Hiểu đúng, làm đúng về xuất xứ, ghi danh xuất xứ.
Qua 2 buổi chất vấn, tôi thấy trả lời của Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề của cử tri nêu lên. Chẳng hạn cách thức xử lý thế nào trong các hoạt động thương mại quốc tế gắn với hành vi gian lận xuất xứ, nhất là trong bối cảnh hiện nay có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tôi nghĩ trong bối cảnh đó, mình phải khôn khéo, hợp pháp, hợp lệ, hợp cam kết quốc tế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng công ăn việc làm rất tốt.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tất nhiên có tác động tiêu cực là giảm tốc độ tăng trưởng của các đối tác, nhưng cũng giúp chuyển hướng thương mại, đầu tư.
Mặt khác, chúng ta phải tuân thủ cam kết, cạnh tranh đàng hoàng, tuân thủ thông lệ - chuẩn mực tốt, không phải chỉ vì cuộc chiến, mà đây là chiến lược dài hạn, “chơi” đàng hoàng, là điểm cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, vừa tạo lòng tin cho cộng đồng quốc tế .
Việc này Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh từ khi cuộc chiến này mới nổ ra, ngay từ tháng 7, tháng 8 năm 2018. Thậm chí trước đó đã có cảnh báo đối với các hiệp hội, ngành hàng.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, Bộ đã có nỗ lực mạnh mẽ trong xử lý, minh bạch, rõ ràng hơn về truyền thông, thông tin, nhóm ngành hàng nào có nguy cơ bị gian lận; tập trung hơn trong việc phối hợp với các Bộ, Ngành để giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể có các nguy cơ gian lận xuất xứ. Việt Nam đã nỗ lực rất lớn về mặt truyền thông, pháp lý để doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng câu chuyện về xuất xứ và ghi danh xuất xứ.
Phản ánh được sự thay đổi của công nghệ.
Đối với lĩnh vực điện mặt trời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời rất rõ, rất thẳng về vấn đề này. Chúng ta cũng có phần lúng túng. Nó thể hiện ở khâu chuẩn bị, khi công nghệ năng lượng thay đổi quá nhanh, áp lực phải cung cấp đủ nguồn năng lượng, và yêu cầu năng lượng xanh, sạch phải đáp ứng một tỷ lệ nhất định trong cơ cấu nguồn điện. Áp lực nào cũng rất lớn.
Nhưng nếu nói, chúng ta nhận thức chưa đầy đủ thì không phải, không đúng. Mà đây là có phần khó khăn, có phần chậm chễ, lúng túng trong quá trình triển khai trước những áp lực, đòi hỏi ấy.
Ví dụ, Chương 7 của Hiệp định EVFTA nói về các hàng rào phi thuế quan đối với việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là ví dụ cho thấy, Việt Nam đã nhận thức đầy đủ vấn đề này.
Tuy nhiên, sự lúng túng ấy là do một phần chủ quan từ phía Việt Nam nhưng cũng một phần khách quan, đối với nhiều nước chuyện phát triển năng lượng có một số vấn đề khó khăn. Để thúc đẩy năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, thường nhà nước phải trợ giá.
Thực tế có quốc gia láng giềng đặt trợ cấp để kích thích đầu tư vào điện mặt trời; nhưng sau 3 năm, công nghệ thay đổi, chi phí giá thành điện mặt trời giảm, nhưng cam kết hỗ trợ giá vẫn còn hiệu lực. Do vậy, công chúng cảm thấy nhà nước bị “thiệt”. Đây cũng là điều khiến cho công tác chuẩn bị điều hành về giá thời gian qua của chúng ta gặp lúng túng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn này, tôi nghĩ chúng ta phải minh bạch, rõ ràng với các nhà đầu tư, hỗ trợ vừa đủ khuyến khích nhưng cũng phản ánh được thay đổi của công nghệ. Ví du, mỗi 1 lần, mức trợ giá, giá thành sản xuất của công nghệ ấy cao hơn mức bình quân thị trường thì tôi trợ cấp. Nhưng 2 đến 3 năm phải xem lại một lần. Nếu giá thành sản xuất bình quân giảm, thì mức hỗ trợ cũng giảm tương ứng.
Hai điều mong muốn
Nhìn tổng quan, buổi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương, tôi thấy về cơ bản người đứng đầu ngành giải trình tương đối rõ, đi thẳng vào vấn đề, thể hiện được trách nhiệm của Bộ, cũng như sự phối hợp của Bộ với các Bộ, ngành khác.
Đương nhiên hàng loạt vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu rất rộng; thời gian giải trình ngắn, khó có thể đi sâu vào các vấn đề và thỏa mãn tất cả góc cạnh của vấn đề.
Từ đây, tôi mong muốn hai điều. Một là, mỗi lần Quốc hội chất vấn thường chọn ra 4 - 5 Bộ, Ngành. Câu chuyện chất vấn không chỉ là giải trình thời điểm đó, mà về sau “anh” đã lên kế hoạch, tổ chức thực hiện thế nào? Kết quả ra sao? Đó là những vấn đề cần công khai. Bởi vậy, ở mỗi kỳ họp, người đứng đầu Bộ, Ngành phải giải trình những vấn đề, những cam kết từ kỳ họp lần trước để cử tri và đại biểu Quốc hội nắm được.
Thứ hai, đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri nêu lên những vấn đề cần được giải trình. Nhưng tôi có cảm giác vấn đề nêu lên chủ yếu nhấn mạnh vào những vấn đề bức xúc trước mắt, còn những vấn đề dài hơi, mang tính chiến lược, bài bản chưa được quan tâm nhiều.
Ví dụ trong trường hợp của Bộ Công Thương, tôi rất mong Quốc hội phải hỏi những vấn đề nằm trong một phạm vi lớn hơn nhiều, không chỉ là mấy nhà máy, dự án điện chậm tiến độ, dù chuyện này cũng quan trọng. Vấn đề cần được nhìn nhận, đặt ra trong bối cảnh phát triển ngành năng lượng hiện nay, đó là vừa phải đảm bảo nguồn cho tăng trưởng kinh tế, vừa phải đảm bảo tỷ lệ năng lượng sạch ngày càng tăng trong cơ cấu nguồn điện; trong xu thế công nghệ ngày càng thay đổi nhanh chóng; trong vấn đề tương tác của mình với các đối tác và trong khi các đối tác ấy luôn ở trong một bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động.
Nhóm nội dung Quốc hội chọn để chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Quản lý, điều tiết điện lực; thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, thương mại điện tử và kinh tế số, công tác quản lý thị trường, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.