Tiến trình thực thi các FTA trong thời gian qua đã có những tác động tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
Theo thống kê, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các nước trong FTA giai đoạn 2021- 2022 ước đạt hơn 449 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 259,4 tỷ USD.
Thực thi FTA tại các địa phương chưa đồng đều, thiếu chuyên sâu
Trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA” do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 31/10, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trên cả nước triển khai Kế hoạch thực thi các FTA tập trung vào 05 nhóm giải pháp về tuyên truyền; pháp luật; hỗ trợ; nhóm giải pháp liên quan đến phát triển bền vững và nhóm giải pháp liên quan đến các vấn đề về xã hội.
Theo ông Khanh, các địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai các nhóm giải pháp tuy nhiên kết quả thực hiện không đồng đều. Có địa phương tích cực ở nhóm tuyên truyền; có địa phương thì tích cực ở nhóm hỗ trợ, có địa phương thì tích cực liên quan đến vấn đề phát triển bền vững...
Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền được triển khai nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều hội nghị với nội dung chung chung, mà thiếu vắng những hội nghị, hội thảo hay tọa đàm chuyên đề đi sâu vào các vấn đề doanh nghiệp quan tâm hay những vấn đề mới liên quan.
“Chúng tôi thống kê cứ trung bình một ngày có khoảng một hội nghị, hội thảo diễn ra trong thời gian vừa qua, tức là chúng ta rất quan tâm đến việc tuyên truyền nhưng độ sâu của các hoạt động tuyên truyền đấy chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Khanh chia sẻ.
Hầu hết các địa phương chưa có một chương trình hỗ trợ cụ thể để tận dụng các FTA. Số lượng cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA ở các tỉnh, thành còn thiếu; chuyên môn về các FTA hay hướng dẫn doanh nghiệp còn hạn chế.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, các địa phương đều đã ban hành kế hoạch hành động để thực hiện các FTA và có những hoạt động, kế hoạch để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện... là những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác thực thi FTA tại các địa phương vẫn cần cải thiện hơn ở một số nội dung.
Điểm cần cải thiện đầu tiên là vấn đề về chất lượng của các hoạt động thông tin tuyên truyền. Theo ông Dương, ngoại trừ hoạt động phổ biến, tập huấn về xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương triển khai thường xuyên và chất lượng, các nội dung khác tần suất ít hơn và chưa được kịp thời.
Bên cạnh đó, do các địa phương có điều kiện tổ chức và nhiều đối tượng tham gia khác nhau nên nội dung truyền đạt của các hội nghị, hội thảo thường được thiết kế theo hướng bảo đảm cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều có thể hấp thụ được, chưa có sự chuyên biệt theo từng đối tượng. “Ở một chừng mực nhất định điều này làm cho độ sâu của các hoạt động bị ảnh hưởng”, ông Dương nhận định.
Từ góc độ doanh nghiệp được hỗ trợ, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đánh giá cao các địa phương ngày càng nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên bà Hương cũng cho rằng công tác triển khai thực thi FTA ở các địa phương không đồng đều.
Ở khu vực phía Nam những tỉnh có các khu công nghiệp tập trung quy mô có những tiếp cận về đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp về những quy định mới trong EVFTA, CPTPP, RCEP, trong xuất khẩu và có các hoạt động kết nối thị trường mạnh mẽ, bài bản hơn là những địa phương có ít khu công nghiệp hoặc ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nơi có số lượng doanh nghiệp FDI ít.
“Một số Sở Công Thương địa phương đã hỗ trợ chúng tôi xúc tiến, tuy nhiên có những thị trường phù hợp với điện tử, có những thị trường chúng tôi cũng hơi khó tham gia vì chưa phù hợp với các doanh nghiệp điện tử Việt Nam”, bà Hương cho biết.
Đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi FTA tại địa phương
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong triển khai thực thi các FTA, bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết: Mặc dù gặp khó khăn chung như các địa phương khác nhưng kim ngạch xuất khẩu của Thái Bình thời gian qua vẫn đạt tăng trưởng tích cực, trung bình tăng 14,3% trong 3 năm gần đây.
Để được có được kết quả đó, ngoài năng lực và sự chủ động của doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh tận dụng các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
“Đáng chú ý qua tập huấn, hướng dẫn, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã chuyển hướng sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối để đáp ứng được tiêu chí xuất xứ trong hiệp định và tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan mà các hiệp định mang lại”, bà Lan chia sẻ.
Trong thời gian tới để tận dụng các FTA đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, Sở Công Thương Thái Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu. Trong đó tiếp tục tập trung tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội từ các FTA. Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai những giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, ngành nghề có ưu thế để tận dụng các FTA.
Để nâng cao hiệu quả thực thi các FTA, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, đầu tiên cần nâng cao nhận thức của các địa phương đối với thực thi cam kết trong các FTA. Việc các địa phương dành sự quan tâm đúng mức đến các FTA sẽ giúp công tác tổ chức thực thi và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Đặc biệt trong các hoạt động tuyên truyền, cần quan tâm hơn đến những vấn đề mới không ghi trong nội dung hiệp định nhưng ảnh hưởng đến việc thực thi các FTA, ví dụ những quy định mới của thị trường FTA… từ đó giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin và có sự chuẩn bị thích ứng phù hợp.
Đồng quan điểm này, bà Đỗ Thị Thúy Hương đề nghị, để các địa phương có thể tận dụng tốt và triển khai FTA một cách hiệu quả cần hơn hết là sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương, từ Bộ xuống tới các địa phương, đặc biệt với các hạng mục liên quan đến sản xuất công nghiệp. Những hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng cần cụ thể, chiều sâu để doanh nghiệp có thể nắm bắt được mà thực thi, tận dụng.
Từ góc độ cơ quan đầu mối triển khai thực thi các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho biết mới đây Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng ý giao Bộ Công Thương xây dựng một kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lấy ý kiến các bộ, ngành, phối hợp với các địa phương để định vị được thời gian tới chúng ta sẽ tuyên truyền những gì và các bộ, ngành, các địa phương sẽ phối hợp với nhau để không bị chồng chéo, đi sâu vào những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Liên quan đến xây dựng, kết nối, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng kết nối hệ sinh thái để làm sao cho các tỉnh, thành chia sẻ với nhau các sáng kiến, kinh nghiệm triển khai các FTA để các địa phương lan tỏa và học hỏi lẫn nhau cùng làm tốt hơn.
Một khía cạnh khác của hệ sinh thái thực thi FTA, theo ông Khanh, là việc các địa phương có cùng sản phẩm, mặt hàng thế mạnh cần liên kết, hợp tác với nhau để phát triển tận dụng các FTA, thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
“Nếu địa phương, doanh nghiệp nào đã có sản phẩm có thương hiệu tốt rồi nên ngồi với nhau xem xét theo hướng tham gia trong chuỗi cung ứng của địa phương, doanh nghiệp đó và thay vì cạnh tranh nhau chúng ta sẽ tập trung để phối hợp với nhau cùng phát triển đi lên”, ông Khanh đề xuất. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành kết nối, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau để tận dụng được các FTA.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhân lực còn hạn chế, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan đào tạo các chuyên gia về FTA không chỉ cho cơ quan, địa phương mà kể cả các doanh nghiệp, hiệp hội. Tiến tới các Bộ ngành sẽ xây dựng các chương trình đào tạo với các trường đại học để tạo nguồn nhân lực thực thi FTA cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý.
Đặc biệt, ông Khanh cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện nay Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương gấp rút hoàn thành việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện FTA tại các địa phương (FTA Index) để có thể công bố lần đầu tiên vào cuối năm nay.
“Chúng tôi hy vọng rằng với tư duy tương tự như bộ chỉ số PCI thì FTA Index giúp cho các tỉnh quan tâm hơn, chú trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA. Đồng thời hy vọng rằng khi các hoạt động này bắt đầu được triển khai một cách tích cực thì hiệu quả tận dụng FTA tại các địa phương sẽ tăng lên đáng kể”, ông Ngô Chung Khanh bày tỏ.