Sáng 7/10/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính”.
Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ người lao động sớm phục hồi sản xuất-kinh doanh-việc làm, từ đó góp phần đưa nền kinh kinh tế phục hồi phát triển.
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đã nhắc lại mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Ông nhấn mạnh, phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao năng suất lao động, tốc độ phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, là chìa khóa giúp các doanh nghiệp bứt phá trong quá trình sản xuất.
Thứ trưởng cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo là thước đo quan trọng đánh giá năng lực đổi mới khoa học công nghệ của Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện Việt Nam đứng thứ ba trong Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo, điều này, cho thấy nỗ lực ứng dụng giải pháp đổi mới dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp, phát huy năng lực tự sinh trong bối cảnh Covid-19. Điển hình như dây chuyền sản xuất khẩu trang xuất khẩu, chế tạo và phát triển kit xét nghiệm nCoV…
Nếu như thời gian trước, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là 70-30 (tức là 70% đến từ nhà nước và 30% đến từ doanh nghiệp), thì nay, con số này nâng lên thành 50-50. Và chắc chắn, trong thời gian tới, vai trò chủ đầu tư cho khoa học công nghệ, cho đổi mới sáng tạo sẽ là vai trò của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin và đánh giá, đây là một trong những yếu tố quan trọng trong tổng thể năng lực sáng tạo quốc gia, thăng hạng đổi mới sáng tạo.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy năng suất, chất lượng. Ông nhấn mạnh, doanh nghiệp đang nhìn nhận vai trò của khoa học công nghệ rất khác so với trước đây. Họ không những thấy đó là sự cần thiết mà còn là cơ hội để hướng tới thành công.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, thời gian qua khi dịch Covid-19 bùng phát, xã hội phải cách ly, các doanh nghiệp (trong đó đã có doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã có những thích ứng nhanh, thay đổi hình thức kinh doanh, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để tồn tại. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn nhanh chóng nắm bắt cơ hội để làm ăn có lãi, phát triển doanh nghiệp.
"Điều này nói lên rằng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh Covid-19 và cơ hội để doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP, EVFTA vừa đi vào thực thi, cơ hội thu hút đầu tư được mở rộng.
Tuy nhiên, nếu vẫn đi theo cách làm cũ thì cơ hội sẽ trôi qua. Để việc thu hút đầu tư được thuận lợi, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là mấu chốt giúp nâng cao năng suất chất lượng, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa quá trình sản xuất", ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Cũng theo khảo sát của Viện Năng suất Việt Nam, 43% doanh nghiệp quan tâm tới đổi mới khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tham gia tạo ra nhiều áp lực về các nguyên tắc thương mại đầu tư, sở hữu trí tuệ. Nhiều trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đổi mới công nghệ, nhưng chưa rõ quy trình nên bắt đầu từ đâu. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tập trung vào phục hồi tài chính và nhân lực, việc đổi mới vẫn còn là câu chuyện của tương lai.
Nhìn nhận thực trạng này, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất.
Điển hình như bộ công cụ VIPA với 64 chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp biết cần gì, quy trình giải pháp ra sao. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí và tiếp cận kho dữ liệu về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thử nghiệm với những thiết bị công nghệ mới.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong định hướng xây dựng đổi mới sáng tạo quốc gia, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò làm trung tâm đổi mới. Các viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và đưa ra giải pháp công nghệ mới. Doanh nghiệp và viện nghiên cứu cần kết hợp để chuyển giao và đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.