Trăn trở ý tưởng xây dựng trung tâm kết nối chuyển giao công nghệ sinh học công nghiệp ngành Công Thương

Ngày 27/6/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc tại Viện Công nghiệp thực phẩm về xây dựng “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc lấy ý kiến xây dựng “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương” tại một số đơn vị, sáng 27/6/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, Trường Đại học học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam DABACO Việt Nam tại trụ sở của Viện Công nghiệp Thực phẩm.

Làm việc tại Viện CNTP
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc tại Viện Công nghiệp Thực phẩm

 

Sau phần trình bày khái quát của TS. Đặng Tất Thành – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, thành viên Tổ soạn thảo Đề án về tình hình phát triển ngành công nghiệp sinh học tại Việt Nam và một số định hướng phát triển công nghệ sinh học thuộc lĩnh vực công nghiệp ngành Công Thương, các đơn vị đã trình bày các đề xuất nhiệm vụ với Đề án.

Làm việc tại Viện CNTP
Tổ soạn thảo xây dựng “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”

 

Theo đó, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo TS. Cao Văn Sơn cho biết, từ nay đến năm 2030, ngành Giấy tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống, sản xuất và trồng rừng cây nguyên liệu giấy; ứng dụng trong quá trình sản xuất bột giấy và giấy, đặc biệt là trong sản xuất giấy bao bì công nghiệp; ứng dụng trong xử lý môi trường cho ngành công nghiệp giấy, sản xuất các chế phẩm sinh học cho xử lý nước thảo ngành giấy…

Làm việc tại Viện CNTP
TS. Cao Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo

 

Cũng đại diện cho khối công nghiệp nhẹ, công nghiệp tiêu dùng, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành vẫn trăn trở với việc xây dựng một trung tâm kết nối chuyển giao công nghệ sinh học công nghiệp. Ở đó sẽ có phòng thử nghiệm đạt chuẩn. Ngoài vấn đề liên quan tới cơ sở dữ liệu, trung tâm sẽ có hệ thống mô hình hoá các nhà máy, để doanh nghiệp có thể tiếp cận và có tương tác giả lập để hiểu được tính vượt trội của công nghệ họ tiếp nhận. “Nhiệm vụ của Trung tâm không chỉ phát triển mà còn tiếp nhận công nghệ từ các nhà khoa học trong và ngoài nước, của các doanh nghiệp, làm sao để chuyển giao tốt nhất cho các doanh nghiệp trong nước” – ông Thành nhấn mạnh.

Làm việc tại Viện CNTP
PGS.TS. Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm

 

Chia sẻ tại buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Thế Hải - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên cho rằng, trong thời gian tới Nhà trường tập trung nghiên cứu triển khai nhập và giải mã các công nghệ lõi phục vụ các sản phẩm chủ đạo của công nghiệp sinh học như hoá chất, enzyme, vaccine, thực phẩm đồ uống, chế phẩm sinh học, thực phẩm tăng cường sức khoẻ; các công nghệ lõi làm cơ sở cho các phần khác nhau trong xử lý ô nhiễm môi trường ở quy mô công nghiệp; Tập trung phát triển các sản phẩm trọng điểm; Vai trò của doanh nghiệp cần rõ nét hơn; Cần hướng tới các quy trình công nghiệp, sản phẩm cần hướng tới tăng trưởng, kinh tế tuần hoàn… Và cuối cùng là cần có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn nhân lực ngay từ bây giờ để có nguồn nhân lực tốt, đảm bảo đủ hiểu biết về công nghệ sinh học.

Làm việc tại Viện CNTP
PGS.TS. Phạm Thế Hải - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên

 

Là doanh nghiệp duy nhất có mặt tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Thảo, từ nhiều năm nay, DABACO luôn giành một khoản tiền lớn trong doanh thu để dành cho công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các dự án liên quan đến công nghệ sinh học, bởi DABACO là một tập đoàn lớn chuyên về lĩnh vực nông nghiệp. Có thể thấy vướng mắc duy nhất lúc này là cơ chế và ngân sách. Làm thế nào để các nhà khoa học tiếp cận gần hơn đến các vấn đề mà doanh nghiệp đang cần là điều mà các doanh nghiệp đang thấy khó. Như tại DABACO, vì là đơn vị chăn nuôi, nên Công ty rất mong muốn giải quyết các vấn đề về lên men để xử lý tận gốc các vấn đề về nước thải, chất thải… Hy vọng, trong thời gian tới, Đề án có thể giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết được các vấn đề doanh nghiệp thực sự cần.

Ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam

 

Sau khi nghe các đơn vị trình bày nội dung đề xuất, các thành viên trong Tổ soạn thảo Đề án đã cùng trao đổi các vấn đề còn chưa rõ. Các ý kiến trao đổi trong buổi làm việc sẽ được Tổ soạn thảo tiếp thu, làm cơ sở hoàn thiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực Công Thương sao cho phù hợp, sớm trình Chính phủ trong năm 2024.

Hồ Nga