Theo đó, các loại thủy sản khi được nhập khẩu vào UAE sẽ phải được sản xuất, giết mổ, chế biến và ghi nhãn phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của CODEX và Luật Shariah của Hồi giáo. Chứng nhận Halal là chứng nhận về mặt tôn giáo, chứng nhận an toàn để cộng đồng người Hồi giáo có thể sử dụng, chứ không phải chứng nhận về mặt chất lượng hay môi trường. Đối với người Hồi giáo, những sản phẩm mà họ mua để sử dụng cho con người (như đồ uống, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm..) đều phải được gắn nhãn Halal và người tiêu dùng Hồi giáo luôn ưu tiên lựa chọn mua những sản phẩm có dấu Halal.
UAE phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung thủy sản nhập khẩu do nguồn cung thủy sản trong nội địa nước này chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu sử dụng, 75% còn lại đến từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường UAE trong tháng 2/2014 đạt trên 4 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2013 (Tính chung 2 tháng đầu năm 2013, mức kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt tới trên 8 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013).
Thị trường UAE được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho hàng thủy sản Việt Nam. Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã được thị trường này chấp nhận, đặc biệt, hai mặt hàng cá tra, basa đông lạnh rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa cách, nên các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường UAE chủ yếu vẫn là hàng thủy sản khô và đông lạnh, giá trị chưa cao.