PV: Là người được trực tiếp tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ những ngày đầu, thưa TS. Lê Việt Nga, với bà, kỷ niệm về Cuộc vận động chắc hẳn còn rất sâu sắc?
TS. Lê Việt Nga: Đã 15 năm, nhưng cho tới nay tôi vẫn nhớ tháng 7/2009, Bộ Chính trị chính thức ra thông báo Kết luận triển khai Cuộc vận động và Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên được ký Chương trình hành động để triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sau khi Chương trình hành động được ban hành, “cơn bão” khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009 bùng nổ, hàng hóa Việt Nam vì thế không thể xuất khẩu được, doanh nghiệp rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương đề ra Kế hoạch, Chương trình hành động cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 4 nhóm nhiệm vụ chính: (i) đẩy mạnh truyền thông; (ii) tăng cường kết nối cung cầu; (iii) xây dựng hạ tầng, những điểm bán hàng Việt Nam; và (iv) nâng cao năng lực, kỹ năng của doanh nghiệp trong kinh doanh hàng Việt Nam.
Đến năm 2012, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, đồng chí Trương Quang Hoài Nam - Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương (lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đã có bài phát biểu ngắn với Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại ý: Ngành Công Thương nhận thức đây là một lợi ích tự thân của Ngành, nên chúng tôi sẵn sàng tham gia Cuộc vận động một cách tích cực nhất, hãy giao cho chúng tôi nhiệm vụ được tham mưu nhiều hơn cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong triển khai Cuộc vận động,...
Với những tâm huyết đó, cùng sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước và Bộ Chính trị, Cuộc vận động đã bắt đầu triển khai bằng những thông tin đầu tiên, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Giúp việc và xây dựng kế hoạch hằng năm để triển khai trên toàn quốc. Kế hoạch này không chỉ là dành riêng cho thị trường trong nước, mà dựa vào đó phải thể chế hóa, cải cách hành chính để lồng ghép các lĩnh vực khác trong toàn ngành Công Thương, như: quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, thị trường nước ngoài…
Cùng với đó, huy động sự chung tay, vào cuộc liên ngành, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp, kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau, xây dựng cộng đồng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
PV: Kết nối tiêu thụ hàng Việt và bình ổn thị trường là những hoạt động mà ngành Công Thương và các địa phương đã làm rất hiệu quả trong những năm qua, bà có thể cho biết thêm thông tin về những hoạt động này?
TS. Lê Việt Nga: Giai đoạn năm 2011 - 2012 là đỉnh điểm của khó khăn. Trước yêu cầu bức bách đưa nền kinh tế đất nước vượt qua thách thức, Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp trong nước ưu tiên tiêu thụ hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu của nhau. Lúc bấy giờ, 11 tập đoàn, tổng công ty đã cùng ngồi lại với nhau với quyết tâm: Chung tay cứu lấy thị trường. Điển hình là việc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhập hàng hóa, nguyên, phụ liệu từ các doanh nghiệp trong nước để may đồng phục cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Rồi từ mô hình đầu tiên này, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tới gặp Vụ Thị trường trong nước bày tỏ mong muốn cùng đồng hành, giúp Sở lồng ghép chương trình hàng Việt vào hỗ trợ bình ổn thị trường. Mục tiêu để Thành phố không bị lũng đoạn về giá, về nguồn hàng, khi lạm phát tăng đến 20% vào năm 2012. Chương trình kết nối cung cầu của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông, Tây Nam bộ ra đời trong hoàn cảnh đó. TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, ký kết giữa các tỉnh với nhau, đưa hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh và ngược lại, để bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát. Ngày hôm đó, các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất nhỏ lẻ về tham dự rất đông. Bên bán, bên mua và cả những hệ thống siêu thị Việt Nam như Saigon Co.op hay SATRA cũng rất háo hức và hăng hái. Từ đây, những hợp đồng đầu tiên cũng đã được ký kết, 10 triệu người dân tại TP. Hồ Chí Minh đã được mua những sản phẩm, hàng hóa vừa ngon, vừa rẻ, với giá cả ổn định.
Thành công này lan rộng tới các địa phương, làm thay đổi tư duy về xúc tiến thương mại cho hàng Việt. Từ mô hình của TP. Hồ Chí Minh, đã có hơn 50 tỉnh/thành phố tham gia chương trình dùng hàng Việt để bình ổn thị trường; 100% các tỉnh/thành phố thiết lập nên những điểm bán hàng Việt; tăng cường tổ chức kết nối cung cầu cho hàng hóa Việt Nam. Từ đó, chương trình xúc tiến thương mại hàng năm được tập trung vào kích cầu tiêu dùng hàng Việt, khi thì OCOP, khi thì đặc sản vùng miền,… nhờ vậy, tỷ lệ hàng Việt vẫn được duy trì trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa.
Nhờ đó, chỉ số giá tiêu dùng sau đó luôn được dao động quanh ngưỡng 5%. Đây là thành công lớn nhất của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và của ngành Công Thương trong hỗ trợ bình ổn thị trường, không để thị trường bị vỡ, kiềm chế lạm phát, gỡ khó cho nhà sản xuất.
Một câu chuyện khác về kết nối, đó là năm 2014, do ách tắc tại biên giới, toàn bộ vải thiều Bắc Giang ùn ứ, Bộ Công Thương với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm đã cùng nhau bàn cách “giải cứu” vải. Bộ Công Thương đã tích cực liên hệ với các tỉnh Đông, Tây Nam bộ, giới thiệu và quảng bá về quả vải thiều Bắc Giang mọng nước thế nào, ăn ngọt ra sao… (vì bà con mình trong đó còn rất xa lạ với quả vải).
Mặt khác, Bộ cũng nhờ những thương nhân chuyên thu mua vải thiều xuất khẩu, hỗ trợ công nghệ đóng gói, bảo quản để vận chuyển từ Bắc vào Nam mà vẫn giữ được độ tươi ngon cho quả vải.
Bằng cách này, toàn bộ vụ vải thiều 300.000 tấn của Bắc Giang đã được giải cứu thành công. Có được kết quả đó cũng là nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Có thể nói, Cuộc vận động đã đem lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm về công tác kết nối để có được nguồn hàng duy trì với giá cả bình ổn, kể cả khi dịch Covid-19 bùng nổ và diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
PV: Sau 15 năm Cuộc vận động đã có bước tiến dài từ lượng sang chất, từ góc nhìn Công Thương, bà có đánh giá gì về ý kiến này?
TS. Lê Việt Nga: Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai điều tra, khảo sát toàn quốc, từ các bộ, ngành liên quan đến các địa phương và đề xuất phương án triển khai.
Nhờ đó, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày 17/9/2012 chính thức được ban hành, trong đó đề xuất nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành. Bộ Công Thương được giao xây dựng, triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam. Theo đó, Cuộc vận động đã lồng ghép thêm chương trình đưa sản phẩm, hàng hóa an toàn thực phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối hiện đại, thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm Việt an toàn.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ đây đã bước sang giai đoạn mới, chuyển dần sang tạo động lực cho sản xuất trong nước phát triển.
Cuộc vận động tiếp tục được đẩy mạnh triển khai hơn nữa khi triển khai thành Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ thống phân phối nước ngoài do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ làm đầu mối và lan rộng đến Cục Công nghiệp, xây dựng Đề án, Chương trình công nghiệp hỗ trợ được duy trì đến ngày hôm nay.
Nếu như cách đây 10 năm, nguyên, nhiên, vật liệu trong nước chỉ cung ứng được khoảng 20 - 25% cho ngành Dệt May, Da Giày, đến nay, đã tăng lên đến 50 - 60% và sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Hay trước đây, khi Uniqlo xuất hiện ở Việt Nam, chỉ có khoảng 20 - 25% là hàng Made-in-Vietnam. Nhờ vận động của Bộ Công Thương, đến năm nay, Uniqlo đã đạt 60% và phấn đấu đạt 70% hàng hóa Made-in-Vietnam được đưa vào hệ thống và xuất khẩu vào năm tới.
Tại AEON Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới đạt 1 tỷ USD xuất khẩu hàng AEON TopValu - gia công tại Việt Nam, bán trong hệ thống AEON toàn cầu.
Hay tại Lotte Mart đã gia công 800 sản phẩm Choice L tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời Lotte Mart cũng mở ra những quầy, kệ hàng sản phẩm OCOP ở những vị trí đẹp mắt nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm trong nước.
Từ những thành công đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục chuyển mình, vươn lên tầm thế mới, đó là “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, chuyển đổi từ lượng đến chất, từ tỷ lệ hàng Việt cung cấp cho thị trường đến chất lượng hàng Việt phục vụ thị trường.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình này, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Mặt trận Tổ quốc trong việc vận động các bộ, ngành liên quan. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng nên Chương trình OCOP - “Mỗi xã một sản phẩm”. Chỉ sau 6 năm, đến nay, đã có đến 12.000 sản phẩm đạt chất lượng OCOP, là những sản phẩm chất lượng, thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử…
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành công, còn có sự đóng góp của công tác quản lý thị trường, phòng vệ thương mại. Ngay cả trên môi trường mới như thương mại điện tử, Bộ Công Thương cũng đã vận động nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, nhiều nền tảng như TikTok, Shopee... “xắn tay” tham gia vào tuyên truyền về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, mở các gian hàng Việt…
Có thể thấy rằng, vai trò của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là rất quan trọng trong đời sống hằng ngày cũng như trong những lúc giải quyết khủng hoảng (vì trong mọi tình huống, phải đảm bảo được hàng hóa lưu thông, phục vụ được cho sản xuất). Đây là công cụ vô cùng quý mà Bộ Chính trị tạo ra cho ngành Công Thương, giúp cho ngành Công Thương hoàn thành được các nhiệm vụ được giao và góp phần cho Ngành phát triển.
PV: Xin cảm ơn bà!