Trí tuệ vàng, bản lĩnh thép

Những quyết định ngược dòng hoặc thương vụ mạo hiểm mở ra hướng đi hoàn toàn mới cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam. Đây là đòn bẩy đáng kể tạo sức cạnh tranh khi môi trường quốc tế, khoa học công nghệ nhiều biến động.

Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn được đánh giá là không lớn nổi, chỉ chiếm khoảng 8% GDP trong suốt cả thập niên qua. Mặc dù đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân là gần 50% GDP, nhưng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp cá thể và hộ gia đình. Tại các nền kinh tế phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 80-90% GDP.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright, lại cho rằng, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều cơ hội phát triển. Vấn đề cản trở năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến từ phía cầu của doanh nghiệp và thể chế.

Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018 (VRDF), ông Du nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam suốt một thời gian dài không chú trọng đổi mới sáng tạo để phát triển là quá mải mê với chuyện đầu tư bên ngoài. Các doanh nghiệp này không còn muốn đầu tư vào sản xuất mà đổ xô sang đầu tư ngắn hạn. “Dù đã có những tỉ phú đô la xuất hiện, nhưng lực lượng chính của hội nhập kinh tế quốc tế là các hộ cá thể và doanh nghiệp nhà nước, vẫn như hàng chục năm trước”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vẫn trăn trở lâu nay về sự khó lớn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Để tạo nên sự thay đổi, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực bứt phá về quy mô sản xuất và định hướng phát triển. Đó là hãng hàng không giá rẻ VietJet Air của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giúp người dân Việt Nam có cơ hội bay nhiều hơn. Đó là Vingroup dấn bước vào lĩnh vực công nghệ cao sản xuất ô tô, điện thoại thông minh. Đó là các nhà máy của Trường Hải (Thaco) mà tỉ phú Trần Bá Dương đã tạo dựng trên vùng cát sỏi Chu Lai, góp phần định hình ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo quy mô lớn của Việt Nam.

2018 là năm khối khu vực tư nhân tiếp tục chứng tỏ sự năng động, trong đó nổi lên những thương vụ đầu tư, những ngã rẽ đầy bất ngờ và mạo hiểm. Những thương vụ đầu tư đình đám này tuy gặp nhiều thách thức nhưng xem ra khá hứa hẹn.

Mạo hiểm là bạn đồng hành

Một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2018 và sự kiện Thaco rót gần 1 tỉ USD để thâu tóm Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG), doanh nghiệp đang gặp nguy vì gánh nặng nợ ngàn tỉ đồng. Đây được xem là một phi vụ đầy mạo hiểm của tỉ phú Trần Bá Dương khi đang yên ấm ở vị trí số 1 trong ngành ô tô lại bất ngờ tham gia giải cứu một doanh nghiệp bên bờ vực.

Tính đến quý III/2018, tổng nợ phải trả của HAGL Agrico lên tới 19.400 tỉ đồng, chiếm 65% tổng nguồn vốn. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty là 2.921 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, nhưng phí tăng khiến nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao này báo lỗ đến 177 tỉ đồng. Với thách thức quá lớn của HAGL Agrico, sẽ không nhiều nhà đầu tư liều mạng tham gia tái cơ cấu. Tuy vậy, dưới con mắt lão luyện của một nhà đầu tư có hàng chục năm kinh nghiệm trên thương trường, có thể chủ soái Trần Bá Dương đã khám phá được những giá trị tỉ đô của HAGL Agrico.

tran ba duong

 

Đầu tư vào nông nghiệp tuy vẫn thách thức bởi vì ngành nông nghiệp cũng chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp (7.600 doanh nghiệp), trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Tuy nhiên, nông nghiệp là xu thế đang lên tại Việt Nam, nhất là các loại nông sản hữu cơ có chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam. Xuất khẩu trái cây rau quả đứng đầu các mặt hàng nông sản với giá trị gần 4 tỉ USD trong năm 2018. Trong đó, HAGL đang trở thành một “thế lực” với việc sở hữu hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp tại Lào, Campuchia và Tây Nguyên.

thaco
Nhà máy Thaco

 

Thâu tóm HAGL Agrico sẽ giúp Thaco giảm thiểu thời gian gia nhập ngành, đồng thời sở hữu ngay được quy mô sản xuất bề thế. Được biết, Thaco sẽ đầu tư một tổ hợp nông nghiệp nông sản xuất khẩu có quy mô lên tới 451ha ở căn cứ địa Chu Lai để phục vụ cho tham vọng mới.

Ngay trong năm nay, Thaco dự kiến sẽ đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế hơn 200.000 tấn/năm, tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế hơn 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỉ đồng.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco, cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có một số đặc điểm như không thể tiếp tục phát triển nếu không đưa công nghiệp vào nông nghiệp; không có các ngành khác kiếm ra tiền để bù lỗ cho nông nghiệp... Bởi vậy, các doanh nghiệp thành công trong công nghiệp phải có trách nhiệm dấn thân vào nông nghiệp. ”Rất cần những doanh nghiệp có vốn, có khả năng tổ chức quản trị, dấn thân vào nông nghiệp để tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.

vinfast
Trong nhà máy VinFast

 

2018 là năm ghi nhận nhiều dấu ấn nổi bật của thương hiệu xe hơi nội địa VinFast. Trong dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 4,2 tỉ USD, chỉ trong một thời gian ngắn, tay chơi mới đã cho ra lò những mẫu xe mới và được người tiêu dùng nồng nhiệt chào đón. Đó là khởi đầu khá suôn sẻ cho Vingroup khi đột ngột rẽ nhánh từ bất động sản sang lĩnh vực “khó nhằn” như sản xuất ô tô - nơi chứng kiến sự thống trị và cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn đa quốc gia.

Nhưng đối với tỉ phú Phạm Nhật Vượng và các cộng sự, tư thế đến sau không phải là thách thức không thể vượt qua. “Việc sinh sau đẻ muộn trong nhiều trường hợp lại được xem là lợi thế. Việc gia nhập lĩnh vực ô tô trong thời điểm này không chỉ rơi đúng vào điểm đi lên của thị trường, mà còn cho chúng tôi cơ hội học hỏi những bài học của các doanh nghiệp ô tô đi trước”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Vingroup, nhận định.

nguyen viet quang

 

Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng nhất thế giới, với tỉ lệ sở hữu ô tô hiện còn rất thấp, chỉ đạt 23 xe/1.000 dân, trong khi con số tương đương tại Thái Lan là 204 xe/1.000, tối thiểu là 400 xe/1.000 dân tại các nước phát triển, trong khi tỉ lệ của Mỹ lên tới 790 xe/1.000 dân. Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu nhập khả dụng của người dân tăng, kèm với đó là chất lượng hạ tầng giao thông cải thiện mạnh, cơ hội của ngành ô tô trong các năm tới nhìn chung khá lạc quan.

Chiến lược phát triển ngành sản xuất ô tô dựa vào các tập đoàn lớn trên thế giới và định hướng của Chính phủ theo hướng tăng tỉ lệ nội địa hóa đã không thành công. Dù còn quá sớm để đánh giá nhưng sự xuất hiện của VinFast được giới chuyên môn đánh giá là chân kiềng thứ 3 giúp phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam. Cùng với hãng xe của Vingroup là 2 doanh nghiệp lớn: Thaco (Chu Lai) và Hyundai Thành Công (Ninh Bình). Đây là thời điểm thích hợp để đưa ngành lên một bước phát triển mới, sau nhiều năm giậm chân tại chỗ.

Phát triển công nghiệp ô tô cũng có thể tác động “ngược”, mang lại cú hích tích cực cho mảng cốt lõi bất động sản của Vingroup. Theo hãng tư vấn CBRE Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn non kém trong việc phát triển sản xuất và lắp ráp so với các quốc gia ASEAN khác. Tuy nhiên, sự tích tụ các quỹ đất công nghiệp dành cho nền công nghiệp ô tô đang được gia tăng trên thị trường, đồng thời có thể thu hút thêm dòng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Nhưng không chỉ có ô tô, xe đạp điện hay gần đây là smartphone, tham vọng của Vingroup còn là tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp khi quyết định xoay trục, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó không chỉ gia tăng độ phủ của mảng thương mại dịch vụ hiện có, đẩy mạnh mảng công nghiệp ô tô, mà còn hướng tới đầu tư cho trí tuệ nhân tạo (AI), hệ sinh thái khởi nghiệp tương tự mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ.

Rủi ro cao, lợi nhuận lớn

Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, cả nước hiện có 41 nhà máy đường tại 25 tỉnh thành, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, trong số này, 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn/ngày.

Đây là nhóm sẽ chịu tác động nặng nề nhất khi ngành đường tiến hành dỡ bỏ hạn ngạch và hàng rào thuế quan với sản phẩm này theo ATIGA. Nếu các doanh nghiệp, nhà sản xuất đường không cố gắng tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh... thì đương nhiên sẽ khó khăn. VSSA dự báo, đến năm 2025, nhiều khả năng chỉ còn 15 nhà máy đường hoạt động so với con số 41 nhà máy hiện tại.

dang van thanh

 

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC Group, cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại Công ty Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, mã SBT), cho biết bất cứ ngành nghề nào cũng có chu kỳ và ngành mía đường đang ở giai đoạn khủng hoảng. Vì vậy, ngành này cần một cú hích để tạo nên sự thay đổi. Cú hích đó đến từ việc hình thành các công ty mía đường lớn đã có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ và tỏ ra khá tự tin trước hội nhập.

Ở lĩnh vực mía đường, tính đến nay TTC Sugar đã đầu tư rót vốn, liên doanh liên kết vào nhiều công ty cùng ngành. Có thể kể ra các tên tuổi đáng chú ý đã về cùng một nhà với TTC Sugar như Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, Mía đường Tây Ninh, HAGL Sugar... Tính chung, TTC Sugar đang dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam, với thị phần nội địa xấp xỉ 40%.

canh dong mia
Cánh đồng mía TTC Group. Ảnh: Quý Hòa

 

Ông Đặng Văn Thành từng nhấn mạnh, gia tăng quy mô, thị phần là cách thức dọn đường để TTC Sugar có thể hạ giá bán đường, tăng sức cạnh tranh với đường nhập khẩu, nhất là đường Thái Lan. Theo dự tính của TTC Sugar, trong 2 niên vụ tới, đường của Công ty có thể giảm chi phí về 45 USD/tấn, tiệm cận mức chi phí hiện nay của đường Thái Lan. Ngoài ra, TTC Sugar cũng sẽ tăng năng suất trồng và hướng đến nông nghiệp hiện đại, cơ giới hóa toàn diện.

Lợi thế quy mô, đầu bảng cũng giúp doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp và dễ dàng nắm bắt các cơ hội mới từ thị trường hơn. TTC Sugar cũng hướng tầm nhìn ra bên ngoài với cái bắt tay cùng ED&F Man Sugar (Anh) để tiêu thụ đường hữu cơ sản xuất tại Lào và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. “Việc hợp tác này đưa TTC trở thành một trong những công ty mía đường đầu tiên tại Việt Nam có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn vượt trội để có thể xuất khẩu vào hàng loạt thị trường khó tính nhất thế giới”, đại diện TTC Sugar cho biết.

Nghĩ ngược để tiến xuôi

Năm 2018, xuất khẩu gạo ước đạt 6,1 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch khoảng 3,04 tỉ USD, tăng 4% về khối lượng, tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017. Đáng chú ý, tỉ trọng gạo chất lượng cao xuất khẩu đạt khoảng 80%. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chất lượng chế biến, chú trọng các khâu từ tách màu, đánh bóng... để tăng giá trị gạo xuất khẩu.

Năm 2019, ngành lúa gạo tiếp tục đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong hướng đi này, Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp tiên phong, dù không gặp ít trắc trở.

huynh van thon

 

Lộc Trời là doanh nghiệp có tiếng một thời vì đạt tỉ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng liên tục (giai đoạn 2005-2015, tăng trưởng bình quân đạt 22,8%). Tuy nhiên, Tập đoàn đang gặp nhiều thách thức khi tiến sâu vào chuỗi giá trị lương thực vì ở mảng lúa gạo, dù chiếm tỉ trọng cao trong tổng doanh thu nhưng lại có biên lợi nhuận khá thấp.

Mặc dù vậy, Lộc Trời vẫn dấn thêm nước cờ mạo hiểm là thử nghiệm canh tác SRP nhằm cải thiện cả giá trị và tính bền vững cho loại nông sản thiết yếu này. Cho đến nay, Lộc Trời là doanh nghiệp Việt duy nhất đang thực nghiệm SRP. Qua 4 vụ lúa, đã có những cánh đồng nguyên liệu của Lộc Trời tiệm cận điểm bền vững SRP. Từ đó, diện tích trồng lúa SRP của Công ty tăng dần từ 3.000ha trong năm 2016, lên đến toàn bộ vùng nguyên liệu 11.000ha vào năm 2019.

Đây được coi là “mạo hiểm” khi giai đoạn đầu, Công ty phải bù lỗ hằng năm, có năm đến 240 tỉ đồng, mức bù gấp đôi dự kiến cho dự án này. Tuy đã có lời trong năm 2018, nhưng biên lợi nhuận rất thấp của toàn ngành gạo, tối đa chỉ 5%, đặt Lộc Trời trước bài toán phát triển những sản phẩm sau hạt gạo có giá trị gia tăng cao, mới có thể chia sẻ lợi nhuận và thay đổi vị thế của người nông dân.

“Làm gạo bền vững SRP đòi hỏi sự hợp tác của nhiều phía, từ nông dân đến người tiêu dùng”, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Lộc Trời, tâm sự. Sự hợp tác với nông dân mà ông Thòn nhắc đến cũng là yếu tố cốt lõi để tạo nên mô hình cánh đồng mẫu lớn của Lộc Trời lên tới khoảng 30.000ha.

canh dong lua
Cánh đồng lúa của Lộc Trời

 

Theo ông Thòn, bản thân nông dân rất muốn được tham gia sản xuất cùng doanh nghiệp khi có được nhiều khoản hỗ trợ. Tuy nhiên, với đặc tính cố hữu là nghĩ đến những món vụn vặt, nên không ít nông dân chỉ tính đến việc làm sao thu về nhiều nhất mà quên đi nghĩa vụ, cam kết đã ký, dẫn đến những vụ tranh chấp giữa nông dân và doanh nghiệp. Bên bị thiệt luôn là người nông dân với nhiều yếu tố bất lợi về pháp lý, nhận thức... Vì thế, giữa doanh nghiệp và nông dân khó tìm được tiếng nói chung trong hợp tác khi cả hai đã mất niềm tin.

“Kiện thắng nông dân để làm gì?”, ông Thòn đặt câu hỏi và đã thử làm ngược lại. Ông Thòn cho biết Lộc Trời không đưa các vấn đề phát sinh với nông dân giải quyết bằng công cụ pháp lý. Thay vào đó, Lộc Trời chịu thua thiệt một chút ở thời gian đầu, giúp nông dân hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. “Sau này khi nông dân có niềm tin với mình, tận tâm cùng làm với mình, hợp tác có hiệu quả thì kết quả đó sẽ được bù trừ cho những khoản này”, ông Thòn chia sẻ.