Trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam" do ThS. Lữ Vũ Lực (Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân hay tổ chức đã được nhiều quốc gia trên thế giới quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, tại Việt Nam, Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội. Bài viết tập trung nghiên cứu TNHS được quy định trong pháp luật của nước Anh, Canada, Hoa Kỳ, Úc (Australia), từ đó chỉ ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Từ khóa: pháp nhân thương mại phạm tội, trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại.

1. Khái niệm trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam

TNHS của pháp nhân là thuật ngữ được ghép bởi 2 yếu tố đó là TNHS (một loại trách nhiệm pháp lý) và pháp nhân. Theo đó “trách nhiệm” được hiểu đó là nghĩa vụ, bổn phận của chủ thể trước xã hội, nhà nước. Trong khoa học pháp lý, “trách nhiệm pháp lý” được hiểu đó là hậu quả pháp lý mà các chủ thể phải gánh chịu khi không thực hiện, thực hiện không đúng những quy định của pháp luật, của Nhà nước đã đặt ra. Trách nhiệm pháp lý bao gồm: TNHS, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật. Do đó, trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với sự cưỡng chế nhà nước, chế tài của nhà nước.

Pháp nhân được hiểu đó là một tổ chức có đầy đủ các điều kiện cần và đủ theo quy định của pháp luật, trong khoa học pháp lí, khái niệm pháp nhân đều được các nhà nghiên cứu xây dựng dựa trên cơ sở quy định về pháp nhân trong Bộ luật Dân sự, theo đó pháp nhân cần thỏa mãn 4 điều kiện: pháp nhân phải được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định của pháp luật; có tài sản riêng độc lập với tài sản của cá nhân, pháp nhân khác; có người đại diện hợp pháp, nhân danh pháp nhân tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Theo đó, pháp nhân được chia làm 2 loại: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Pháp nhân thương mai được hiểu là hình thức của pháp nhân, trong đó, pháp nhân thương mại lấy mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia đều cho các thành viên của pháp nhân.

Từ những phân tích nói trên, TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi thông qua các biện pháp cưỡng chế hình sự mà pháp nhân phải gánh chịu khi pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.

2. Trách nhiệm hình sự của một số quốc gia trên thế giới

2.1. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo pháp luật Anh

Nghiên cứu án lệ của Anh cho thấy, thời kì đầu TNHS của pháp nhân chỉ áp dụng đối với các tội phạm do lỗi vô ý được thực hiện dưới dạng không hành động. Việc buộc pháp nhân chịu trách nhiệm về loại tội phạm này sẽ không gặp khó khăn, vi phạm một tội như thế không đòi hỏi bằng chứng về lỗi (means rea) và cũng không đòi hỏi tội phạm phải được thực hiện dưới hình thức hành động[1]. Sau đó, các tòa án ở Anh dần dần buộc pháp nhân phải chịu TNHS với các tội gây thiệt hại cho cộng đồng cả trong trường hợp hành động và không hành động vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây hại cho cộng đồng.

Về phạm vi áp dụng TNHS, một số loại tội phạm mà pháp nhân có thể bị xét xử như: (1) Các tội gây nguy hại cho cộng đồng: Cản trở giao thông, hành vi buôn bán gây khó chịu cho người khác, bán thức ăn không thích hợp cho người tiêu dùng, vi phạm các quy định về môi trường...; (2) Các tội phỉ báng, bôi nhọ: Là các hành vi công bố bài viết, lời phát biểu có mục đích bôi nhọ, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của cá nhân người khác trong nhận thức hoặc suy nghĩ của các thành viên trong cộng đồng... (3) Tội coi thường Tòa án như: có các hành vi ngăn cản, có ý định ngăn cản việc thực hiện pháp luật của cơ quan Tòa án; dùng từ ngữ đe dọa, gây phiền phức tại phiên tòa; dùng lời nói tục tĩu vượt quá giới hạn. Một số tội phạm do có những đặc trưng riêng nên pháp nhân không thể thực hiện được và pháp luật cũng không xác định TNHS của pháp nhân như một số các tội xâm phạm tình dục, tội vi phạm chế độ một vợ một chồng hay các tội đòi hỏi yếu tố bạo lực trong hành vi khách quan thì cũng không áp dụng đối với pháp nhân.

Về hình phạt, do sự phát triển mạnh của hình phạt tiền, nên pháp luật hình sự của Anh chỉ quy định tiền phạt là hình phạt duy nhất được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội.

2.2. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo pháp luật Canada

Cuối thế kỷ 19, tính cần thiết phải có quy định về xử lý đối với pháp nhân phạm tội được đặt ra ở Canada. Tiếp thu kinh nghiệm của Anh trong vấn đề TNHS của pháp nhân, trong thời kì đầu, các tòa án của Canada chỉ xử lý đối với pháp nhân phạm các tội xâm phạm tài sản, sau đó tiếp tục xử lý các tội phạm gây hại cho đời sống cộng đồng như: hành vi gây tiếng ồn, làm ô nhiễm công nghiệp, hủy hoại môi trường... và sau đó mở rộng phạm vi xử lý các pháp nhân phạm các tội phạm khác. Đến Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật năm 2003 có hiệu lực ngày 31/3/2004, thì chế định TNHS của pháp nhân trong Luật Hình sự Canada đã được hoàn thiện một cách cơ bản. Theo đó, TNHS đối với pháp nhân phạm tội trong BLHS Canada có một số điểm nổi bật sau:

Về chủ thể chịu TNHS là pháp nhân được quy định tại Điều 2 có phạm vi rất rộng, có thể là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, đảng phái chính trị, các nhóm, các pháp nhân theo luật công hoặc luật tư, các công ty, xí nghiệp, các nghiệp đoàn... hay nói cách khác, chủ thể ở đây có thể là các tổ chức hoặc cá thể có tư cách pháp nhân, hoặc có thể là các nhóm lợi ích, các hội, hiệp hội không có tư cách pháp nhân.

Về yếu tố lỗi, Điều 22 quy định pháp nhân phải chịu TNHS về một tội phạm do vô ý. Việc thực hiện hành vi do vô ý là do một hoặc một nhóm người trong pháp nhân thực hiện, nhưng những người này phải hành động trong khuôn khổ các chức năng của pháp nhân trong thời điểm phạm tội. Điều 22-2 quy định 3 trường hợp pháp nhân có thể bị xử lý hình sự mà nhận thức rõ được sự việc hoặc cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Đó là các trường hợp (1) một cán bộ cấp trên phạm tội để mang lại lợi ích trực tiếp cho pháp nhân, (2) cán bộ cấp trên có ý định để cấp dưới vô tội thực hiện hành vi vật chất nhằm thu lợi cho pháp nhân, (3) cán bộ cấp trên biết là những nhân viên dưới quyền thực hiện một tội phạm những người cán bộ này không hề làm gì để ngăn cản, bởi vì muốn pháp nhân được hưởng lợi từ việc phạm tội của các nhân viên này.

Về loại tội phạm pháp nhân phải chịu TNHS, theo Luật Hình sự phần chung (Droit pénal général) và các lĩnh vực của Luật Hình sự Phần các tội phạm (Droit pénal spécial) như: Luật Hình sự về thuế, môi trường, lao động, thương mại... thì nguyên tắc TNHS của pháp nhân được áp dụng đối với mọi tội phạm.

Về hình phạt, Luật Hình sự Canada chỉ đưa ra một loại hình phạt duy nhất cho pháp nhân phạm tội là phạt tiền. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân phạm tội, các Thẩm phán cần phải dựa vào các yếu tố nhất định được quy định để xác định mức phạt tiền áp dụng.

2.3. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo pháp luật Hoa kỳ

Trước thế kỷ XIX các học giả và Tòa án tại Mỹ đều không quy định TNHS của pháp nhân, bước sang thế kỷ XX trước những chuyển biến của xã hội, năm 1909 Tòa án tối cao Mỹ đã ra phán quyết xác nhận pháp nhân phải chịu TNHS[2]. Ở Mỹ có hai hệ thống pháp luật cùng song song tồn tại đó là hệ thống pháp luật liên bang và hệ thống pháp luật các tiểu bang, cả 2 hệ thống đều xác lập TNHS của pháp nhân. Theo Bộ luật liên bang, các quy định về các biện pháp xử lí hình sự đối với pháp nhân  tại Chương 27 (sentence) Title 18 Bộ luật liên bang và được hướng dẫn cụ thể tại Chương 8 (centencing of organizations) của Hướng dẫn kết án (centencing guidelines manual). Trong Bộ luật Hình sự mẫu có 02 điều luật quy định về TNHS của pháp nhân đó là Điều 2.07 và Điều 6.04, theo đó “pháp nhân có thể bị kết án về một tội nếu…” (truy cứu trách nhiệm hình sự) khi pháp nhân đó không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng nghĩa vụ mà pháp luật buộc thực hiện; hành vi phạm tội đó do sự cho phép, yêu cầu, mệnh lệnh của đại diện hợp pháp của pháp nhân. Hệ thống pháp luật Hoa kỳ quy định những căn cứ, điều kiện truy cứu TNHS của pháp nhân gồm 3 căn cứ: i) hành vi của đại diện pháp nhân, thay mặt pháp nhân và trong công việc của họ, đã vi phạm các quy định trong các luật (mà không phải BLHS) có thể là các quy định cấm mà trách nhiệm thuộc về pháp nhân; ii) hành vi không thực hiện một nghĩa vụ cụ thể mà pháp luật buộc pháp nhân thực hiện; iii) hành vi phạm tội do ban lãnh đạo hoặc đại diện quản lý cấp cao của pháp nhân thực hiện trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhân danh pháp nhân.

Với nguyên tắc đồng nhất hóa trách nhiệm, BLHS mẫu đưa ra 3 điều kiện để xác định pháp nhân phạm tội và phải chịu TNHS là:

1) Không thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định phải thực hiện.

2) Ban lãnh đạo hoặc người đại diện có thẩm quyền của pháp nhân, hiệp hội thực hiện hành vi trong giới hạn chức năng của mình, thay mặt cho pháp nhân, hiệp hội và vì lợi ích của pháp nhân, hiệp hội, nhưng đã sơ suất dẫn đến vi phạm điều cấm của luật hình sự.

3) Pháp nhân, hiệp hội đã đồng ý hoặc phê chuẩn hành vi vi phạm điều cấm do người đại diện có thẩm quyền thực hiện.

Các tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS có thể khái quát thành 3 nhóm như sau:

- Loại 1: Các tội phạm từ hành vi vi phạm do hoặc được sự cho phép, ra lệnh hoặc do sơ suất của ban giám đốc hoặc quản lý cấp cao thực hiện, nhân danh pháp nhân, trong phạm vi thẩm quyền của mình. Các tội phạm này đòi hỏi phải có ý định phạm tội.

- Loại 2: Các tội phạm từ hành vi vi phạm của bất kì thành viên nào trong pháp nhân được thực hiện trong phạm vi công việc của họ và vì lợi ích của pháp nhân. Các tội phạm này chứa đựng yêu cầu về ý định phạm tội. Trường hợp nếu pháp nhân chứng minh được người giám sát, quản lý có trách nhiệm cao trong pháp nhân đã cố gắng ngăn chặn sự việc phạm tội thì pháp nhân có thể không phải chịu TNHS.

- Loại 3: Các tội phạm bị áp đặt TNHS khách quan tuyệt đối. Pháp nhân phải chịu TNHS khách quan tuyệt đối đối với các loại tội phạm cụ thể được quy định mà không cần phải chứng minh hành vi phạm tội vì mục đích có lợi cho doanh nghiệp.

Chế tài hình sự đối với pháp nhân, bao gồm hình phạt và các biện pháp xử lý khác là nội dung trọng tâm khi quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Trong Bộ luật Liên bang, tiểu mục (c) của Điều 3551 Bộ luật Liên bang quy định khái quát về hình phạt đối với pháp nhân, theo đó:

(1) “Một tổ chức phạm tội, theo các căn cứ tại Điều 3553, sẽ bị tuyên phạt: (1) Một thời hạn buộc phải chịu giám sát được quy định tại mục B; hoặc

(2) Một khoản tiền phạt được quy định tại mục C.

Phạt tiền có thể được tuyên bổ sung cho hình phạt buộc phải chịu giám sát. Các biện pháp chế tài được quy định tại Điều 3554, 3555 hoặc 3556 có thể được tuyên bổ sung cho các hình phạt trên”.

2.4. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo pháp luật Úc

Quy định về TNHS của pháp nhân trong các luật hình sự cấp liên bang của Úc đã chính thức ghi nhận TNHS của pháp nhân vào trong pháp luật hình sự, việc xử lý các sai phạm của pháp nhân chủ yếu vẫn tiến hành trên cơ sở của các luật chuyên ngành. Quy định về TNHS của pháp nhân trong Luật Hình sự Úc được thiết kế đơn giản tập trung vào 3 nội dung chính: 1) Cách thức quy kết hành vi của cá nhân (cũng như hậu quả của hành vi đó) cho pháp nhân; 2) Cách thức chứng minh pháp nhân có lỗi tương ứng và 3) Chế độ quy đổi hình phạt cho phép buộc pháp nhân chịu TNHS về cả những tội mà với cá nhân có thể áp dụng hình phạt tù. Các luật về hình sự cũng có những quy định khác về việc xác định và giải quyết TNHS đối với pháp nhân, như về phân loại tội phạm, các trường hợp loại trừ TNHS cho pháp nhân hay về thời hiệu truy cứu TNHS... trên tinh thần chỉ quy định thêm khi có cách hiểu/áp dụng khác với cách thức dành cho cá nhân. Có thể nói rằng một chế độ quy đổi giữa hình phạt tù giam cho cá nhân sang hình phạt tiền cho pháp nhân là giúp cho việc quy định các vấn đề liên quan đến pháp nhân trong các luật hình sự của Úc trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

3. Kinh nghiệm về trách nhiệm hình sự cho Việt Nam

Nghiên cứu pháp luật hình sự một số nước về TNHS của pháp nhân có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam:

- Hiện nay luật hình sự của nhiều nước quy định TNHS của pháp nhân đều có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, không chỉ giới hạn đối với pháp nhân thương mại. Quá trình nghiên cứu pháp luật hình sự của một số nước cho thấy thường là có các quy định trừ pháp nhân công quyền thì tất cả các pháp nhân khác đều phải chịu TNHS do hành vi của mình gây ra. Và TNHS của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm của cá nhân.

- Luật hình sự nhiều nước đều quy định theo hướng pháp nhân không phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm mà chỉ phải chịu TNHS về một số tội phạm có thể được thực hiện bởi pháp nhân. Việc các quốc gia quy định như vậy do quan niệm một số tội phạm không thể thực hiện được bởi pháp nhân, ví dụ các tội phạm có yếu tố vũ lực trong hành vi, xâm hại đến tính mạng sức khỏe, một số tội xâm hại tình dục mà cần phải có con người cụ thể mới thực hiện được. Tuy nhiên, phạm vi các tội phạm áp dụng đối với pháp nhân cũng khá rộng, liên quan đến nhiều nhóm tội khác nhau mà pháp nhân có thể thực hiện được.

- Hình phạt đối pháp nhân chủ yếu là phạt tiền. Ngoài ra, còn một số hình phạt bổ sung.

Đối với Việt Nam, sự ra đời của Bộ luật Hình sự năm 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, Bộ luật Hình sự quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại. Điều này đã làm thay đổi tư duy có tính truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây, tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Tuy vậy, là lần đầu tiên quy định TNHS của pháp nhân nên các nhà lập pháp thể hiện sự thận trọng, Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện nay mới chỉ giới hạn phạm vi chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, còn các pháp nhân khác không phải pháp nhân thương mại thì không phải là chủ thể của TNHS. Bên cạnh đó, phạm vi các tội phạm áp dụng đối với pháp nhân thương mại còn khá hẹp, chỉ thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường và tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.

- Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm hiện nay, Bộ luật Hình sự cần nghiên cứu mở rộng thêm một số tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm khi thực hiện, chẳng hạn như tội đưa hối lộ, tội mua bán người, tội… Mặt khác, để bảo đảm thi hành tốt, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành thêm các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể hơn.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:


[1] M. Delmas0-marty (1993). Droit, pénal d’affaires, Paris.

[2] New york Central & Hudson River Railroad Company v U.S. 212 U.S. 481 (1909).

 

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Cảm (2005). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân (trong cuốn: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự - sách chuyên khảo sau đại học). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên (2020). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Nhận thức cần thống nhất, sách chuyên khảo do nhiều tác giả biên soạn. Nxb Tư pháp, Hà Nội.

3. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Bộ luật Hình sự năm 2015. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Thuận (2020). Trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật quốc tế, sách chuyên khảo do nhiều tác giả biên soạn (Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên). Nxb Tư pháp, Hà Nội.

 

Criminal liability of legal entities in some countries and experience for Vietnam

Master. Lu Vu Luc

Lecturer, Faculty of Criminal Law, University of Law, Hue University

ABSTRACT:

Criminal liability of legal entities is a well-established concept in the legal systems of many countries worldwide. In Vietnam, the 2015 Penal Code introduced provisions on the criminal liability of commercial legal entities involved in criminal activities. This study examines the legal frameworks governing criminal liability in the United Kingdom, Canada, the United States, and Australia, analyzing their approaches and practices. Drawing from this comparative analysis, the article highlights key insights and lessons that could inform the development and refinement of criminal liability regulations in Vietnam.

Keywords: commercial legal entity commits crime, criminal liability, commercial legal entity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]