Trường Đại học Thủ Dầu Một: Tập trung vào 6 thành tố cốt lõi để xây dựng và phát triển

Trường Đại học Thủ Dầu Một được thành lập vào năm 2009, tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương - một cơ sở đào tạo sư phạm uy tín của tỉnh Bình Dương.

Với giá trị cốt lõi "Khát vọng - Trách nhiệm - Sáng tạo", Trường Đại học Thủ Dầu Một đã và đang khẳng định vị thế của trường đại học công lập trọng điểm, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương. Đồng thời ghi dấu ấn trong hệ thống giáo dục nước nhà và gắn kết hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến thế giới.

Trường Đại học Thủ Dầu Một được thành lập vào năm 2009, tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương - một cơ sở đào tạo sư phạm uy tín của tỉnh Bình Dương. Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học và công nghệ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ và cả nước.

1.	Trường Đại học Thủ Dầu Một đăng cai tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Thiết kế vật liệu tính toán châu Á - Lần thứ XII vào tháng 4-2022 theo hình thức trực tuyến
Trường Đại học Thủ Dầu Một đăng cai tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Thiết kế vật liệu tính toán châu Á Lần thứ XII vào tháng 4.2022 theo hình thức trực tuyến

Trường Đại học Thủ Dầu Một tại cơ sở Trần Văn Ơn có diện tích 6,7 ha với đầy đủ hệ thống phòng lý thuyết, phòng thực hành công nghệ thông tin, phòng nghiên cứu khoa học, phòng thực hành thí nghiệm… đáp ứng các nhu cầu dạy và học của nhà trường. Ở đây còn có các khuôn viên tự học và không gian rèn luyện thể dục thể thao đa dạng.

Trường cũng đang được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng cơ sở 2 (diện tích 57,6 ha) tại Khu đô thị Thới Hòa, Thị xã Bến Cát với hệ thống xưởng thực hành, thực nghiệm hiện đại cho các ngành khối khoa học công nghệ, tự nhiên, kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật,… để phục vụ hiệu quả công tác đào tạo, nghiên cứu của nhà trường.

Trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã xây dựng được hệ thống đào tạo hiệu quả từ sự kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống với các bài tập điển hình, mô phỏng sử dụng các phần mềm ứng dụng trên nền tảng số và học tập thực hành tại các doanh nghiệp.

Đến nay nhà trường đã có vị thế vững chắc và đạt được nhiều thành tích xuất sắc như: là thành viên tổ chức CDIO thế giới (từ năm 2015), thành viên liên kết của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á – AUN (từ năm 2017); đạt Chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia vào tháng 11/2017; đạt chuẩn 4 sao UPM (University Performance Metrics) từ tháng 8/2020; có 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, 20 chương trình đào tạo đạt chuẩn MOET.

2.	Trường Đại học Thủ Dầu Một đã kiểm định thành công 8 chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA
Trường Đại học Thủ Dầu Một đã kiểm định thành công 8 chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA

Hiện nay trường đang có trên 20.000 sinh viên, học viên được đào tạo ở 50 ngành bậc đại học, 11 ngành bậc cao học và 1 ngành bậc tiến sĩ. Các ngành nghề đào tạo của trường đáp ứng hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, trường cũng đặc biệt chú trọng đào tạo các ngành mũi nhọn, ứng dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn và các ngành phục vụ cho đặc thù của địa phương. Số lượng tuyển sinh hàng năm luôn vượt mức chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp luôn trên 90%.

Tổng số cán bộ giảng viên (CBGV) đang công tác tại trường là 775 người, trong đó có 22 Giáo sư – Phó Giáo sư, 135 Tiến sĩ, 557 Thạc sĩ.  Trong giai đoạn 2009-2022, cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một đã công bố 1.210 công trình nghiên cứu, bài báo quốc tế.

Trường vào Top 30 cơ sở giáo dục có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam (năm 2019), giữ vị trí 20/184 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam theo bảng xếp hạng của Webometrics (năm 2022).

Trong quá trình phát triển, nhà trường đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều đơn vị giáo dục uy tín trên thế giới. Đến năm 2022, Trường đã xác lập, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, Úc. Các chương trình hợp tác đa dạng, phù hợp với thế mạnh của từng trường, viện.

Mỗi năm, trường đưa ít nhất 10 sinh viên sang các nước đối tác học tập theo các thỏa thuận hợp tác trao đổi sinh viên, tiếp nhận đào tạo 10 đến 15 sinh viên Lào sang học tập ở các chuyên ngành về kinh tế, công nghệ thông tin, kiến trúc; thường xuyên tiếp nhận sinh viên tình nguyện và giao lưu văn hóa với sinh viên quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương về mục tiêu xây dựng nhà trường trở thành trường đại học thông minh, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp – Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết:  Thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung xây dựng và phát triển nhà trường theo mô hình đại học thông minh dựa trên 6 thành tố cốt lõi:

Một là - Khuôn viên thông minh: Xây dựng các hạng mục đầu tư theo hướng công nghệ xanh và số hóa, từng hạng mục được khai thác phù hợp với công năng sử dụng, tiết kiệm năng lượng, ứng xử văn hóa với thiên nhiên và con người.

Hai là- Con người thông minh: đội ngũ cán bộ đũ chuẩn theo vị trí công việc, có năng lực đổi mới và hội nhập; người học có khả năng làm việc trong nước và nước ngoài, khả năng học tập suốt đời.

Ba là - Nghiên cứu thông minh: có tính ứng dụng cao đáp ứng sự phát triển sáng tạo của con người vùng Đông Nam Bộ và phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Bốn là - Công nghệ thông minh: Đầu tư, ứng dụng công nghệ, phương pháp dạy học hiện đại, hiệu quả.

Năm là - Quản trị thông minh: Xây dựng mô hình đại học hai cấp, tự chủ đại học, ứng dụng các giải pháp quản trị nguồn nhân lực, năng suất lao động trong công tác điều hành nhà trường.

Sáu là - Ảnh hưởng thông minh: Truyền tải các hoạt động của nhà trường, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến cộng đồng, thu hút nguồn lực trong xã hội cùng trường xây dựng môi trường sống tích cực.Trên cơ sở đó trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý điều hành nhằm hiện thực hóa những yêu cầu, nhiệm vụ được UBND tỉnh Bình Dương giao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển và hội nhập của địa phương, của đất nước.

 

Văn Thắng