Từ 9 vấn đề tồn tại...
Ngày 21/2/2017, Bộ trưởng Công Thương ban hành Quyết định 507 thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong phần mục tiêu thực hiện Chính phủ điện tử, Quyết định 507 yêu cầu “Cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến.
Tháng 7 năm sau, trong cuộc họp đánh giá thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng đã chỉ ra 9 vấn đề còn tồn tại, trong đó có vấn đề dịch vụ côn trực tuyến triển khai ở cấp độ 3 và 4, một số ở cấp độ 2 nhưng hiệu quả thực tế chưa cao; các phần mềm quản lý chuyên ngành chưa tốt, chưa xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hoạt động ứng dụng CNTT như thư điện tử, quản lý văn bản đã xây dựng, đã có quy chế thực hiện nhưng thiếu đôn đốc, kiểm tra, nên sau một thời gian lại trở về tình trạng vừa xử lý bằng văn bản giấy vừa xử lý văn bản điện tử; hạ tầng CNTT phục vụ ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT chưa đảm bảo...
Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát lại toàn bộ các văn bản mà Bộ đã ban hành để đề ra những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2018 – 2020 và kế hoạch của từng năm trong giai đoạn này nhằm đưa Bộ Công Thương trở thành Bộ Công Thương điện tử.
Từ đó, các đơn vị liên quan trong Bộ đã nhanh chóng rà soát, thống kê, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến, ban hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm pháp lý hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 3 và 4 một cách thực chất. Cụ thể, đã triển khai mới 15 DVCTT, cập nhật, nâng cấp 23 DVCTT thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, an toàn công nghiệp, điện… Hoàn tất xây dựng 10 DVCTT mức độ 4 thuộc lĩnh vực năng lượng, xúc tiến thương mại, lưu thông hàng hóa trong nước.
... đến vươn lên vị trí thứ 2
Cho đến nay, tất cả 292 TTHC cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó có 153 DVCTT mức độ 3 và 4. Tất cả các DVCTT đều được triển khai tại Cổng DVCTT của Bộ Công Thương. Theo thống kê, có hơn 2.500 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ. Năm 2018, Bộ Công Thương đã xử lý trên 1,4 triệu bộ hồ sơ điện tử qua các DVCTT mức độ 3 và 4, tương ứng 98,9%.
Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ hàng vạn lượt doanh nghiệp trong việc sử dụng các DVCTT thông qua điện thoại, email… góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong việc tiếp cận với các TTHC do Bộ quản lý.
Về hạ tầng kinh tế số, Bộ đã triển khai hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia Keypay; giải pháp quản lý chứng từ điện tử trong thương mại; phát triển giải pháp cho TMĐT trên nền tảng hạ tầng SMS và dịch vụ viễn thông; phát triển hạ tầng thẻ thông minh.
Cùng với đó, Bộ Công Thương chủ động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, như thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử và kinh tế số giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua các cuộc trao đổi, làm việc với Đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác Thương mại điện tử và Công nghiệp 4.0 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Áo... Đồng thời, tổ chức hàng loạt các hội thảo, tọa đàm và khảo sát như Hội thảo Khoa học Quốc gia “Thương mại điện tử và giải pháp thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”; Hội thảo “Thương mại điện tử và nâng cao năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp”; Hội thảo “Các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển Kinh tế số Việt Nam”; Khảo sát mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp chuyển đổi số tiếp cận nền kinh tế số hóa...
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra Bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố năm 2018. Theo đó, Bộ Công Thương đã vươn lên vị trí thứ 2 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, đây được coi là tiến bộ vượt bậc khi năm 2017 chỉ đứng ở vị trí 17.
Thành quả này không chỉ giúp Bộ Công Thương từng bước hướng gần hơn tới mục tiêu Bộ Công Thương điện tử mà còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền hiệu quả hơn, ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh một cách thực chất hơn.