Thị trường gạo thế giới tuần từ 6/1/2014 - 10/1/2014

Trong tuần từ 6/1/2014 - 10/1/2014, thị trường gạo thế giới đã có một số tin tức nổi bật như sau.

 

Chỉ số giá gạo trắng trên thế giới (Nguồn: oryza.com)

Bảng giá gạo một số quốc gia chính trên thế giới (Nguồn: oryza.com)

Thái Lan

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trong 11 tháng đầu năm 2013, Thái Lan đã xuất khẩu được 5,9 triệu tấn gạo, trị giá đạt 3,97 tỷ USD. Tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong cả năm 2013 được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 6,4 triệu tấn, thấp hơn 24% so với mức mục tiêu 8,5 triệu tấn được đề ra trước đó.

Văn phòng kinh tế nông nghiệp Thái Lan (OEA) đã dự báo sản lượng thóc vụ chiêm (giai đoạn từ tháng 1 – tháng 6/2014) của Thái Lan sẽ chỉ đạt khoảng 8,47 triệu tấn – giảm 21% so với cùng kỳ năm 2013 và đây cũng là mức sản lượng thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Do cây trồng chịu tác động từ các đợt hạn hán trong thời kỳ gieo trồng dẫn đến năng suất kém. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Thái Lan thay đổi chính sách trợ giá thu mua lúa gạo đối với nông dân Thái Lan đã khiến người nông dân thu hẹp diện tích trồng lúa gạo. Tổng sản lượng thóc trong niên vụ 2013/14 của Thái Lan được OEA ước tính đạt 36,8 triệu tấn, giảm 3,5% so với niên vụ 2012/13. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thóc của Thái Lan trong niên vụ 2013/14 ước đạt 31 triệu tấn.

Chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ Thái Lan hiện đang gặp áp lực tài chính nặng nề. Ngân hàng nông nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC) đã từ chối cho phép Chính phủ Thái Lan sử dụng khoản tiền dư thừa của ngân hàng này để thanh toán tiền mua thóc gạo cho người nông dân. Nhiều người nông dân Thái Lan đã phải chờ đợi hàng tháng để nhận tiền thanh toán mua thóc gạo của Chính phủ Thái Lan. Sau khi các cuộc biểu tình của nông dân Thái Lan nổ ra, Bộ trưởng Bộ tài chính Thái Lan đã phải hứa sẽ chi trả tiền thanh toán cho nông dân chậm nhất đến ngày 15/1/2014.

Ủy ban nông nghiệp và các hợp tác xã thuộc Thượng viện Thái Lan đang khuyến khích Chính phủ Thái Lan tạm dừng ngay lập tức chương trình trợ giá thu mua lúa gạo trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang hứng chịu các cáo buộc về tham nhũng và tình trạng bất ổn xã hội lan rộng. Tuy nhiên, ông Pichai Nariptaphan, một chuyên gia thuộc ban kinh tế của đảng Pheu Thái, đã tái khẳng định đảng Pheu Thái sẽ không chấm dứt chương trình trợ giá thu mua lúa gạo.

Chính phủ Thái Lan hiện lên kế hoạch bán 150.000 tấn gạo thuộc mùa vụ mới (gồm gạo thơm Hommali và gạo 5% tấm trắng) thông qua Sàn giao dịch nông sản tương lai Thái Lan, các cuộc đấu thầu mua gạo có thời hạn đến ngày 15/1/2014.

Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đang giảm tốc độ thu mua gạo từ nông dân trong năm 2014; chỉ có 16,36 triệu tấn gạo được Chính phủ Ấn Độ mua vào kể từ tháng 10/2013. Con số này giảm 8% so với cùng kỳ năm 2012, với tốc độ thu mua hiện tại, Chính phủ Ấn Độ sẽ khó có khả năng đạt mục tiêu thu mua 34,5 triệu tấn gạo cho đến tháng 9/2014. Việc Chính phủ Ấn Độ giảm tốc độ thu mua gạo đã buộc các nhà máy xay xát gạo tại nước này chỉ hoạt động với 50% công suất.

Diện tích gieo trồng lúa gạo vụ Rabi (vụ đông) của Ấn Độ đã tăng 30% so với năm trước, đạt 725.000 ha. Xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 4 triệu tấn trong năm tài chính 2013/14, tăng 12,5% so với năm trước. Nguyên nhân chính do nhu cầu nhập khẩu gạo của Iran tăng lên. Iran hiện là bạn hàng nhập khẩu gạo basmati chính của Ấn Độ. Trong niên vụ 2012/13, Iran đã nhập khẩu tới 32% tổng lượng gạo basmati được Ấn Độ xuất khẩu.

USDA dự báo tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2013 đạt 10,9 triệu tấn.

Pakistan

Các đại diện thuộc Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) đã đến thăm Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Pakistan vào thị trường Trung Quốc. Trong năm tài chính 2012/13, Pakistan đã xuất khẩu được 589.276 tấn gạo sang Trung Quốc, chiếm 19% tổng lượng gạo xuất khẩu 3,1 triệu tấn của Pakistan.

Theo REAP, trong 4 tháng đầu tiên (tháng 7 – tháng 10/2013) thuộc năm tài chính 2013/14 của Pakistan, Pakistan đã xuất khẩu được 173.076 tấn gạo basmati và 564.103 tấn gạo loại khác. Tốc độ xuất khẩu gạo hàng tháng của Pakistan hiện đạt khoảng 184.000 tấn/tháng, giảm 37% so với mức 290.000 tấn/tháng - tốc độ trung bình năm 2012. Nguyên nhân, nhu cầu nhập khẩu các loại gạo không thuộc nhóm gạo basmati từ Pakistan của Trung Quốc giảm xuống và nhu cầu nhập khẩu gạo basmati từ Pakistan của Iran cũng giảm xuống.

Các thị trường gạo khác

Philippines: Cơ quan hải quan Philippines đã đưa kế hoạch công bố số liệu nhập khẩu gạo hàng tháng của nước này trong nỗ lực cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trước các lời cáo buộc về việc nhập khẩu gạo lậu vào Philippines.

Nigeria: Các thương nhân kinh doanh gạo Nigeria đã yêu cầu Chính phủ Nigeria xem xét lại lệnh cấm nhập khẩu gạo vào năm 2015. Theo các thương nhân kinh doanh gạo Nigeria, nước này không đủ khả năng sản xuất gạo đáp ứng nhu cầu sử dụng do đó lệnh cấm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt gạo và đẩy mức giá gạo tăng mạnh. Các thương nhân kinh doanh gạo Nigeria đề xuất Chính phủ Nigeria lùi thời hạn lệnh cấm thêm 4 năm, đến năm 2019.

Indonesia: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia đã thông báo rằng sản lượng gạo của Indonesia trong năm 2014 sẽ tăng 8% so với năm 2013. Do đó Indonesia sẽ có khả năng không cần nhập khẩu trong năm 2014. Tuy nhiên, USDA đã không đồng tình với nhận định này và ước tính mức yêu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia sẽ tăng 50% lên mức 1,5 triệu tấn trong năm 2014.

Myanmar: Các cơn lũ và sâu bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động canh tác lúa gạo của Myanmar. Trang oryza.com dẫn lời các nguồn tin đia phương cho biết mùa vụ có thể giảm 40% so với năm ngoái. USDA vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng gạo của Myanmar ở mức 11 triệu tấn trong niên vụ 2013/14.

Bangladesh: Trong giai đoạn từ tháng 7 – 11/2013, lượng gạo được Bangladesh nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2012, đạt 49 triệu USD.

Ghana: Ghana đã nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu gạo thông qua biên giới, cho phép các nhà nhập khẩu gạo nước này thực hiện nhập khẩu gạo đối với các đơn hàng được thực hiện trước ngày 1/11/2013 – thời điểm lệnh cấm có hiệu lực.

Đặng Quang (Theo oryza.com)