Ảnh minh họa: VGP/Thanh Thủy
Thông thường, một người dân sẽ nhận được trung bình từ 4-6 túi nylon từ các chợ, chiếm tỷ lệ cao nhất với 55,4%. Tỷ lệ này được giảm dần tại các nơi mua sắm khác như siêu thị 27,1% và cửa hàng tiện lợi 17,4%.Tình trạng sử dụng túi nylon nhiều không chỉ đem lại những tác hại về ô nhiễm môi trường sinh thái chung mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gia tăng mức độ ngập sâu, ngập lâu do túi nylon.
Khối lượng túi nylon trong rác thải không giảm nhiều vì hiện tại giá trị thu hồi túi nylon rất thấp nên các nhà máy tái chế nhựa không quan tâm. Mặt khác, do giá thành rẻ và thói quen sử dụng nên rất nhiều người dân, doanh nghiệp đã sử dụng. Vì vậy, mỗi ngày, trên địa bàn TPHCM vẫn còn khoảng 130-150 tấn túi nylon (trọng lượng ướt) được đưa đến bãi chôn lấp, chiếm 2% tổng lượng rác thải sinh hoạt.
Tại các kênh rạch tại Thành phố như rạch Bà Tiếng, Bà Lựu, Liên Xã (quận Bình Tân), rạch Bình Thái, Nhỏ, Cầu Miếu (quận Thủ Đức), kênh Ba Bò của Quận 10, Tân Phú… tình trạng túi nylon lẫn trong nguồn chảy của dòng nước đã gây nên tình trạng thoát nước chậm mỗi khi mưa to.
Chính vì vậy, TPHCM đã triển khai nhiều chương trình nhằm thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giảm sử dụng túi nylon, khuyến khích sử dụng các loại túi thân thiện môi trường, cùng với những nỗ lực phát động phong trào, tập huấn từ UBND các quận, huyện cũng như các chương trình được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng để tác động đến thay đổi thói quen của người dân trong việc giảm sử dụng túi nylon.
Kết quả ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tỷ lệ sử dụng loại túi nylon thân thiện môi trường khá cao, ở siêu thị chiếm 77,8% và cửa hàng tiện lợi chiếm 59,4%. Trong đó, loại túi nylon thân thiện môi trường chủ yếu là túi nylon chứa phụ gia phân hủy sinh học.
Tại các chợ và trung tâm thương mại tỷ lệ dùng túi nylon cũng đã có chiều hướng giảm. Hiện nay, lượng túi nylon thông thường khó phân hủy, ở chợ còn khoảng 92% so với năm 2011 là gần 100%, trung tâm thương mại là 71% so với năm 2011 là 85% trong tổng số túi nylon sử dụng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân huỷ trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, năm 2015 giảm 40% khối lượng túi nylon khó phân huỷ sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, giảm 20% khối lượng túi nylon khó phân huỷ sử dụng tại các chợ dân sinh, thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi nylon khó phân huỷ phát sinh trong sinh hoạt. Đến năm 2020, sẽ giảm 65% khối lượng túi nylon khó phân huỷ sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, giảm 50% khối lượng túi nylon khó phân huỷ sử dụng tại các chợ dân sinh và thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi nylon khó phân huỷ phát sinh trong sinh hoạt.