Uber được thành lập vào năm 2009 tại California (Mỹ), chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống. Mặc dù mang tới nhiều lựa chọn mới cho cả khách hàng và lái xe, song suốt năm 2017, hãng taxi này liên tiếp đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi cũng như các vụ kiện tụng.
Chuỗi vận hạn của Uber bắt đầu từ những ngày đầu tháng 4/2017, một tòa án ở Rome ngày 7/4 đã ban hành lệnh cấm sử dụng các ứng dụng của Uber trên điện thoại thông minh với lý do Uber đang tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình taxi truyền thống.Trong khi các hiệp hội taxi truyền thống hàng đầu của Italy hoan nghênh quyết định nói trên của tòa án thì Uber phải vất vả kháng cáo và tìm cách vận động để phán quyết nói trên bị đình chỉ.Trên thực tế, một số nước châu Âu, trong đó có Đức cũng đã cấm các dịch vụ của Uber, bởi vậy việc giữ đất để làm ăn ở châu Âu đang trở thành thách thức lớn với hãng taxi này.
Sau vụ việc nói trên, vận hạn tiếp tục đeo đẳng các
nhà kinh doanh của Uber ở châu Âu khi ngày 22/9, Cơ quan Giao thông London
(TfL) của Anh thông báo sẽ rút giấy phép hoạt động của Uber tại thành phố này từ
cuối tháng 9, ảnh hưởng đến hơn 40.000 lái xe tham gia mạng lưới cung cấp dịch
vụ taxi này.Thông báo của TfL nêu rõ “cách thức và hành vi của Uber thể
hiện thiếu trách nhiệm doanh nghiệp” liên quan đến một số vấn đề an toàn và an
ninh cho cộng đồng. Không chỉ gặp hạn ở châu Âu, ngay tại nước Mỹ quê hương của
mình, Uber cũng không được chào đón. Vào đầu tháng 5/2017, Chính phủ Mỹ đã mở
cuộc điều tra hình sự đối với hãng cung cấp dịch vụ taxi Uber liên quan đến việc
hãng này sử dụng phần mềm bí mật để qua mặt nhà chức trách tại các khu vực bị hạn
chế hoặc cấm hoạt động. Trước đó, vào tháng 3/2017, báo New York Times là
tờ đầu tiên phát hiện phần mềm Greyball, trong đó Uber dùng dữ liệu khách hàng
để xác định và qua mặt giới chức phát hiện và phạt tài xế của họ tại những địa
điểm cấm hoạt động.
Uber cũng là cái
tên “đáng ghét” với các nhà chức trách tại nhiều nước châu Á. Ở Hàn Quốc, Tòa
án quận trung tâm ở Seoul ngày 26/4 đã phạt chi nhánh của hãng cung cấp dịch vụ
taxi Uber tại Hàn Quốc 10 triệu won (gần 9.000 USD) vì hoạt động kinh doanh vận
tải trái phép tại nước này. Tòa án đưa ra mức phạt trên sau khi cân nhắc việc
hãng này đã thừa nhận các tội danh và vi phạm luật pháp Hàn Quốc.Tại châu
Phi, tình cảnh của Uber cũng không khá hơn khi liên tiếp bùng phát đụng độ giữa
taxi truyền thống và taxi Uber. Ngày 7/9, cảnh sát Nam Phi cho biết 3 xe ô tô
đã bị phóng hỏa tại quận thương mại Sandton của thành phố Johannesburg.Trước
đó, vào tháng 7/2017, một lái xe Uber đã tử vong do bỏng nặng khi chiếc taxi
Uber của người này bị một nhóm người chưa rõ danh tính phóng hỏa. Vụ việc trên
khiến các lái xe Uber phẫn nộ và trong động thái được cho là để tự vệ, các tài
xế này đã tấn công đáp trả nhằm vào các lái xe truyền thống. Hãng Uber đã phải
thuê các nhóm an ninh riêng để bảo vệ lái xe của hãng và hành khách tại các điểm
thường xuyên xảy ra xung đột và đã đề nghị gặp Bộ trưởng Công an Fikile Mbalula
nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ chấm dứt tình hình bạo lực.
Không chỉ gặp rắc rối vì cạnh tranh với taxi truyền thống, vào cuối năm 2017, hãng Uber còn bị nhiều nước điều tra về việc che giấu vụ đánh cắp thông tin khách hàng. Trước đó, hồi cuối năm 2016, tin tặc đã phá vỡ "tường lửa", đột nhập hệ thống máy chủ của Uber và đánh cắp những dữ liệu bao gồm tên, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại của 57 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Uber.Sau khi vụ việc nói trên vỡ lở, vào tháng 11/2017, các nhà chức trách tại Anh, Mỹ cùng với Australia và Philippines thông báo sẽ mở cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối đánh cắp thông tin gây chấn động nói trên.
Năm mới đổi vận
Tuy nhiên, trong năm 2017, giữa những điều đen đủi, đã có một điểm sáng rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Uber, đó là hãng này vẫn đạt doanh thu khủng. Theo trang mạng Axios, thực thu đã có điều chỉnh của Uber trong quý II/2017 là 1,75 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị đặt chỗ đối với các xe của hãng trong cùng thời gian trên cũng tăng gấp đôi, lên tới mức 8,7 tỷ USD, và số lượt đi xe trên toàn cầu cũng tăng 150% so với năm trước đó.
Sau một năm nhiều tai ương, trắc trở, Uber cam kết thay đổi cách thức kinh doanh sau vụ bê bối mới và hy vọng “năm mới đổi vận”. Trong phát biểu tại thủ đô Tokyo cuối tháng 11 vừa qua, Giám đốc kinh doanh Uber tại châu Á-Thái Bình Dương Brooks Entwistle cho biết Uber đang thay đổi cách thức kinh doanh nhằm giải quyết mối quan ngại của các nhà quản lý và các chính phủ trên thế giới.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) mới của tập đoàn Uber trong cuộc gặp với toàn thể nhân viên mới đây và hứa hẹn nỗ lực hết mình vì công ty, đồng thời để ngỏ khả năng Uber phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tương lai.Tại cuộc gặp, ông Khosrowshahi đã chia sẻ quan điểm của mình là công ty tư nhân này nên trở thành công cộng, và gợi ý rằng mục tiêu IPO sẽ được hiện thực hóa trong 18-36 tháng nữa.IPO thể hiện sự tự tin đối với tương lai của công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nếu chứng khoán của công ty đó có những biểu hiện tốt, công ty sẽ có thêm những khoản tiền khổng lồ. Tuy nhiên, lên sàn cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro và không ít cạm bẫy. Tân CEO Khosrowshahi cho biết ông sẽ cân nhắc về ý tưởng này vào thời điểm thích hợp.Việc đưa Uber - một công ty tư nhân có số vốn quay vòng lớn nhất thế giới - lên sàn chứng khoán từ lâu đã là chủ đề được bàn nhiều. Tuy nhiên, cựu CEO của Uber Travis Kalanick chưa dám thực hiện kế hoạch này.
Sau khi nắm quyền điều hành Uber, Khosrowshahi đã có
những bước đi táo bạo trong chiến lược kinh doanh của hãng này, trong đó có việc
mới đây Uber bắt tay với NASA phát triển dịch vụ taxi bay có giá cạnh tranh hơn
so với dịch vụ taxi 4 bánh hiện nay. Trong một tuyên bố, Uber cho biết quyết định
tham gia Dự án Quản lý giao thông không người lái (UTM) của NASA sẽ giúp thúc đẩy
mục tiêu của Uber thực hiện các chuyến bay trình diễn của UberAIR, còn gọi là
“phương tiện bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng” (VTOL), tại một số thành phố của
Mỹ vào năm 2020. Uber bày tỏ mong muốn "khám phá các cơ hội hợp tác với
NASA" nhằm mở ra "một thị trường mới về phương tiện lưu động trên
không".
Ý tưởng về "taxi bay" đã trở
thành một mục tiêu theo đuổi hàng đầu của Uber nhằm cải thiện giao thông đô thị,
theo đó giảm thiểu tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường. Uber cho biết thành phố Los
Angeles thuộc bang California được lựa chọn tham gia chương trình thử nghiệm UberAIR,
cùng với 2 thành phố công bố trước đó là Dallas Fort-Worth thuộc bang Texas và
Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). California và Texas là 2
bang có số lượng ô tô nhiều nhất ở Mỹ. Theo tính toán của Uber, một chuyến đi
UberAir từ sân bay Los Angeles tới sân vận động Staples sẽ chỉ mất 27 phút,
nhanh gấp 3 lần so với đi bằng phương tiện 4 bánh. Ở giai đoạn đầu, UberAir sẽ
có người lái, song sau đó sẽ được tự động hóa trong tương lai. Các "taxi
bay" sẽ cất cánh, hạ cánh trên một mạng lưới được lắp đặt tại các bãi đỗ
xe ô tô hoặc bãi đỗ trực thăng hiện có quanh các nút giao thông đường bộ.
Tân CEO của Uber, ông Khosrowshahi, 48 tuổi, là doanh nhân người Mỹ gốc Iran. Ông được đánh giá là một CEO có năng lực, giàu kinh nghiệm và thẳng thắn, nổi tiếng là người có công lao đưa Expedia trở thành một tập đoàn lữ hành tầm cỡ toàn cầu.Bởi vậy, hãng Uber đang kỳ vọng ông sẽ thổi luống gió mới vào hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2018.