Bàn về chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Bàn về chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam" do ThS. Nguyễn Thuận An (Giảng viên, Trường Đại học Văn Hiến), Nguyễn Quốc Hào - Nguyễn Thị Thùy Trinh - Lê Anh Thư (Sinh viên, Trường Đại học Văn Hiến) thực hiện.

Tóm tắt:

Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 tuy đã có những quy định riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tuy nhiên vẫn tồn tại một số bất cập vì còn đưa ra nhiều chính sách khoan hồng, khiến cho nhiều đối tượng biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật hình sự nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Bài viết phân tích và đánh giá các chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên.

Từ khóa: người dưới 18 tuổi phạm tội, tội phạm chưa thành niên, chế tài hình sự, người dưới 18 tuổi.

1. Đặt vấn đề

Luật Hình sự Việt Nam đã có những quy định về biện pháp chế tài đặc thù đối với người chưa thành niên phạm tội, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn của tội phạm chưa thành niên ngày càng gia tăng, phức tạp và trẻ hóa, cũng như chưa thực sự bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người chưa thành niên. Việc nghiên cứu và đề xuất nhằm hoàn thiện quy định về chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội không chỉ góp phần giảm thiểu tội phạm chưa thành niên, mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng một xã hội ổn định, công bằng, nhân văn.

2. Khái quát chung về người chưa thành niên phạm tội

       Khái niệm “người chưa thành niên” được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Cụ thể: Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên”; Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi”; Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”; Điều 90 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này (Chương XII)…”. Như vậy, người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý và kinh nghiệm sống, trình độ nhận thức còn hạn chế.

Căn cứ vào quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể xác định người chưa thành niên phạm tội như sau: Người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

3. Thực trạng về tội phạm chưa thành niên và quy định về chế tài hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Trong những năm gần đây, tình trạng người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội rất nhiều, nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không bị xem là tội phạm; nhiều người phạm tội là người dưới 18 tuổi cũng thực hiện những hành vi phạm tội tinh vi, nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Có thể nhận thấy, độ tuổi của người phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó không chỉ có những tội phạm về trật tự xã hội mà còn có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, có thể kể đến như: Một là, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, đây là độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và nhận thức, khả năng nhìn nhận vấn đề chưa hoàn thiện, dễ bộc phát, manh động vì vậy dễ dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Hai là, chưa được chú trọng việc giáo dục về đạo đức và kỹ năng sống, đặc biệt là giáo dục pháp luật ở giáo dục phổ thông. Ba là, hoàn cảnh sống thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu thực hiện hành vi phạm tội. Bốn là, mặt trái của sự phát triển công nghệ thông tin, hàng ngày trên các phương tiện thông tin như intenet… xuất hiện tràn lan những hình ảnh bạo lực, những thông tin lệch lạc, tác động đến tâm lý của người chưa thành niên, thôi thúc họ có ý định phạm tội và tiến tới thực hiện hành vi phạm tội. Năm là, quá trình thực thi pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên chưa thật sự đạt được hiệu quả, điển hình quá trình tố tụng còn thiếu tính gần gũi, dễ gây nên tâm lý tiêu cực, chống đối từ phía người phạm tội, không đảm bảo được mục đích giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội. Một số trường hợp sau khi chấp hành án phạt tù hoặc sau khi học tập tại trường giáo dưỡng, khi hòa nhập cộng đồng, các đối tượng này còn trở nên manh động, côn đồ hơn và câu kết với nhau thành lập các băng tội phạm cùng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Những vấn đề nói trên cần được đánh giá một cách khách quan để tìm ra giải pháp tối ưu nhằm khắc phục tình trạng ngày càng gia tăng và trẻ hóa của tội phạm chưa thành niên.

BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, khi xét xử một vụ án mà người phạm tội có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phải luôn đảm bảo phán quyết sẽ luôn có lợi cho bị cáo nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người phạm tội khắc phục lỗi lầm và sớm hòa nhập với cộng đồng, cụ thể: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh”[1]. Người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đối với mỗi tội phạm[2]: (i) Cảnh cáo, (ii) Phạt tiền; (iii) Cải tạo không giam giữ; (iv) Tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù; trường hợp áp dụng tù có thời hạn thì hình phạt với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ không quá ba phần tư mức hình phạt so với người đã thành niên, nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không quá một phần hai mức hình phạt so với người đã thành niên[3]. Bên cạnh đó,“Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.”[4], như vậy, khi xét xử phải luôn xem xét bị cáo có thể hiện tính ăn năn hối cải hay không, xem xét hoàn cảnh thực tế của bị cáo, các yếu tố nhân thân, các yếu tố tâm sinh lý, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... Từ đó, đưa ra phán quyết phù hợp. Đồng thời, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không được tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm[5]. Không những thế, quy trình điều tra, truy tố, xét xử với người dưới 18 tuổi cũng có những quy định đặc thù, Việt Nam đã thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên để tiến hành quá trình tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Như vậy, quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có sự phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ em, người chưa thành niên.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi.[6] Có thể nói, tội phạm hiện nay ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do người dưới 14 tuổi thực hiện ngày một gia tăng, đặc biệt, các vụ án liên quan đến hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, buôn bán ma túy đang ngày càng phổ biến. Thống kê từ Bộ Công an cho thấy[7], chỉ trong năm 2023, số vụ phạm tội do trẻ em gây ra đã tăng 10% so với năm 2022, trong đó, số vụ phạm tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng chiếm khoảng 25%. Điều này cho thấy vẫn còn một số bất cập, chưa phù hợp trong những quy định về chế tài hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội hiện nay.

4. Kiến nghị hoàn thiện quy định về chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội

Một là, cần ban hành một đạo luật riêng quy định về người chưa thành niên. Hiện nay, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đang trong quá trình bàn thảo, với mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ công minh nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm và hòa nhập xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên… Khi ban hành, Luật sẽ có tác động quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu các đối tượng là người chưa thành niên phạm tội, bởi khi thống nhất tất cả các quy định của người chưa thành niên vào một đạo luật duy nhất sẽ thuận tiện cho việc áp dụng và thi hành pháp luật, điều này cũng phù hợp với yêu cầu nội luật hóa Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Hai là, với mức độ người chưa thành niên phạm tội hiện nay ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, đặc biệt với những vụ án giết người man rợ do người dưới 14 tuổi thực hiện[8], thì pháp luật Việt Nam có thể cân nhắc đến việc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, không ít đối tượng có tâm lý xem thường pháp luật vì nghĩ rằng dù có vi phạm pháp luật hình sự đi nữa họ cũng chưa đủ tuổi chịu phải trách nhiệm hình sự; hoặc rất đáng lo ngại là tình trạng lợi dụng người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội. Tại Điều 1 Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em (Đại hội đồng Liên hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1989) có nêu: “Trong phạm vi của Công ước này, trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng có những quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khác nhau như: Ai Cập, Liban, Iraq là 7 tuổi; Vương Quốc Anh là 10 tuổi; Liên bang Nga là 13 tuổi; Trung Quốc là 12 tuổi; Hàn Quốc là 13 tuổi… Vì lẽ đó, vấn đề này là cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa, phòng chống tội phạm chưa thành niên, phù hợp với thực trạng tội phạm đang trẻ hóa đáng báo động hiện nay và điều này cũng không trái với nội dung Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em.

Ba là, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong việc quyết định hình phạt, nhóm tác giả cho rằng cần bổ sung thêm một điều luật quy định cụ thể về Căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, các căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phải dựa trên quy định tại Điều 50 BLHS và các nội dung về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.[9]

Bốn là, để đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật hình sự về tội phạm chưa thành niên, cần kết hợp tăng cường tổ chức tuyên truyền pháp luật, giáo dục đạo đức và lối sống cho đối tượng thanh, thiếu niên tại địa phương và tại Nhà trường. Bởi lẽ, hành vi phạm tội có thể để lại những hậu quả nặng nề như tổn thất về tinh thần, thể chất, tài sản cho nạn nhân và cho cả bản thân người chưa thành niên phạm tội. Việc người chưa thành niên phạm tội không chỉ gây nên những hậu quả pháp lý mà còn có thể ảnh hưởng đến tương lai và sự phát triển bình thường của trẻ chưa thành niên. Vì vậy, chỉ khi tất cả yếu tố này được thực hiện đồng bộ và hiệu quả thì công tác phòng chống tội phạm mới được đảm bảo, ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội, đồng thời ngăn chặn tình trạng tái phạm sau khi hòa nhập cộng đồng.

5. Kết luận

Chế tài hình sự áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo pháp luật Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng khoan hồng, nhân đạo hơn, tạo điều kiện cho người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, phù hợp với luật pháp quốc tế, với xu hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền con người, thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên, trước thực tiễn tội phạm hiện nay ngày càng trẻ hóa và phức tạp, việc hoàn thiện những quy định pháp luật hình sự về chế tài đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thật sự cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm, cũng như bảo đảm được sự nghiêm minh của pháp luật.

                                                                                                                                    

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:


[1] Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

[2] Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

[3] Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

[4] Khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

[5] Khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

[6] Thu Hà (2024). Tội phạm chưa thành niên - có nên tăng nặng trách nhiệm hình sự? Truy cập tại: https://vov2.vov.vn/phap-luat/toi-pham-chua-thanh-nien-co-nen-tang-nang-trach-nhiem-hinh-su-48103.vov2.

[7] https://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/thong-ke.aspx?Cat=101

[8] Đức Sơn (2023). Vấn nạn trẻ hóa tội phạm và những vụ án rúng động gây ra bởi “tuổi teen” (Kỳ 1). Truy cập tại: https://congly.vn/van-nan-tre-hoa-toi-pham-va-nhung-vu-an-rung-dong-gay-ra-boi-tuoi-teen-ky-1-403118.html.

[9] Đặng Văn Thực (2021). Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Số 01/2021.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự (Luật số 100/2015/QH13) ngày 27/11/2015.
  2. Quốc hội (2017). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14) ngày 20/6/2017.
  3. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự (Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
  4. Quốc hội (2016). Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) ngày 05/4/2016.
  5. Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền trẻ em.
  6. Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp (2018). Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Phần những quy định chung. Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
  7. Thu Hà (2024). Tội phạm chưa thành niên - Có nên tăng nặng trách nhiệm hình sự?. Truy cập tại: https://vov2.vov.vn/phap-luat/toi-pham-chua-thanh-nien-co-nen-tang-nang-trach-nhiem-hinh-su-48103.vov2
  8.   Đức Sơn (2023). Vấn nạn trẻ hóa tội phạm và những vụ án rúng động gây ra bởi “tuổi teen” (Kỳ 1). Truy cập tại: https://congly.vn/van-nan-tre-hoa-toi-pham-va-nhung-vu-an-rung-dong-gay-ra-boi-tuoi-teen-ky-1-403118.html
  9.   Đặng Văn Thực (2021). Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Số 01/2021.

 

Discussing regulations on juvenile offenders in accordance with Vietnam’s Penal Code

Master. Nguyen Thuan An1

 Nguyen Quoc Hao2

Nguyen Thi Thuy Trinh2

Le Anh Thu2

1Lecturer at Van Hien University

 2Student at Van Hien University

Abstract:

The practice shows that the number of juvenile offenders is increasing and they are getting younger. Although the 2015 Penal Code (amended and supplemented in 2017) has specific provisions for juvenile offenders, it still has some shortcomings because it also provides many lenient policies, causing many subjects to know that their behavior is a criminal violation but they still commit crimes. This paper analyzed and evaluated sanctions for juvenile offenders according to the current criminal law of Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to improve laws in order to better prevent crimes and protect the rights of minors.

Keywords: juvenile offender, juvenile crime, criminal sanctions, juvenile.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]