Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta khẳng định: “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”. Điều này cho thấy, Đảng ta nhìn nhận tầm quan trọng của “nguồn lực tôn giáo” trong sự phát triển của đất nước.
Nguồn lực ấy, chắc chắn là nguồn lực vật chất. Nhưng đồng thời, với hệ thống giáo lý chặt chẽ, các tôn giáo còn là hệ thống đạo đức nhân bản, thẩm thấu vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tín đồ. Một mặt, hệ thống đạo đức nhân bản góp phần vào sự phát triển bền vững một cách toàn diện trên các mặt kinh tế, xã hội, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mặt khác, chính hệ thống đạo đức nhân bản như một công cụ, tạo lợi thế cạnh tranh của các tín đồ trong công cuộc mưu sinh ích người, lợi mình.
Đối với Phật giáo, đạo đức và hệ thống giáo lý của tôn giáo này là động lực mạnh mẽ để xây dựng các mối quan hệ kinh tế lành mạnh. Trước hết, trong dạy dỗ các đệ tử về vấn đề kinh tế, Đức Phật luôn có cái nhìn trung đạo: Không cho rằng cá nhân vươn tới sự giàu có thì mới đạt được hạnh phúc, nhưng Ngài cũng không cho rằng giàu có là chuyện mâu thuẫn với đạo Phật.
Chính vì vậy, Đức Phật khuyên mọi người chăm chỉ lao động, tiết kiệm và chịu khó vun đắp cho khối tài sản của mình một cách chân chính làm giàu cho xã hội và cho gia đình mình. Sự tích cực thiện lành của mỗi cá nhân là một viên gạch xây dựng nền tảng cho quốc gia phát triển hưng thịnh.
Trong Kinh Sigalovada, Ngài khuyên một số điều cần tránh nếu muốn tích lũy được khối tài sản đảm bảo cho cuộc sống như “không ngủ cho đến lúc mặt trời lên”; “Không để bản thân rơi vào tình trạng lười biếng, không lao động”; “Không sa đà, nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, khiến cho bản thân say sưa tối ngày, trở thành kẻ sống bê tha, tạm bợ, vô trách nhiệm với người khác”.
Trong quan hệ lao động, Ngài hướng chúng sinh có mối quan hệ giữa chủ và tớ hài hòa để công cuộc sản xuất, kinh doanh được tiến triển tốt đẹp, bền vững, thông qua việc hướng dẫn cho cả hai bên có nhận thức, quan niệm sống và làm việc tích cực để cùng có lợi.
Trong Kinh Thiện Sinh, Đức Phật dạy Thiện Sinh, con trai của một trưởng giả ở thành La-duyệt-kỳ: “Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo: 1- Tùy khả năng mà sai sử. 2- Phải thời cho ăn uống. 3- Phải thời thưởng công lao. 4- Thuốc thang khi bệnh. 5- Cho có thời giờ nghỉ ngơi”.
Đồng thời, Đức Phật cũng dạy cách cư xử của người làm thuê: “Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ : 1- Dậy sớm. 2- Làm việc chu đáo. 3- Không gian cắp. 4- Làm việc có lớp lang. 5- Bảo tồn danh giá chủ.
Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ”.
Từ những lời dạy của Đức Phật và các bậc cao tăng thạc đức truyền nối nhau qua hàng nghìn năm, ta có thể thấy tư tưởng Phật Giáo cổ súy cho cách làm giàu chính đáng; cũng như nhìn nhận tầm quan trọng của sự thỏa mãn nhu cầu vật chất thiết yếu nhất. Phật Giáo cũng chỉ ra, sự thiếu thốn vật chất gây ra nạn trộm cắp, giết người, bạo lực.
Trong Kinh “Andha Sutta” Phật giáo nhấn mạnh sự phát triển toàn diện của con người cần hội đủ những vấn đề về phát triển tinh thần, sự tráng kiện của thân tâm cùng sự bảo đảm về điều kiện kinh tế; cho thấy mối liên hệ giữa đạo đức và các điều kiện kinh tế của dân chúng, và chỉ ra rằng nguyên nhân chính cho sự suy giảm dần đạo đức là nghèo đói, chênh lệch kinh tế, và đói kém.
Đồng thời, thông qua sự phục hồi các tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội mà một trật tự xã hội thịnh vượng cũng được khôi phục. Kinh Phật kể lại rằng, khi nghèo đói lan rộng, có người lấy trộm vật không được cho, phạm tội trộm cắp. Người ta bắt nó và dẫn đến trước vua quán đảnh dòng sát-đế-lợi, tâu rõ việc nó đã làm. Vua hỏi phải chăng nó phạm… trộm cắp, và nó nói: “Tâu Thiên vương, thật vậy”. Vua hỏi, tại sao nó làm vậy, và nó đáp: “Tâu Thiên vương, tôi không có gì để sống”. Rồi nhà vua ban cho người ấy tiền của và nói: “Này anh kia, với tiền của này ngươi hãy tự nuôi dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, siêng làm các công việc, cúng dường các vị sa-môn, bà- la-môn, để có quả báo an lạc hiện tại và tương lai sinh thiên”. Người trả lời ‘Kính vâng, Thiên vương”.
Trong kinh” Sighalovada Sutta”. Đức Phật dạy: “Hạnh phúc và vận may vốn đến từ sức mạnh của kinh tế, không nợ nần và cuộc sống trọn vẹn về đạo đức”.
Tất cả những ví dụ trên cho thấy, Phật giáo nhìn nhận kinh tế là một trong những hoạt động chủ yếu của con người, và ai cũng có nhu cầu vươn lên trên những nấc thang của vật chất. Nhưng đạo đức Phật giáo và hệ thống giáo lý nhân bản của Phật giáo lấy con người là mục tiêu của phát triển kinh tế chứ không đơn thuần chạy theo doanh thu hay lợi nhuận.
Từ đạo đức Phật giáo và hệ thống giáo lý nhân bản của Phật giáo đã sản sinh ra nhiều Phật tử kinh doanh thành đạt, đưa triết lý nhà Phật vào hoạt động kinh tế trên tinh thần: “Sống và làm việc không phải chỉ cho riêng mình mà là cho tất cả mọi người, trong đó có mình”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Thái Hà Books không chỉ là một doanh nhân mà còn là một Phật tử. Khi còn là sinh viên, ông đã bắt đầu kinh doanh các loại thiết bị như đồng hồ, quần áo, giầy dép. Có 100.000 USD vào năm 20 tuổi, và trở thành triệu phú đô la lúc 26 tuổi. Thành đạt rồi, ông không chỉ lao đầu vào kinh doanh mà còn quyết định chọn sứ mệnh sẻ chia, hy vọng có thể mang kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy được, truyền lại cho mọi người.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên kết của cá nhân với xã hội để có được sự cân bằng trong cuộc sống của mỗi con người: “Mỗi người cần có một chiếc kiềng ba chân trong cuộc sống: thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong gia đình và bình an trong chính mình. Khi có bình an trong tâm, bạn sẽ sáng suốt, chọn được con đường đúng đắn, cách sống hợp lý, chọn được bạn tốt, thầy giỏi, và chọn đúng bạn đời. Từ đó thành công sẽ đến như một lẽ hiển nhiên”.
Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất vào tháng 4 năm 2020, ông chủ Thaiha Books liền bắt tay chế tác máy rút gạo bằng chân cho người nghèo ở Hà Nội. Từ ngày 11 tháng 4 đến 30 tháng 4 năm 2020, ông đã phát 10 tấn gạo cho người lao động nghèo.
Doanh nhân – Phật tử Nguyễn Thị Kim Thúy, giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Vàng, được hòa thượng Thích Thanh Từ đặt cho pháp danh Từ Tâm, cho rằng “Công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng dễ dàng, mà thường lắm chông gai, phản trắc, tôi xem đó là thách thức hơn là khó khăn”. Hàng tuần, chị đều đến thiền viện tập tu, thiền, nghe Phật pháp, tụng kinh, tham gia các hoạt động từ thiện. Ông Trần Xuân Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh chia sẻ: "Trong kinh doanh, tôi đặc biệt tâm đắc với điều răn thứ nhất của Phật ("Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình"), khi gặp khó khăn tôi thường đọc điều răn này để tạo động lực cho mình vượt qua”.
Có thể thấy, đức tin nhân bản Phật giáo có sức lan tỏa trong mọi Phật tử, điều chỉnh các hành vi kinh doanh, nhưng đồng thời cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong xu thế con người ngày càng quan tâm đến sự phát triển cân bằng và bền vững.