TÓM TẮT:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134, Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Bài viết tập trung phân tích những điểm giống và khác nhau giữa tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với các tội khác như: tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ hay tội khủng bố được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Từ khóa: Phân biệt, tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe, Bộ luật Hình sự năm 2015.
1. Một số vấn đề lý luận về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Con người với tư cách là một thực thể tự nhiên và với tư cách là một cá nhân được đặt trong mối quan hệ với gia đình và xã hội. Con người là vốn quý, là giá trị cao nhất của xã hội, quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Con người với tư cách nói trên có các quyền và tự do nhất định. Các quyền và tự do đó được Nhà nước bảo hộ và bảo vệ. Trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc, tại Điều 3 quy định: “Mọi người đều có quyền sống, được tự do và bảo đảm an ninh”. Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Việt Nam cũng thống nhất thể hiện việc bảo hộ và bảo vệ này thông qua các quy định tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trong đó đã đặc biệt nhấn mạnh “mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19). Bên cạnh đó, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành một chương riêng tiếp theo sau Chương “các tội xâm phạm an ninh quốc gia” quy định về “các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, trong đó tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại Điều 134, Chương XIV. Mặc dù vậy, BLHS Việt Nam vẫn chưa đưa ra khái niệm thế nào là tội cố ý gây thương tích (CYGTT) hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Trong khi đó, trong khoa học luật hình sự Việt Nam có khá nhiều quan niệm về tội này. Chẳng hạn, có quan điểm cho rằng: “Tội CYGTT hoặc của người khác là hành vi tác động trái pháp luật đến thân thể của người khác, gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe của người khác trong các trường hợp luật định”. Theo một quan điểm khác, thì “Tội CYGTT là hành vi cố ý làm cho người khác bị thương, xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khoẻ của con người. Hành vi CYGTT bị coi là tội phạm, tội phạm đó được quy định tại BLHS”. Cũng có quan điểm cho rằng: “Tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi của một người cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe”.
Từ những nội dung phân tích trên đây, kết hợp trong một tổng thể các quan niệm của các nhà khoa học, quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về khái niệm tội phạm nói chung và về tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, có thể hiểu “Tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS, do người đủ độ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thực hiện một cách cố ý xâm phạm quyền được bảo vệ sức khỏe của con người, công dân, gây ra những thiệt hại nhất định về sức khỏe cho họ”.
Với tính cách là tội phạm (nói chung), tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có các dấu hiệu cơ bản của một tội phạm, đó là: tính nguy hiểm (đáng kể) cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi và tính phải chịu hình phạt. Là một tội phạm cụ thể, tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác còn có những dấu hiệu pháp lý riêng của mình, cụ thể là:
- Khách thể của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Đó là quyền bất khả xâm phạm, quyền được tôn trọng và quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người. Với tư cách là thực thể tự nhiên và chủ thể xã hội, người đang sống và tồn tại trong thế giới hiện thực khách quan chính là đối tượng tác động của tội phạm này.
- Mặt khách quan của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm với các dấu hiệu đặc trưng là: hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm; hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm; thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, phương tiện, công cụ phạm tội,…
- Chủ thể của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
Theo pháp luật hình sự Việt Nam, chủ thể của tội phạm là thể nhân hoặc pháp nhân thương mại có đủ yếu tố của chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, đối với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chủ thể của tội phạm chỉ là thể nhân - con người cụ thể đã cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được BLHS quy định là tội phạm trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và đạt độ tuổi nhất định do pháp luật quy định. Bởi vậy, theo quan điểm của tác giả: “Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm, mà chỉ những người có năng lực TNHS mới là chủ thể của tội phạm”. Nói cách khác, năng lực TNHS và đạt độ tuổi nhất định theo luật định là các dấu hiệu bắt buộc để coi một người là chủ thể của tội phạm hay không. Vậy năng lực TNHS là gì? Đó là “Khả năng của một người ở thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện và điều khiển có ý thức hành vi đó”. Để có thể là người có năng lực TNHS, người đó phải là người không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều chỉnh hành vi của mình, tức là người đó phải nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình sẽ thực hiện, biết được hành vi đó là đúng hay sai, có phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội hay không. Thực tiễn cho thấy, thông qua lao động, học tập, khả năng nhận thức của con người được hình thành, còn qua quá trình phát triển cơ thể của con người (tức phải ở độ tuổi nhất định) thì con người mới có khả năng điều khiển hành vi của chính mình. Như vậy, phải đạt đến độ tuổi nhất định thì con người mới có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Về tuổi chịu TNHS của chủ thể của tội phạm là cá nhân (thể nhân), tại Điều 12 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều: 123; 134; 141; 142; 143; 144; 150; 151; 168; 169; 170; 171; 173; 178; 248; 249; 250; 251; 252; 265; 266; 286; 287; 289; 290; 299; 303 và 304.
Từ quan điểm của nhà làm luật về chủ thể của tội phạm như trên, có thể xác định chủ thể của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 phải là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi do luật quy định, nghĩa là người đó không mắc bệnh tâm thần hay các loại bệnh khác làm mất đi khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, đồng thời phải đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên thì mới phải chịu TNHS về mọi hành vi phạm tội do mình gây ra, hoặc đạt độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi mà phạm tội thì chỉ phải chịu TNHS được quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 134, còn những người dưới 16 tuổi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 6 của Điều luật này thì không phải chịu TNHS.
- Mặt chủ quan của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là mặt bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do họ thực hiện và với hậu quả do hành vi đó gây ra cho xã hội hoặc đối với khả năng gây ra hậu quả đó, bao gồm các dấu hiệu: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội.
2. Phân biệt tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với một số tội cụ thể khác
2.1. Phân biệt tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trường hợp làm chết người với tội giết người
Thực tiễn cho thấy trong nhiều trường hợp, việc phân biệt tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tội giết người là rất phức tạp; mỗi nơi áp dụng một kiểu và ngay trong cùng một cơ quan tiến hành tố tụng thì người này có quan điểm giết người, còn người khác cho rằng chỉ CYGTT.
Ngày 6/4/2016, Chánh án TAND tối cao đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA công bố án lệ vụ án về tội giết người và tội CYGTT dẫn đến chết người đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua tại Án lệ số 01/2016/AL. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống hai loại tội phạm này cũng còn nhiều vấn đề chưa được lý giải, nhiều vụ án vẫn còn ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người bào chữa.
Vì vậy, việc nghiên cứu và phân biệt giữa tội giết người quy định tại Điều 123 với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trên cơ sở các dấu hiệu đặc trưng của tội giết người và tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trường hợp làm chết người, chúng ta có thể nhận định sự giống nhau và khác nhau cơ bản giữa hai tội này.
* Về sự giống nhau, ở hai tội này, người phạm tội đều thực hiện hành vi là do cố ý; đều thực hiện hành vi (hành động) tương tự như nhau (bắn, đâm, chém, đánh, đấm, đá,…); có hậu quả là nạn nhân chết.
* Về sự khác nhau của hai tội này được thể hiện như sau:
Đối với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người phạm tội chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khỏe chứ người phạm tội không mong muốn cho nạn nhân bị chết hay bỏ mặc cho nạn nhân chết; còn việc nạn nhân chết là ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
Đối với tội giết người, người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu không phải là do cố ý trực tiếp (cố ý có dự mưu, cố ý xác định) thì cũng là cố ý gián tiếp (cố ý đột xuất hoặc cố ý không xác định), tức là không cần quan tâm đến hậu quả nạn nhân chết hay không.
Hành vi tấn công của người phạm tội đối với tội giết người quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những nơi xung yếu của cơ thể như: vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng,… Còn đối với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết liệt, mà nếu có quyết liệt thì cũng chỉ tấn công vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như: chân, tay, mông, nếu có tấn công vào nơi xung yếu của cơ thể thì cũng chỉ tấn công vào nơi đã định như mắt, mũi, tai, miệng.
Thực tiễn, nhiều trường hợp người phạm tội chỉ khai không muốn làm nạn nhân chết. Do đó, phải kết hợp với ý thức chủ quan của họ để xác định là giết người hay CYGTT, đồng thời phải căn cứ vào biên bản giám định pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân.
2.2. Phân biệt tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ
Tại Điều 137 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhà làm luật quy định tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.
Qua nghiên cứu tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm, chúng ta có thể phân biệt những điểm giống và khác nhau giữa hai tội phạm này. Hai tội này giống nhau về khách thể của tội phạm và về lỗi của người phạm tội. Sự khác nhau của hai tội này thể hiện ở chủ thể của tội phạm, hành vi khách quan, hậu quả gây ra và động cơ phạm tội, cụ thể là:
- Chủ thể của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ khác với chủ thể của tội phạm CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác ở chỗ phải là người đang trong khi thi hành công vụ và đã thực hiện hành vi phạm tội do có hành vi trái pháp luật của nạn nhân.
- Hành vi khách quan của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ khác với hành vi khách quan của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đó là dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
- Hậu quả của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ khác với hậu quả của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được thể hiện ở chỗ chỉ làm cho người bị hại bị thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hại có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên mà không làm chết người hoặc không dẫn đến chết người.
- Động cơ phạm tội của hai tội này khác nhau. Đối với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, động cơ của người phạm tội là bảo vệ các lợi ích khác nhau trước sự xâm phạm của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, còn đối với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, dấu hiệu động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc (tức dấu hiệu định tội).
2.3. Phân biệt tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tội phạm khủng bố
Tại Điều 299 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội khủng bố, đó là: “hành vi xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng hoặc xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc đe dọa thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác”.
Dựa vào những dấu hiệu pháp lý trong cấu thành tội phạm đối với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và tội khủng bố, có thể đưa ra những điểm giống nhau và những điểm khác nhau như sau:
* Những điểm giống nhau: gồm dấu hiệu lỗi và dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Đối với dấu hiệu lỗi, cả hai tội phạm này đều có lỗi cố ý. Về chủ thể của tội phạm, hai tội này đều do bất kỳ ai là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định thực hiện hành vi phạm tội.
* Những điểm khác nhau:
Sự khác nhau trước hết thể hiện ở khách thể của tội phạm. Tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo hộ về sức khỏe của con người; còn tội khủng bố xâm phạm an toàn công cộng, tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, danh dự của con người, xâm phạm quan hệ sở hữu của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Sự khác nhau còn thể hiện ở mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của người phạm tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn hành vi khách quan của tội khủng bố. Đối với tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì hành vi khách quan của tội phạm là hành vi tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương tích hoặc bị tổn hại về sức khỏe chứ không làm cho nạn nhân bị chết; nếu nạn nhân chết là ngoài ý muốn của người phạm tội. Đối với tội phạm khủng bố, hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm các hành vi, như: xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đe dọa thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần của người khác.
Hai tội nói trên còn khác nhau về mục đích phạm tội. Mục đích của người phạm tội khủng bố là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, còn mục đích của tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là làm cho nạn nhân bị tổn thương, làm mất hoặc suy giảm chức năng một bộ phận cơ thể hay làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân.
Việc phân biệt dấu hiệu pháp lý của tội này với tội giết người, tội CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ hay với tội khủng bố không chỉ có tác dụng trong việc nhận thức về những điểm giống hoặc khác nhau giữa các tội phạm mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp người tiến hành tố tụng định tội danh và quyết định hình phạt đúng đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
- Đinh Văn Quế (2018), Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 - Phần thứ nhất: Những quy định chung (Bình luận chuyên sâu), NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
- Đinh Văn Quế (2018), Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 - Phần thứ hai: Các Tội phạm - Chương XIV: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Bình luận chuyên sâu), NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
- Hồ Sỹ Sơn (2018), Luật Hình sự so sánh (sách chuyên khảo), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Võ Khánh Vinh (2014), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Võ Khánh Vinh (2014), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần các tội phạm, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
DIFFERENCES BETWEEN THE OFFENCE OF INTENTIONALLY CAUSE
INJURY OR THE OFFENCE OF ASSAULT CAUSING BODILY HARM
AND OTHER TYPES OF CRIMINAL OFFENCES ACCORDING TO
THE AMENDED 2015 CRIMINAL CODE OF VIETNAM
LE THI THU HANG
Inspection Commission of Bien Hoa City’s Party Committee
ABSTRACT:
The offence of intentionally cause injury and the offence of assault causing bodily harm are specified in the Article No.134, chapter XIV of the 2015 Criminal Code of Vietnam which was amended and supplemented in 2017. This paper presents the similarities and differences between these two mentioned above types of criminal offences and other types of crime such as murder, deliberate infliction of bodily harm upon another person on duty and terrorist crimes.
Keywords: Distinguishing, the offence of intentionally cause injury, the offence of assault causing bodily harm, the 2015 Criminal Code of Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 23, tháng 9 năm 2020]