Thị trường gạo thế giới tuần từ 3 - 7/2/2014

Trong tuần từ 3/2/2014 - 7/2/2014, thị trường gạo thế giới đã có một số tin tức nổi bật như sau.

Kết thúc tuần trước (3 – 7/2), chỉ số Oryza White Rice Index – chỉ số đo lường mức giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu đã đạt 463 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với một tuần trước đó. Nhưng vẫn cao hơn 3 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước; giảm 27 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu (1/6/2011 - 1/2/2014)
Theo Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2014 sẽ tăng thêm 4% tương đương 1,3 triệu tấn so với năm 2013. Do lượng gạo được các quốc gia vùng Viễn Đông thuộc Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Băng-la-đét, Nhật Bản và Malaysia được dự báo sẽ tăng 15% so với năm 2013. Trang oryza.com nhận định nếu tình hình chính trị tại Thái Lan ổn định đủ lâu thì đây sẽ là cơ hội tốt để Thái Lan giải phóng kho gạo khổng lồ của mình.

Trang oryza.com cho biết Ấn Độ cũng đang là một ẩn số lớn đối với tình hình mậu dịch gạo trên thế giới. Hiện có hai rủi ro chính ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ:1) tình hình thời tiết bất lợi tác động xấu đến sản lượng gạo, 2) áp lực phải giảm trợ cấp đối đối với nông nghiệp. Trợ cấp nông nghiệp đang giúp Ấn Độ gia tăng sản lượng và xuất khẩu gạo, lúa mỳ ở mức kỷ lục.

Thái Lan

Giá gạo 5% tấm Thái Lan xuất khẩu vào ngày 9/2 đã đạt mức 440 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước, tăng khoảng 20 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 115 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đã dự báo lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2014 chỉ tăng 0,9% so với năm 2013, đạt 7,5 triệu tấn, trị giá 4,5 tỷ USD. Con số này thấp hơn so với mức 8 triệu tấn được Bộ Thương mại Thái Lan dự báo và mức 8,5 triệu tấn theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Một số nhà xuất khẩu gạo Thái Lan không tin rằng lượng gạo xuất khẩu của nước này sẽ tăng nhiều như thế và dự báo lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng đủ để cạnh tranh đối với các quốc gia xuất khẩu truyền thông như Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia xuất khẩu mới nổi như Myanmar và Campuchia. Trong năm 2013, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, giảm 5% so với năm 2012.

Trong tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố hủy bỏ việc mua 1,2 triệu tấn gạo theo một thỏa thuận liên chính phủ với Thái Lan. Trang oryza.com cho biết, việc hủy bỏ mua hàng của Chính phủ Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo sang Trung Quốc của khối doanh nghiệp tư nhân Thái Lan.

Ấn Độ

Kết thúc tuần trước, giá gạo 5% tấm Ấn Độ đã đạt mức 415 USD/tấn – không đổi so với một tuần trước đó, tăng 10 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 25 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Theo số liệu của Cơ quan phát triển xuất khẩu các sản phẩm nông sản và thực phẩm đã qua chế biến, trong giai đoạn từ tháng 4 – 11/2013, Ấn Độ đã xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Xét về mặt giá trị, lượng gạo được Ấn Độ xuất khẩu trong giai đoạn nói trên đã đạt 4,884 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo USDA, lượng gạo được Chính phủ Ấn Độ mua vào trong niên vụ 2013/14 (10/2013 – 9/2014) có thể chỉ đạt 32 triệu tấn, giảm 6% so với niên vụ 2012/13. Tính đến ngày 7/2, diện tích gieo trồng lúa gạo vụ đông (rabi) của Ấn Độ đã đạt 2,6 triệu ha, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2013.

Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) đã tuyên bố Ấn Độ có thể sản xuất tới 1,5 triệu tấn dầu cám gạo, trong khi đó, sản lượng dầu cám gạo hiện tại của Ấn Độ chỉ đạt 900.000 tấn. Tổng sản lượng dầu cám gạo trên toàn cầu đạt 1,2 triệu tấn, trong đó sản lượng từ Ấn Độ chiếm tới 75%. Thái Lan và Nhật Bản hiện đang quan tâm đến việc nhập khẩu dầu cám gạo từ Ấn Độ nhưng quy định của Ấn Độ không cho phép xuất khẩu dầu ăn với khối lượng lớn.

Philippines

Cơ quan quản lý lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã bắt đầu nhận đơn nhập khẩu từ các nhà nhập khẩu gạo tư nhân cho việc nhập khẩu 163.000 tấn gạo được xay xát kỹ đến từ các quốc gia; Thái Lan (98.000 tấn), Ấn Độ (25.000 tấn), Trung Quốc (25.000 tấn) và Australia (15.000 tấn). Việc nhập khẩu này được Philippines thực hiện theo cam kết về Khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) – hạn ngạch quốc gia đặc biệt (CSQ) năm 2014.

Trang oryza.com cho biết, Chính phủ Philippines sẽ chuyển mục tiêu từ tự cung tự cấp sang gieo trồng các loại cây có giá trị cao. Điều này khiến một số người lo ngại tình trạng buôn lậu gạo tại nước này và lượng gạo được nhập khẩu sẽ gia tăng cao hơn. Theo Cục thống kê nông nghiệp Philippines, mức giá trung bình gạo nội địa của Philippines trong năm 2013 cao hơn từ 4 – 5% so với năm 2012.

Các thị trường khác

Pakistan: Kết thúc tuần từ ngày 3 – 7/2, giá gạo 5% tấm của Pakistan đã được giữ không đổi so với một tuần trước đó, đạt 395 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Myanmar: Myanmar đã tuyên bố sẽ xuất khẩu 6.000 tấn gạo sang Nhật Bản vào tháng 5/2014; quốc gia này hiện đang cố gắng đẩy mạnh việc xuất khẩu loại gạo chất lượng cao vào thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Phi và Liên minh Châu Âu.

Đặng Quang (Theo oryza.com)