Tóm tắt:
Việt Nam là một quốc gia thuần nông khi có hơn 70% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị từ nền nông nghiệp mang lại đóng góp vào tổng GDP (Gross Domestic Product - tổng sản phẩm quốc nội) cả nước còn chưa cao. Trong khi đó, ở các nước phát triển, số lượng dân cư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng vài phần trăm nhưng lại có đóng góp không nhỏ vào GDP. Để lý giải cho điều này, có thể thấy ở các nước phát triển, nền nông nghiệp được đầu tư ứng dụng công nghệ cao giúp sản lượng cũng như chất lượng nông sản được nâng cao và có vị trí trên thị trường quốc tế. Nhận thấy tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, kết hợp với nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm, Việt Nam không thể không tận dụng những thế mạnh của mình để đẩy mạnh ngành Nông nghiệp trong nước. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang từng bước nỗ lực trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với những nhà đầu tư trong và ngoài nước về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bài viết dựa trên các báo cáo đã tổng hợp lại những triển vọng và khó khăn nhằm giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn tổng quan nhất về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Từ khóa: Nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, triển vọng đầu tư.
Hiện nay, có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào các lĩnh vực nông nghiệp đa dạng của Việt Nam, đặc biệt là những nhà đầu tư có công nghệ mới liên quan đến các sản phẩm như rau, hoa và trái cây. Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 20 doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có các tập đoàn lớn như Vingroup, Gleximco, Hòa Phát và Hoàng Anh Gia Lai, Thaco,... Theo ý kiến của các chuyên gia, nông nghiệp muốn thành công và phát triển thì cần phải được công nghiệp hóa và cơ giới hóa, tuy nhiên công nghiệp hóa và cơ giới hóa phải phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Bên cạnh những công ty trong nước, những thương hiệu toàn cầu cũng tham gia đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam nổi bật như Unilever và Nestle. Unilever Việt Nam là một trong những nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất tại Việt Nam, Công ty tham gia chế biến chè tại Việt Nam trong nhiều năm, Unilever hiện tại không trực tiếp mua chè của nông dân mà thông qua các công ty liên doanh chè. Công ty có kế hoạch phát triển diện tích 35.000 – 40.000 ha chè chất lượng cao ở một số tỉnh phía Bắc vào năm 2020.
Trong khi đó, Nestle Việt Nam đã hỗ trợ hàng ngàn nông dân Việt Nam thông qua một dự án canh tác cà phê bền vững theo Bộ luật chung cho Cộng đồng Cà phê (4C). Công ty đã cung cấp cây giống mới để trồng lại để tăng năng suất, đồng thời cung cấp đào tạo tiêu chuẩn cho nông dân địa phương, đặc biệt là người nghèo bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giúp họ tăng thu nhập.
Nhằm góp phần kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhờ vậy nền nông nghiệp Việt Nam đã chào đón nhiều nhà đầu tư tới từ các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Ý, Úc, Pháp và các nước EU khác. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đạt gần 1.500. Cùng với sự gia tăng đầu tư nước ngoài, các mô hình đầu tư cũng đã được đa dạng hóa. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng tập trung hơn vào việc đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Thay vì sản xuất các sản phẩm để sử dụng trong gia đình như thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu đầu vào như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hiện nay họ đang hướng tới trồng rau, hoa và cây ăn quả công nghệ cao.
Trong báo cáo của Văn phòng chính phủ, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ba chính sách chính, như sau:
Thứ nhất, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng. Theo quy định, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 07 năm tiếp theo. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 05 năm tiếp theo.
Thứ hai, giúp tiếp cận nguồn vốn. Để giúp các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: Tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm; dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.
Thứ ba, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Nhà nước cũng hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng. Muốn được hưởng chính sách trên, doanh nghiệp phải: Có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ; các bản quyền, công nghệ doanh nghiệp đề xuất mua phải phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp đã đăng ký. Nghị định quy định rõ, trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng mức hỗ trợ; trường hợp không được áp dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng 50% mức hỗ trợ. Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt được ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị. Ngoài hỗ trợ hạ tầng trên, nếu doanh nghiệp nhập, bò giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ gia đình thì được hỗ trợ bổ sung là 10 triệu đồng/con.
2. Những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng lên đáng kể, nhưng so với số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa đạt trên 1%. Theo các chuyên gia, lý do tại sao các doanh nghiệp không đầu tư nhiều vào nông nghiệp đến từ nhiều rào cản và khó khăn khi đầu tư, đặc biệt là những bất cập với các vấn đề về giới hạn. Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định vẫn còn thiếu do nguồn lực hạn chế, thay đổi thường xuyên sử dụng đất ở địa phương, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận ngân hàng và thủ tục hành chính.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay có ba khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như sau: Khó khăn trong việc sử dụng đất; môi trường khó khăn và giá trị đầu tư vào nông nghiệp là rất cao.
2.1. Khó khăn trong việc sử dụng đất
Các công ty thường không muốn thuê đất vì hợp đồng thuê chỉ ngắn hạn và có thể được khai hoang bất cứ lúc nào. Trong 3 năm đầu, các doanh nghiệp phải đầu tư cải tạo đất và trong năm thứ 7, họ sẽ bắt đầu hòa vốn và 3 năm sau họ bắt đầu kiếm lời. Vì vậy, nếu đất được thuê dưới 10 năm, công ty sẽ không đầu tư. Chi phí cao cho các doanh nghiệp và với một số lượng lớn các vụ kiện, họ thực sự "chán ngấy".
Một ví dụ cho thấy việc khó khăn khi sử dụng đất của các doanh nghiệp là nhà máy giấy của Geleximco ở Tuyên Quang đang vật lộn để tồn tại vì thiếu hụt vật chất. Ông Vũ Văn Tiến, Chủ tịch Geleximco cho biết: “Chúng tôi đã bơm 10.000 tỷ đồng (454,5 triệu đô la Mỹ) vào các nhà máy giấy, trước khi đầu tư, Chính phủ đã lên kế hoạch cho 165.000 ha rừng ở Tuyên Quang để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Trên thực tế, phần lớn rừng ở đây đã bị người dân địa phương phá hủy, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của chúng tôi."
Ngoài ra, đất nông nghiệp tại Việt Nam thường có diện tích nhỏ, gây ra những khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất, có doanh nghiệp cho biết, để sử dụng được 30 ha đất nông nghiệp làm trang trại, họ đã phải đàm phán với 130 hộ dân. Tuy nhiên, có nhiều hộ dân, sau một thời gian đàm phán lại tăng giá bán hoặc không đồng ý chuyển đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Đáng chú ý, có nhiều hộ gia đình bỏ ruộng hoang, nhưng vì một lý do nào đó, cũng không muốn chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp”.
Một trong những khó khăn nhất của các doanh nghiệp trong tiếp cận đất nông nghiệp, theo PGS. TS. Chu Tiến Quang, Hội đồng chính sách (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chính là năng lực thuyết phục công chúng, người dân có đất về việc doanh nghiệp có làm lợi cho họ hay không. Hơn nữa, vấn đề là doanh nghiệp chưa hình thành được kế hoạch phát triển trong nông nghiệp.
2.2. Chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp cao
Có thể lấy ví dụ tập đoàn Vingroupvới Dự án VinEco Hà Nam có diện tích 180 ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trong đó, khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130 ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5 ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Với một số vốn lớn như vậy, khiến cho không nhiều doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Vì ở Việt Nam chúng ta, hiện tượng được giá mất mùa, được mùa mất giá đã không còn hiếm. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp cũng phải đầu tư luôn hệ thống vận chuyển, bảo quản sản phẩm và hệ thống tiêu thụ sản phẩm. Nông sản là những sản phẩm đòi hỏi khâu bảo quản và chế biến phải cực kỳ kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, có một thực tế đang tồn tại là các khách hàng ở thị trường trong nước đang dần mất đi niềm tin vào nông sản sạch. Rất nhiều hộ gia đình đã tự trồng rau hay nuôi cá, gà, lợn,... để cung cấp thức ăn hàng ngày cho gia đình. Vì vậy, chi phí đầu tư cao nhưng nguồn cầu thì không ổn định, chắc chắn, rủi ro lớn. Hiện nay, thị trường xuất khẩu nông sản chính của chúng ta vẫn là Trung Quốc, các rào cản về chính sách xuất nhập khẩu cũng là một bài toán khó mà các doanh nghiệp gặp phải.
2.3. Điều kiện thời tiết
Có thể thấy Việt Nam có điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông sản, tuy nhiên, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hàng năm, nước ta phải đối mặt với những đợt hạn hán, lũ lụt, điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016 là năm có nhiều khó khăn thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp (băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sự cố môi trường biển ở miền Trung), tổng thiệt hại sản xuất nông nghiệp trong năm lên tới gần 2 tỷ USD.
3. Đề xuất một số giải pháp
Để tháo gỡ được những khó khăn mà doanh nghiệp còn đang gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, để giải quyết được vấn đề khó khăn trong việc sử dụng đất, theo ông PGS. TS. Chu Tiến Quang, Hội đồng chính sách (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), doanh nghiệp phải xây dựng đề án, trình bày kế hoạch với công chúng và người ta thấy có lợi thì chuyển giao cho doanh nghiệp. Trên thực tiễn có thể hình thành những xu hướng khác nhau, nên doanh nghiệp muốn vào nông nghiệp kinh doanh thì phải có đề án, phương án đầu tư cụ thể và phải có cam kết với người dân, kèm theo đó là chính quyền địa phương cũng phải thẩm định dự án trên. Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển lành mạnh, doanh nghiệp dễ tiếp cận đất, Chính phủ cần công khai, minh bạch thông tin về đất đai, để mọi người dân đều nắm được. Bên cạnh các giải pháp trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hoàn thiện chính sách đất đai, tạo hành lang pháp lý, cơ sở cho thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp từng bước phát triển.
Thứ hai, doanh nghiệp nên được coi là "trung tâm" trong cải cách nông nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp được coi là nhân tố chính để tái cấu trúc ngành Nông nghiệp, do đó thu hút một số lượng lớn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng của nó. Thu hút các doanh nghiệp và quan trọng hơn, việc giữ một doanh nghiệp gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp là một câu hỏi cần được giải quyết toàn diện và đồng bộ, không chỉ bởi hệ thống chính sách mà còn bởi toàn bộ việc thực hiện. Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng để xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, ưu tiên hàng đầu là tập trung vào cải cách hành chính để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và xác định những khó khăn để giải quyết, nhất là đối với thị trường. Tuy nhiên, không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà quan trọng hơn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bắt đầu huy động nhiều hơn, vì đây là lực lượng cốt lõi, lực lượng chính đóng góp cho việc chuyển giao nền kinh tế hộ gia đình thành nền kinh tế tập trung cũng như giá trị chuỗi.
Thứ ba, để giải quyết vấn đề về vốn đầu tư cao, Chính phủ nên đưa ra các gói chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, giảm bớt các thủ tục rườm rà và hỗ trợ doanh nghiệp về mặt truyền thông tạo niềm tin cho người dân trong cả nước để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp cùng với tham gia ký kết các hiệp định thương mại.
Ngoài ra, cần nâng cao tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân cả nước cũng như tìm các giải pháp khắc phục hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu ở Việt Nam.TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Nhieu-chinh-sach-khuyen-khich-DN-dau-tu-vao-nong-nghiep-nong-thon/ 20184/23864.vgp
2. https://www.agroberichtenbuitenland.nl/actueel/nieuws/2018/04/06/vietnam-not-much-investment-in-agriculture
3. https://www.greenpeace.org/international/publication/7075/smart-breeding/
4. http://nomadcapitalist.com/2015/01/23/agricultural-investment-opportunity-vietnam/
5. https://vietnamnews.vn/opinion/425846/investment-policy-in-agriculture-needs-to-change.html#YF0KhKFsVw5r7t2Z.97
6. http://english.vov.vn/investment/many-businesses-see-bold-hope-for-agriculture-investment-376453.vov
7. http://www.hortidaily.com/article/32126/Vietnam-Giving-agriculture-a-high-tech-boost
8. https://www.wallstreetdaily.com/2015/02/06/vietnam-agriculture/
PROSPECTS AND DIFFICULTIES FOR HIGH TECHNOLOGY AGRICULTURE INVESTMENT ENTERPRISES
MA. Nguyen Thi Hanh Nguyen
Hanoi University of Industry
ABSTRACT:
Vietnam is a purely agricultural country, meaning more than 70% population is involved in agricultural production. However, the value of agriculture contributes to the Vietnam gross domestic product (GDP) is not high. Meanwhile, in developed countries, the number of people engaged in agriculture only few percent but contributes significantly to GDP. Because in developed countries, the high technology has been invested in the agricultural sector to improve their production and quality of agricultural products and their positions in international market. Recognizing the importance of high-tech applications in agriculture, Vietnam should take advantage of its strengths to boost its domestic agriculture. Vietnam's agricultural sector is stepping up to become one of the attractive destinations for domestic and foreign investors to apply high technology in production. This paper is based on reports that have summarized the perspectives and constraints to help domestic and foreign investors get a better overview of high-tech agriculture investments in Vietnam.
Keywords: High tech agriculture, investment prospects.