Theo công bố của Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh tăng 9,14% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tích cực (quý I tăng 9,42%, quý II tăng 10,18%, quý III tăng 7,85%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,30%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,45%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,56%.
Theo đánh giá từ Cục Thống kê tỉnh, đây là mức tăng trưởng tương đối ổn định trong bối cảnh kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn, 9 tháng đầu năm 2024 (giá hiện hành) ước đạt 35.083 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chuyển biến tích cực với chiều hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ. Cụ thể khu vực nông, lâm nghiệp và thủy chiếm 23,30%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,44%, trong cơ cấu nội hàm ngành công nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; khu vực dịch vụ chiếm 43,11%; thuế sản phầm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,15%.
Nhìn chung, 9 tháng năm 2024 các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh, chứng tỏ cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch đúng hướng và tái cơ cấu kinh tế đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Đây là sự chuyển dịch cơ cấu tích cực phù hợp với yêu cầu thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tăng dần tỷ trọng dịch vụ góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và củng cố tiềm lực kinh tế của tỉnh.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện là 3.062 tỷ đồng, đạt 79,28% dự toán, tăng 76,60% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước thực hiện là 2.931 tỷ đồng, đạt 77,14%, tăng 78,66%. Một số khoản thu đạt khá là: Thu từ khu vực Doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thuế Thu nhập cá nhân; thuế Bảo vệ môi trường; các khoản thu về nhà đất...
Tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; đã tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách; thu hút được các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra trong năm 2024, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Trong đó, chủ động, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Các dự án khi hoàn thành sẽ hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng công tác chuyển đổi số đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp, xây dựng với trọng tâm vào các ngành mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: Công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt may, da giày, điện tử,... đôn đốc tiến độ và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án công nghiệp trọng điểm, để các dự án sớm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất, nhằm gia tăng sản lượng và đóng góp thêm các sản phẩm công nghiệp mới và có phương án bù đắp các sản phẩm thiếu hụt, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu sản xuất công nghiệp theo kế hoạch.
Ngoài ra, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024; triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về các gói hỗ trợ hồi phục kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm; các doanh nghiệp có nguồn lực để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, nhanh chóng khôi phục hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.