Thông tin từ Cục Quản lý Thị trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý Thị trường, của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Cục đã ban hành văn bản chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.
Cục Quản lý Thị trường TP.Hồ Chí Minh yêu cầu các Đội tập trung kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các giao dịch thương mại điện tử chào bán, quảng cáo thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng.
“Đặc biệt phải chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo...”, lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của Thành phố, tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố Thủ Đức, các Quận/Huyện triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, các đơn vị có liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong sử dụng nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm. Song song với công tác kiểm tra chuyên ngành, các Đội Quản lý thị trường Thành phố cũng tích cực tham gia các Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm và Đoàn liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm, gia súc tại các cửa ngõ ra vào thành phố góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm, các Đội Quản lý Thị trường đã kiểm tra 4.542 vụ chuyên ngành và phối hợp liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có 39 vụ vi phạm. Số lượng hàng hóa vi phạm tạm giữ gồm có 5.547 đơn vị sản phẩm và 1.414 kg thực phẩm các loại, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Đã xử phạt hành chính trên 340 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: hàng không hóa đơn chứng từ; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Điển hình, ngày 18/4/2023, Đội Quản lý Thị trường số 3 kiểm tra điểm kinh doanh tại địa chỉ 268/54 – 268/56 đường Hàn Hải Nguyên, Phường 9, Quận 11 phát hiện tại đây đang kinh doanh 500 kg hạt chia không có hóa đơn, chứng từ nên đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục xử lý theo quy định. Kết quả xử lý, phạt tiền 32,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Tiếp đến, ngày 20/4/2023, Đội Quản lý Thị trường số 4 kiểm tra Công ty TNHH USMART, tại địa chỉ: số 327 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1 phát hiện tại đây đang kinh doanh 565 đơn vị sản phẩm kẹo trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục xử lý theo quy định. Kết quả xử lý, phạt tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Ngày 9/5/2023, Đội Quản lý Thị trường số 7 kiểm tra Kho hàng Công ty TNHH MTV Nguyệt Hoa tại số 30/1 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7 phát hiện tại đây đang kinh doanh 550 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ nên đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục xử lý theo quy định. Kết quả xử lý, phạt tiền 35 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát thị trường trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, các tổ chức, cá nhân đã đảm bảo các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các Đội QLTT cũng tuyên truyền các quy định pháp luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, qua đó, người tiêu dùng đã am hiểu về an toàn thực phẩm, lựa chọn mua và sử dụng hàng hóa của các thương hiệu, cơ sở có uy tín trên thị trường
“Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, siết chặt nên hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm giảm”, Cục Quản lý Thị trường TP.Hồ Chí Minh thông tin.
Dù đã tăng cường kiểm tra giám sát, song, tình hình kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chủng loại hàng hóa đa dạng hơn gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong việc phát hiện và xử lý.
Thời gian tới, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Văn bản số 361/TCQLTT-CNV ngày 27/2/2022 của Tổng cục Quản lý Thị trường về việc triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023 và Kế hoạch 594/KH-QLTT ngày 14/3/2022 của Cục Quản lý Thị trường TP.Hồ Chí Minh về triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023 và chỉ đạo các Đội Quản lý Thị trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các các hành vi kinh doanh thực phẩm nhập lâu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.