Kết thúc tuần từ 30/12/2013 – 3/1/2014, chỉ số Oryza White Rice Index, đo lường giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu, đã đạt 461 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với tuần trước nhưng tăng 1 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 12/2013. So với cùng kỳ năm 2012, mức giá này đã giảm 13 USD/tấn.
Biểu đồ giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên thế giới (1/6/2011 - 1/12/2013) (Nguồn: oryza.com)Thái Lan
Giá gạo 5% tấm Thái Lan trong tuần vừa qua dao động quanh mức 420 USD/tấn, giảm khoảng 5 USD/tấn so với một tuần trước nhưng tăng 25 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 12/2013; giảm 130 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng Baht Thái Lan hiện được giữ ổn định quanh mức 32,75 Baht /USD.
Trong 11 tháng đầu năm 2013, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đã đạt 5,9 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2012. Hiệp hội các nhà đóng gói gạo Thái Lan (TRPA) dự báo giá gạo Thái Lan trong năm 2014 sẽ được giữ ngang bằng mức giá năm 2013. Tuy nhiên, trang oryza.com nhận đinh, nếu chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan bị ngừng lại thì giá gạo Thái Lan có thể sụt giảm mạnh nhằm giải phóng lượng gạo dự trữ khổng lổ hiện tại.
Trong vòng 2 năm qua, Chính phủ Thái Lan đã chi ra khoảng 680 tỷ Baht (tương đương 20,6 tỷ USD) nhằm mua vào 44 triệu tấn thóc gạo theo chương trình trợ giá thu mua lúa gạo. Nhưng kể từ khi bắt đầu chương trình này, Thái Lan chỉ thu về được 200 tỷ Baht (tương đương 6 tỷ USD) tiền bán gạo. Bên cạnh đó, mức giá thu mua gạo mà Chính phủ Thái Lan trả cho nông dân nước này cao hơn đáng kể so với giá thị trường. Điều này khiến Chính phủ Thái Lan phải đối mặt với những khoản thiệt hại tài chính, rủi ro đối với sự ổn định kinh tế và chính trị.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) dự báo lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2014 sẽ đạt 7,5 triệu tấn, tăng so với mức ước tính 6,6 triệu tấn trong năm 2013. Với mức độ lạc quan hơn, Vụ Ngoại thương Thái Lan dự báo lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2014 có thể vượt mức 8 triệu tấn. Cả TREA và Vụ Ngoại thương Thái Lan đều kỳ vọng nhu cầu sử dụng của Trung Quốc và Philippines trong năm 2014 tăng lên sẽ giúp gia tăng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan. Tuy nhiên, dựa trên lượng gạo dự trự hiện có và tỷ lệ xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Thái Lan khó có khả năng lấy lại vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, hiện đang thuộc về Ấn Độ. Ngoài ra, gạo Thái Lan đang phải chịu sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ gạo Việt Nam.
Ấn Độ
Trong ngày 3/1, giá gạo 5% tấm Ấn Độ đạt khoảng 405 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước, giảm 10 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 12/2013 và giảm 30 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng Rupee Ấn Độ hiện đạt khoảng 61,76 Rupee/USD.
Ấn Độ đã xuất khẩu được khoảng 9,6 triệu tấn gạo trong 11 tháng đầu năm 2013, tăng nhẹ 1% so với mức 9,5 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2012. Trang oryza.com cho biết, các nhà sản xuất gạo Ấn Độ hiện đang bán gạo cho các thương nhân tự do và các nhà máy xay xát gạo với giá thấp hơn mức trợ giá của Chính phủ Ấn Độ. Nguyên nhân, Chính phủ Ấn Độ hiện chậm thanh toán tiền mua gạo đối với nông dân và mức thu mua gạo từ Chính phủ Ấn Độ cũng giảm xuống.
Lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sang Nigeria đã giảm đáng kể trong năm 2013 do Nigeria áp đặt mức thuế suất thuế nhập khẩu gạo cao. Trong giai đoạn từ tháng 4 – tháng 9/2013, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sang Nigeria chỉ đạt 13,6 triệu USD, giảm mạnh so với mức 339,4 triệu USD trong cả năm tài chính 2012/13.
Pakistan
Kết thúc tuần từ 30/12/2013 – 3/1/2014, giá gạo 5% tấm Pakistan đạt 390 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tuần trước. Mức giá này cũng cao hơn 15 USD/tấn so với cùng kỳ tháng 12/2013 nhưng vẫn thấp hơn 25 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Đồng Rupee Pakistan hiện được giữ ổn định quanh mức 104,40 Rupee/USD. Pakistan đã bổ nhiệm một cao ủy tại Nam Phi để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng của Pakistan như: gạo, dệt may, dược phẩm, trái cây… sang Nam Phi.
Các thị trường khác
Ghana đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gạo qua đường bộ sau khi lệnh cấm này gây thiệt hại nặng nề cho các nhà nhập khẩu gạo và giới kinh doanh gạo của nước này.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng gạo được Indonesia nhập khẩu trong năm 2014 sẽ tăng lên mức 1,5 triệu tấn.