông dân nước này vào cuối tháng 2/2014. Chính phủ lâm thời Thái Lan đã lên kế hoạch mở một phiên đấu giá vào đầu tháng 2/2014 nhằm bán 400.000 tấn gạo thuộc nhiều phẩm cấp khác nhau tại mức giá trung bình dựa trên giá gạo toàn cầu. Tuy nhiên, phiên đấu giá này đã bị trì hoãn. Theo trang oryza.com, phiên đấu giá gạo này có nhiều khả năng sẽ được mở bán vào trung tuần tháng 2/2014.

Trang oryza.com cũng cho biết, Chính phủ Thái Lan đã bán được 1 triệu tấn gạo trong tháng 1/2014. Trong đó, 800.000 tấn gạo đã được bán cho các công ty tư nhân có đơn đặt hàng xuất khẩu gạo và 110.000 tấn gạo được bán thông qua Sàn giao dịch nông sản tương lai Thái Lan.

Một phát ngôn viên của Cơ quan quản lý lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã cho biết, Philippines có thể sẽ xem xét mua gạo của Thái Lan nếu Chính phủ Thái Lan tái lập thỏa thuận cung cấp gạo với của Thái Lan với Philippines, thỏa thuận này vốn đã hết hiệu lực trong năm 2013.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đang tiếp tục giảm năm thứ hai liên tiếp, đạt khoảng 6,6 triệu tấn trong năm 2013, giảm 5% so với mức 6,9 triệu tấn trong năm 2012 và giảm 17% so với mức 8 triệu tấn được Chính phủ Thái Lan đề ra. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) và Bộ Thương mại Thái Lan đã lần lượt đưa dự báo lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2014 ở mức 7,5 triệu tấn và 8 triệu tấn.

Ấn Độ

Giá gạo 5% tấm Ấn Độ đã đạt mức 415 USD/tấn vào cuối tháng 1/2014, tăng 1 USD/tấn so với tháng 12/2013, thấp hơn 3% so với mức cao kỷ lục 430 USD/tấn vào tháng 1/2013.

Mức giá bán buôn gạo tại Ấn Độ trong tháng 1/2014 chỉ đạt 446 USD/tấn (theo tỷ giá hiện tại), giảm 4% so với mức 473 USD/tấn (theo tỷ giá tại thời điểm ghi nhân) trong tháng 12/2013. Nhưng mức giá này vẫn cao hơn 1% so với mức 523 USD/tấn (theo tỷ giá tại thời điểm ghi nhận) vào tháng 1/2013.

Trang oryza.com cho biết, giá gạo xay xát tại Ấn Độ có thể tăng lên đáng kể khi Bộ Tài chính Ấn Độ loại bỏ gạo xay xát ra khỏi mục “sản xuất nông nghiệp” do đó gạo xay xát sẽ phải chịu mức thuế dịch vụ 12,36%.

Theo USDA, dự kiến Ấn Độ sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2014, xác lập năm thứ ba liên tiếp Ấn Độ đạt danh hiệu này. Trong năm 2013, Ấn Độ có thể đã xuất khẩu được 10,5 triệu tấn gạo. USDA cũng cho biết, mặc dù sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm 2014 có thể giảm nhẹ nhưng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2014 có khả năng chiếm tới 25% mức 40,2 triệu tấn - tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu. Sản lượng gạo trong niên vụ 2013/14 của Ấn Độ được USDA dự báo đạt 103 triệu tấn, giảm 2% so với mức 105,3 triệu tấn trong niên vụ 2011/12. Mức tiêu thụ gạo trong nội địa Ấn Độ được dự báo sẽ tăng thêm 2% từ mức 93,3 triệu tấn trong niên vụ 2011/12 lên mức 95 triệu tấn trong niên vụ 2013/14.

Pakistan

Kết thúc tháng 1/2014, giá gạo 5% tấm Pakistan đạt 395 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 12/2013 và giảm 7% so với cùng kỳ năm 2013.

Hiện Pakistan đang nỗ lực gia tăng lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vào đầu tháng 1/2014, một phái đoàn thuộc Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) đã đến thăm Trung Quốc nhằm khai phá tiềm năng gia tăng xuất khẩu gạo giữa hai quốc gia. Theo các quan chức Chính phủ Pakistan, Pakistan đã có hiệp định thương mại tự do và trao đổi tiền tệ với Trung Quốc. Phó chủ tịch REAP đã cho biết, lượng gạo được Pakistan xuất khẩu vào Trung Quốc được dự kiến sẽ tăng lên mức 0,7 đến 1 triệu tấn trong năm tài chính 2013/14 (7/2013 – 6/2014), tăng 19% -70% so với mức 589.277 tấn trong năm tài chính 2012/13.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu gạo Pakistan cũng đang kỳ vọng lượng gạo nâu xuất khẩu vào khu vực Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tăng lên đáng kể do việc thực thi Hệ thống ưu đãi thuế quan (GSP) tạo điều kiện cho các quốc gia đang phát triển tiếp cận thị trường EU thông qua việc giảm mức thuế quan. Theo đại diện của REAP, tính từ tháng 7/2013 đến nay, Pakistan đã xuất khẩu được 52.000 tấn gạo vào thị trường EU. Pakistan hiện có thể xuất khẩu thêm 250.000 tấn gạo nâu nữa theo diện không chịu thuế vào EU.

Campuchia

Giá gạo 5% tấm Campuchia đã đạt mức 455 USD/tấn vào cuối tháng 1/2013, giảm 2% so với hồi tháng 12/2013.

Trong tháng 1/2014, Campuchia đã xuất khẩu được 21.536 tấn gạo, giảm 16% so với mức 25.726 tấn vào cùng kỳ năm 2013. Trong năm 2013, Thái Lan đã là quốc gia lớn thứ 6 nhập khẩu gạo từ Campuchia, tuy nhiên, trong tháng 1/2014, Thái Lan đã không nhập khẩu gạo từ Campuchia.

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, Campuchia sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015. Tuy nhiên, trang oryza.com cho biết, mục tiêu này đang gặp nhiều trở ngại lớn do hệ thống cơ sở hạ tầng của Campuchia vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu trên. Trong năm 2013, Campuchia đã xuất khẩu được 380.000 tấn gạo.

Hiện có các dấu hiệu cho thấy Campuchia có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của mình – khu vực EU. Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp gạo trong khu vực, Chính phủ Italy đã đề nghị Liên minh Châu Âu ngừng áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0% đối với các quốc gia đang hưởng ưu đãi từ hiệp định EBA (Everything but arms) như: Campuchia và Myanmar. Italy hiện là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất EU.

USDA ước tính sản lượng gạo của Campuchia trong niên vụ 2013/14 sẽ đạt 4,9 triệu tấn, tăng 6,5% so với mức 4,6 triệu tấn trong niên vụ 2012/13.

Châu Phi

Nigeria hiện đang xem xét lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu gạo vào năm 2015. Tuy nhiên các nhà kinh doanh gạo Nigeria đã kêu gọi Chính phủ Nigeria hoãn lệnh cấm nói trên cho đến năm 2019. Chính phủ Nigeria đã nâng cao mức thuế nhập khẩu gạo kể từ đầu năm 2013. Một số nông dân và các nhà xay xát gạo tại Nigeria đã cho biết việc nâng thuế này đã khiến tình trạng buôn lậu gạo tại Nigeria gia tăng mạnh. Sản lượng gạo đã được xay xát của Nigeria có khả năng sẽ tăng 29% từ mức 2,4 triệu tấn trong năm 2013 lên mức 3,1 triệu tấn trong năm 2014. Tuy nhiên, USDA cho biết, lượng gạo được Nigeria nhập khẩu trong năm 2014 có khả năng vẫn được giữ ngang bằng mức trong năm 2013, đạt 2,9 triệu tấn nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu thụ gạo tại Nigeria; hàng năm, Nigeria tiêu thụ đến 6 triệu tấn gạo.

Trang oryza.com cho biết, Hiệp hội các nhà nhập khẩu và kinh doanh gạo Ghana – Bờ Biển Ngà (GISA) đang thuyết phục Chính phủ Gahna gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gạo từ quốc gia láng giềng Bờ Biển Ngà; lệnh cấm này được thi hành từ tháng 1/2014. GISA cho biết lệnh cấm trên sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu gạo. Ngoài ra, GISA nhận định lệnh cấm nhập khẩu gạo đã khiến nguồn cung gạo giảm xuống , nguyên nhân chính khiến giá gạo tại Ghana tăng thêm 20 – 25% kể từ khi lệnh cấm được áp dụng.

Trung Quốc

Theo Tổng cục hải quan Trung Quốc (CGA), Trung Quốc đã nhập khẩu 2,24 triệu tấn gạo trong năm 2013, giảm 5% so với mức 2,36 triệu tấn trong năm 2012 – theo ước tính của Trung tâm thông tin ngũ cốc và dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC).

USDA dự báo lượng gạo được Trung Quốc nhập khẩu có thể tăng lên mức 3,4 triệu tấn trong năm 2013/14. USDA ước tính mức tiêu thụ gạo nội địa Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 ước đạt 146 triệu tấn, tăng 14% so với mức 144 triệu tấn trong niên vụ 2012/13.

Sản lượng gạo của Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 có khả năng sẽ giảm 10,5% từ 143 triệu tấn trong niên vụ 2012/13 xuống còn 141, 5 triệu tấn trong niên vụ 2013/14 do điều kiện thời tiết bất lợi.

Philippines

Sản lượng thóc của Philippines trong năm 2013 đạt 18,44 triệu tấn, tăng 2% so với mức 18,03 triệu tấn trong năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 1,56 triệu tấn tương đương 8% so với mức 20 triệu tấn theo chương trình đảm bảo lương thực của Chính phủ Philippines.

Sản lượng gạo của Philippines trong giai đoạn từ tháng 1 – 6/2014 được dự báo đạt 8,43 triệu tấn (4,53 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 – 3/2014 và 3,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 4 – 6/2014), tăng 5,4% so với mức ước tính 7,99 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2013. Tính đến ngày 1/12/2013, tổng lượng gạo dự trữ của Philippines đã đạt 2,49 triệu tấn, giảm 5% so với mức 2,62 triệu tấn vào cùng kỳ năm 2012. Chính phủ Philippines hiện đang chuẩn bị chuyển trọng tâm từ việc đảm bảo tự cung tự cấp gạo sang khuyến khích nông dân trồng các loại cây thay thế, cây trồng có giá trị cao.

Theo phát ngôn viên của Cơ quan quản lý lương thực quốc gia Philippines (NFA), Philippines có thể sẽ cân nhắc việc mua gạo từ Thái Lan nếu như Chính phủ Thái Lan ký mới hiệp định cung cấp gạo với Philippines; hiệp định này đã hết hạn trong năm 2013.