Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 96,09 ngàn tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch năm, bằng 101% so với cùng kỳ; lợi nhuận dự kiến đạt khoảng 2 ngàn tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước 13,2 ngàn tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ; tiền lương bình quân đạt 12,32 triệu đồng/người-tháng, trong đó sản xuất than đạt 13,25 triệu đồng/người-tháng.
Những kết quả nói trên xuất phát rất lớn từ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất để gia tăng sản lượng khai thác, tăng năng suất lao động và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Đối với các mỏ hầm lò, ngành Than đã tăng cường đưa vào nghiên cứu, áp dụng công nghệ khai thác hiện đại, như: hệ thống khai thác than lò chợ cơ giới hóa đồng bộ có công suất 600 - 1.200 ngàn tấn/năm; lò chợ chống bằng giàn mềm có công suất từ 150 - 220 ngàn tấn/năm và nhiều lò chợ chống bằng cột thủy lực đơn, giá khung, giá xích có công suất từ 100 - 250 ngàn tấn/năm.
Việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than đã góp phần nâng cao sản lượng lò chợ từ 2 - 3 lần, năng suất lao động tăng từ 3 - 5 lần. Nếu như năm 2008, tỷ lệ khai thác than bằng cơ giới hóa chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng than khai thác, thì đến nay đã tăng lên 15%; số mét lò chống bằng công nghệ neo vượt trên 40.000 mét, đạt trên 20% tổng số mét lò đào.
Bên cạnh cơ giới hoá, tự động hoá cũng được đẩy mạnh áp dụng vào các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước trong hầm lò. Đối với các mỏ lộ thiên, ngành Than đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn; từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải với công suất 20 triệu m3/năm nhằm giảm giá thành và cải thiện bờ mỏ.
Đối với công tác sàng tuyển, chế biến than, ngành Than đã đẩy mạnh hiện đại hóa khâu sàng tuyển, chế biến than như: công nghệ xử lý bùn nước bằng máy lọc ép tăng áp, đưa xoáy lốc phân cấp tận thu than bùn; công nghệ xử lý bùn nước bằng lọc ép tăng áp thu hồi; công nghệ xử lý bùn nước bằng lọc ép khung bản; công nghệ pha trộn than để sản xuất ra các loại than phù hợp nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là cho sản xuất điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Cùng với đó, ngành Than đã chủ động ứng dụng tin học hoá vào quá trình sản xuất kinh doanh và công tác quản lý điều hành, như: đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung; triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất (phần mềm hoá đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò; hệ thống giám sát lưu chuyển than)…
Áp dụng “3 hóa”: Cơ giới hóa - Tự động hóa - Tin học hóa, ngành Than đã khẳng định vị trí vững vàng, sẵn sàng cho việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời với “3 hóa” , TKV đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ cao, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với nhiều ngành nghề đào tạo. Mới đây, TKV và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết thoả thuận hợp tác. Theo thỏa thuận, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo đại học và sau đại học để đáp ứng yêu cầu nhân lực của TKV. Trong khi đó, TKV cam kết cấp học bổng cho sinh viên và học viên sau đại học của Trường trong các lĩnh vực như kỹ thuật hóa học, khoa học và công nghệ vật liệu, môi trường, điện, nhiệt, điều khiển tự động hóa và cơ khí. Hai bên cũng sẽ nghiên cứu cải tiến, ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất; phối hợp tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu chung; xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm chung phục vụ hoạt động phát triển nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo đánh giá, việc hợp tác với Bách khoa Hà Nội trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sẽ giúpTtập đoàn đẩy nhanh chương trình Cơ giới hoá - Tự động hoá - Tin học hoá tiến tới Thông minh hóa và Chuyển đổi Số doanh nghiệp theo xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đứng trước yêu cầu của sản xuất và những thách thức mới của thị trường, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng than ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu than cho sản xuất điện; hơn bao giờ hết việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra năng suất cao hơn, sức cạnh tranh tốt hơn là những nhiệm vụ quan trọng mà toàn ngành Than đang tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.