Thị trường bán lẻ Việt Nam bùng nổ chưa từng có
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là đang phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh.
Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5 - 10,9%.
Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, trở thành mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 của cả nước ước đạt 3.306,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,4% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao, khi năm 2016 mức doanh thu này đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 10,2%; năm 2017 đạt 129,56 tỷ USD, tăng 10,9%.
Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/Trung tâm phân phối; Trung tâm thương mại; Trung tâm mua sắm phức hợp; Siêu thị; Siêu thị mini/Cửa hàng bán lẻ tiện lợi/Cửa hàng chuyên dụng; Siêu thị điện máy; Bán lẻ trực tuyến; Bán hàng qua truyền hình.
Năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại thì đến năm 2017 đã có 8.539 chợ, 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn.
Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt
Theo Nielsen, thị trường bán lẻ Việt Nam có tính đặc thù, khi kênh bán lẻ truyền thống tuy chiếm tới 76%, nhưng tốc độ tăng trưởng rất chậm, chỉ 1%. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại mới chiếm 26% thị phần, nhưng đang tăng trưởng 2 con số, ở mức 11,8%.
Thực tế, thị trường trong nước đã có sự góp mặt của nhiều tên tuổi bán lẻ lớn trên thế giới. Hiện, các doanh nghiệp FDI chiếm 17% thị phần siêu thị và trung tâm thương mại, 50% bán hàng trực tuyến, 15% siêu thị mini, 70% cửa hàng tiện lợi.
Song, thời gian gần đây đã chứng kiến sự trỗi dậy của một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước, tạo ra cuộc cạnh tranh thực sự sôi động cho thị trường này.
Trên mảng đại siêu thị/trung tâm phân phối, Saigon Co.op là doanh nghiệp Việt duy nhất cạnh tranh với Central Group Việt Nam với hệ thống Co.opXtra và Co.opXtra Plus cũng như hợp tác với đài truyền hình mở kênh bán hàng HTV Co.op. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng có khoảng 300 cửa hàng tiện lợi Co.op Food và Co.op Smile, 2 trung tâm thương mại, 101 siêu thị và đại siêu thị Co.op Mart cùng kênh bán hàng trực tuyến coophomeshopping.vn. Năm 2017, doanh thu của Saigon Co.op lên tới gần 30 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, sau thương vụ mua lại hệ thống 23 siêu thị FiviMart và mở rộng sự tham gia vào phân khúc đại siêu thị của mình, VinGroup hiện có tới 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 66 trung tâm mua sắm Vincom Center, khoảng 100 siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị điện máy VinPro/VinPro+ và kênh trực tuyến adayroi.vn.
Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi vẫn là xu thế
Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi.
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nền kinh tế Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có tới hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ.
“Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn, nghĩa là tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong bán lẻ là siêu nhỏ”, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận định.
Các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở đại siêu thị, chuỗi siêu thị hay chi phí xin cấp phép xây dựng, dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao.
Đây là khó khăn, nhưng cũng trở thành đặc trưng hình thành nên lợi thế của doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến bán lẻ. Có thể không cạnh tranh được với khối FDI về vốn và quy mô, nhưng doanh nghiệp trong nước đang tìm được hướng đi đúng là đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống.
Thói quen mua sắm của phần lớn người tiêu dùng Việt vẫn theo xu hướng nhanh, tiện lợi trong khi lại nâng cao sự quan tâm với vấn đề nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm, vậy nên việc thấu hiểu thị hiếu khách hàng và phát triển hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại các điểm đông dân cư, đô thị như Saigon Co.op hay VinGroup đang làm đã chứng tỏ là hướng đi đúng đắn.
Bên cạnh đó, mô hình kết hợp với tiệm tạp hóa truyền thống như mô hình nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile của Saigon Co.op cũng được xem là điểm khác biệt và có thể sẽ trở thành xu hướng nếu được khai thác đúng đắn khi tận dụng được mặt bằng, điểm bán sẵn có cũng như lượng khách hàng thường xuyên, đồng thời định vị lại hình ảnh của các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ thông qua việc quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cấp hệ thống điều hành, từng bước khắc phục các hạn chế còn tồn tại của kênh bán lẻ truyền thống hiện nay.