Xuất khẩu tiềm năng nhưng chưa khai thác hết
Chiều 23/7/2019, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức buổi làm việc với Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn để bàn về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh, đồng thời rà soát tiến độ triển khai các dự án năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng tích cực.
Năm 2018, GRDP tăng 10,53%, giá trị sản xuất tăng 12,25% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra và là năm thứ ba liên tiếp, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số. Trong đó, sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 20,07%; thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá.
6 tháng đầu năm 2019, hoạt động công nghiệp, thương mại tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Để có sự tăng trưởng tích cực đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, sớm đưa khu kinh tế tổng hợp này vào hoạt động tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đáng chú ý, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án kinh tế trọng điểm gồm: Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình; dự án điện gió; dự án nhà máy Amonitrat; dự án “Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Thái Bình và Hàm Rồng lô 102 và 106 - giai đoạn 1” và dự án “Hệ thống phân phối khí thấp áp cho Khu công nghiệp Tiền Hải”.
“Các dự án này được lãnh đạo tỉnh quan tâm đôn đốc chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, bước đầu hoạt động đã phát huy hiệu quả, đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, thương mại của tỉnh”, bà Lĩnh nhấn mạnh.
Đánh giá về phát triển công nghiệp của Thái Bình, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thế mạnh của tỉnh là ngành dệt may, hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày chiếm 75%, đây là cơ sở tốt để Thái Bình tiếp tục khai thác về tiềm năng phát triển công nghiệp dệt may.
Cùng với đó, tỉnh Thái Bình cần chú trọng quy hoạch một số khu công nghiệp tập trung, liên kết ngành và thu hút đầu tư trong đó có dệt, vải nhuộm và các nguồn nguyên liệu.
“Trong tỉnh hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tàu quy mô lớn, mang tính lan tỏa về mặt công nghiệp, do đó địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp. Trong đó tập trung hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, dệt may, điện tử... tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trương Thanh Hoài đề xuất.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Thái Bình nằm trong top các tỉnh có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt đối với các ngành dệt may, da giày, xơ sợi.
Do đó, tỉnh Thái Bình phải chú trọng tăng năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt phải tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để tăng được giá trị xuất khẩu.
“Cục Xuất nhập khẩu sẽ làm việc với Sở Công Thương tỉnh Thái Bình về những rào cản mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải trong quá trình thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu”, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin
Trước những quan điểm đề xuất từ phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm đến tỉnh Thái Bình; có giải pháp thúc đẩy làn sóng đầu tư vào tỉnh.
Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm của trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Diên đề nghị, Bộ Công Thương sớm có kế hoạch, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án này sớm hoàn thành theo tiến độ và đưa vào sử dụng.
“Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng với tỉnh sớm nghiên cứu đầu tư nạo vét, cải tạo luồng lạch biển khu vực dự án nhiệt điện đáp ứng nhu cầu vận tải cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả”, ông Nguyễn Hồng Diên kiến nghị.
Tạo đột phá để thu hút đầu tư
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao Thái Bình đã phát huy tối đa cơ chế, chính sách của Nhà nước, tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững.
“Cơ cấu công nghiệp, dịch vụ địa phương có sự tăng trưởng ổn định đã tạo ra được tiền đề hướng tới nền kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, mặc dù tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu cao, nhưng giá trị thu được của tỉnh rất nhỏ. Ngay trong 6 tháng đầu năm Thái Bình xếp hạng 10/10 trong số các các tỉnh của Đồng bằng Bắc bộ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, như vậy tỉnh vẫn chậm so với bức tranh hội nhập.
Do đó, để phát huy vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế ven biển, vị trí kết nối, liên kết kinh tế vùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị Thái Bình cần phát triển công nghiệp tạo ra chuỗi giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tận dụng tốt các ưu đãi mà các hiệp định thương mại mang lại.
Cùng với đó, tỉnh Thái Bình cũng cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo sức hấp dẫn, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào tỉnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý, Sở Công Thương Thái Bình phải là đơn vị tham mưu tích cực cho tỉnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu lại ngành công nghiệp, thương mại mang lại giá trị sản phẩm cao hơn cho tỉnh.
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp tích cực với tỉnh để tổ chức thu hút đầu tư, thu hút công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đầu tư hệ thống thương mại nội địa bán lẻ tạo ra hạ tầng kinh tế, kỹ thuật tốt nhất giúp Thái Bình phát triển công nghiệp, thương mại” Bộ trưởng khẳng định.
Đối với việc khai thác mỏ than Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao cho Vụ Dầu khí và Than phối hợp với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ phù hợp, hiện đại để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.