Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN và các cộng đồng doanh nghiệp đã dành thời gian thảo luận nội dung quan tâm liên quan đến các chủ đề (i) Thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực ASEAN (ii) Chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (iii) Các giải pháp tài chính toàn diện khu vực ASEAN và kết nối thương mại kỹ thuật số ASEAN.
Các Bộ trưởng và Thống đốc ghi nhận vai trò quan trọng của việc thúc đẩy tài chính bền vững khu vực ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế.
ASEAN hiện đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Do vậy, hợp tác trong việc huy động các nguồn tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế cần tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa để giải quyết nút thắt tăng trưởng, xử lý chênh lệch trình độ phát triển tại từng quốc gia và cả ở trong khu vực ASEAN.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã chia sẻ các vấn đề và đưa ra các khuyến nghị nhằm rút ngắn khoảng cách về tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề như tài trợ trong dài hạn, phát triển nguyên tắc phân loại khu vực cho tài chính bền vững, chất lượng dự án, và các khuyến nghị đối với tài trợ y tế bền vững bao gồm tăng cường hiệu quả của hệ thống hiện hành;
Tiếp cận sức khỏe ở khía cạnh “Sức khỏe tạo ra tài sản”, và tăng cường áp dụng công nghệ tài chính trong hoạt động tài trợ.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã dành thời gian trao đổi các nội dung về chuyển đổi kỹ thuật số trong dịch vụ tài chính, các giải pháp tài chính toàn diện và kết nối thương mại số khu vực ASEAN.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các giải pháp về huy động và sử dụng nguồn tài chính công một cách hiệu quả, huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn hỗ trợ phát triển của các nhà tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng cũng cho biết trong lĩnh vực tài chính cho phát triển y tế bền vững, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại chi ngân sách trong lĩnh vực y tế, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn tư nhân đầu tư cho y tế, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính đẩy mạnh việc áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý thuế và hải quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cải thiện môi trường kinh doanh và giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.