Tại kỳ họp này, các Đại biểu chất vấn ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, về việc nâng cao chất lượng giáo dục, quy hoạch ngành, tự chủ tài chính trong hệ thống giáo dục, bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, quản lý bậc học mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình…
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn ông Sơn: theo thông tin của Sở GD-ĐT thì TP.HCM được Bộ GD-ĐT cho phép soạn bộ sách giáo khoa (SGK) riêng. Nhưng mới đây, Quốc hội có nghị quyết lùi lộ trình thực hiện chương trình SGK mới và giáo dục phổ thông. “Từ đây tôi xin đặt vấn đề là TP.HCM có được Bộ cho phép tiếp tục biên soạn SGK riêng hay không”, bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, việc Quốc hội lùi thời gian áp dụng SGK riêng là để đánh giá lại đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và đội ngũ quản lý. Như vậy, TP.HCM khi thực hiện SGK riêng có đảm bảo các điều kiện, tránh những hạn chế mà Quốc hội nêu khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và SGK riêng hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Sơn cho biết năm 2016, Bộ có công văn cho phép Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp để thực hiện bộ SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó với một nội dung chương trình, cho phép có nhiều bộ SGK ở địa phương để phù hợp đặc thù từng nơi, kể cả lịch sử, địa lý, văn hóa… Sở đã tiến hành công tác chuẩn bị. Hiện Bộ chưa có văn bản nào hủy bỏ việc cho phép TP.HCM biên soạn bộ SGK riêng.
Ông Sơn nhận định: TP.HCM có đầy đủ nhân lực và các chuyên gia, trí thức cao cấp để soạn bộ SGK riêng. Do đó, Sở phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tập hợp, bàn bạc đưa ra những nội dung biên soạn cho từng môn, phân môn, khung chương trình cũng như định hướng đổi mới giáo dục phổ thông…
Ông Sơn khẳng định thành phố đã chuẩn bị sẵn mọi dữ liệu để biên soạn bộ SGK mới. Ông Sơn cũng nhấn mạnh muốn hình thành một bộ SGK mới, ngoài sự đồng ý và phê duyệt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chắc chắn bộ sách này phải có trước chương trình phổ thông mới được ban hành chính thức theo khung chương trình để TP áp vào.
Kế hoạch triển khai bộ sách giáo khoa dành riêng cho thành phố, ông Lê Hồng Sơn cho hay, năm 2019, thành phố sẽ có bộ sách giáo khoa riêng, triển khai thí điểm trước. Sau đó, tiến hành đánh giá xong mới chính thức ban hành.