Triển vọng thị trường kim loại trong năm 2014

Trong năm 2013, giá các kim loại cơ bản đã đồng loạt giảm mạnh do tình trạng dư cung và nhu cầu sử dụng ở mức thấp. Các chuyên gia phân tích dự báo giá một số kim loại cơ bản trong năm 2014 sẽ tăng tr

Kết thúc năm 2013, thị trường kim loại cơ bản, bao gồm: đồng, chì, thiếc, kẽm, niken và nhôm đã chứng kiến mức sụt giảm giá mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng dư cung xảy ra đối với hầu hết các kim loại. Nguồn cung liên tục tăng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng rơi xuống thấp khi hoạt động sản xuất tại quốc gia sử dụng kim loại lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, khu vực châu Âu… phục hồi chậm.

Trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), niken là kim loại có mức sụt giảm mạnh nhất trong năm 2013, giảm 19%. Giá kim loại đồng trên sàn LME cũng đã giảm 7,2%, xác lập năm giảm giá thứ 2 liên tiếp. Nguyên nhân chính do lượng dự trữ đồng trên toàn cầu lần đầu tiên tăng lên trong vòng 4 năm trở lại đây. Mức dự trữ đồng được theo dõi bởi sàn LME đã tăng 14% trong năm 2013.

Trong năm 2013, chỉ số LME Index, đo lường mức biến động giá của 6 kim loại cơ bản, đã giảm 8,5%; trong năm 2012, chỉ số này đã tăng 4,5%. Theo dự báo của các chuyên gia phân tích, thị trường kim loại trong năm 2014 sẽ có một số điểm sáng nhờ vào việc Indonesia thay đổi chính sách xuất khẩu và triển vọng phục hồi hoạt động sản xuất trên toàn cầu.

Triển vọng 2014

Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg đối với 22 chuyên gia phân tích, giá niken được dự báo sẽ tăng 19% lên mức 16.875 USD/tấn nhờ vào tình trạng cấm xuất khẩu quặng thô của Indonesia – quốc gia khai thác niken lớn nhất thế giới. Trên thị trường tương lai, trong tháng 12/2103, tập đoàn tài chính Barclays (Anh) đã khuyên các nhà đầu tư nên mua niken vào.

Giá nhôm được dự báo sẽ tăng 17% lên mức 2.050 USD/tấn, trong khi đó giá kẽm sẽ tăng 6%, đạt 2.200 USD/tấn và giá đồng sẽ tăng 7,6% lên mức 7.836 USD/tấn. Theo tập đoàn Barclays, sau khi rơi vào tình trạng thiếu hụt 79.000 tấn đồng trong năm 2013, thị trường đồng trong năm 2014 sẽ dư thừa 127.000 tấn. Tập đoàn Barclays cũng dự báo thị trường kim loại trong năm 2014 sẽ thiếu hụt nhôm và chì; mức dư cung niken và kẽm được dự báo sẽ giảm xuống.

Mức giá kim loại giảm thấp trong năm 2013 đã buộc các nhà khai khoáng phải thắt chặt chi tiêu và giảm các kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất. Trong tháng 12/2013, hãng Vale SA, hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, đã phải giảm ngân sách đầu tư cho năm 2014 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto cũng lên kế hoạch cắt giảm hơn một nửa ngân sách cho hoạt động đầu tư vào tài sản cố định của mình cho tới năm 2015.

Triển vọng phục hồi hoạt động sản xuất

Theo các số liệu được công bố vào ngày 2/12/2013, chỉ số nhà quản trị mua hàng trong lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu trong tháng 11/2013 được theo dõi bởi tập đoàn tài chính JP Morgan Chase & Co. và hãng nghiên cứu thị trường Markit Economic đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Trong cùng ngày, Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cũng thông báo hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 11/2013 đã có mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, số lượng đơn hàng xuất khẩu của Mỹ cũng chạm mức cao nhất trong vòng 21 tháng.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, quốc gia sử dụng kim loại lớn nhất thế giới, đang giảm chậm dần qua các năm kể từ năm 2010. Vào ngày 31/12/2013, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc đã cho biết chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 12 đã giảm xuống còn 51 điểm – mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây. Theo một báo cáo của Quốc vụ viện Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng ở mức 7,6% trong năm 2013 – mức thấp nhất trong vòng 14 năm. Khảo sát của hãng tin Bloomberg đối với 55 nhà kinh tế học cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt 7,5% trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức thấp sẽ có tác động xấu đến triển vọng giá của các kim loại cơ bản trong năm 2014.

Đặng Quang (Theo Bloomberg)